Hòa thượng Thích Thọ Lạc trao đổi khoa học “Văn hóa Phật giáo Việt Nam- Thống nhất trong đa dạng” tại Viện Trần Nhân Tông

Sáng ngày 06/6/2024, nhận lời mời của Viện Trần Nhân Tông, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có buổi trao đổi khoa học chủ đề “Văn hóa Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng”. Chương trình được tổ chức trực tiếp tại tại trụ sở chính Viện Trần Nhân Tông thu hút nhiều nhà khoa học tham dự.

Tới dự buổi trao đổi khoa học, về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS. TS. Trương Vũ Bằng Giang, Trưởng Ban Xúc tiến Đầu tư.

Về phía các nhà khoa học có GS.TS. Nguyễn Hùng Hậu, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Lê Văn Canh, nguyên Trưởng phòng Hợp tác quốc tế của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN; PGS.TS. Trần Đăng Sinh, nguyên Trưởng khoa Triết học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; NS.TS. Thích Nữ Hạnh Tâm, nguyên giảng viên của Đại học Quốc Lập Cao Hùng, Đài Loan hiện nay là giảng viên cao cấp Viện Trần Nhân Tông. Và TS. Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Nghiên cứu Phật giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS. TS. Trần Thị Biển, giảng viên cao cấp Khoa Thiết kế Mỹ thuật của Đại học Kiến Trúc Hà Nội.

Về phía Viện Trần Nhân Tông có PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; cùng lãnh đạo các phòng chức năng, phòng chuyên môn, Trung tâm, Văn phòng, các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh của Viện.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh, thay mặt lãnh đạo Viện bày tỏ sự vui mừng và trân trọng tới các nhà khoa học, các học giả quan tâm đến tham dự. Viện trưởng cũng cho biết, sự kiện hôm nay thể hiện một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Viện là nghiên cứu các giá trị di sản, văn hóa và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, của Phật giáo thời Trần, Phật giáo Việt Nam và mở rộng ra là văn hóa Việt Nam.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc trình bày trao đổi

Tại buổi trao đổi khoa học Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho biết, văn hóa Phật giáo Việt Nam là vấn đề hết sức sâu rộng, thông qua bốn lĩnh vực: Ngôn ngữ Phật giáo, pháp phục Phật giáo, kiến trúc Phật giáo, di sản Phật giáo là những lĩnh vực có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Theo chiều dài lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa dân tộc. Do đó, bảo vệ và phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng tức là góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc.

Hoà thượng khẳng định, Phật giáo du nhập vào Việt Nam cách nay khoảng 2000 năm. Trải qua thời gian, với tinh thần “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, Phật giáo dần dần đã thâm nhập sâu sắc vào đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”.

Tại phiên thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi sâu sắc đến từ các nhà khoa học như  GS.TS Nguyễn Hùng Hậu, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang, PGS.TS Trần Thị Biển, TS. Nguyễn Văn Quý. Các ý kiến trao đổi đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu tiếp theo cho Viện Trần Nhân Tông trong thời gian tới, đặc biệt nhấn mạnh đến định hướng xây dựng, phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng và đề ra các giải pháp góp phần xây dựng văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

Kết thúc chương trình, Viện Trần Nhân Tông chụp ảnh lưu niệm với toàn thể các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, khách mới tới tham dự sự kiện.

Dưới đây là một số hình ảnh không khí diễn ra buổi thuyết trình khoa học:

Bài viết liên quan

Phản hồi