TP. HCM: Thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ về vai trò của người dẫn chương trình Phật giáo
PGĐS – Sáng nay, ngày 23/03/2024 tại Tu viện Khánh An, Quận 12, TP.HCM, lớp đào tạo người dẫn chương trình Phật giáo của Ban Văn hóa Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiếp tục diễn ra với những môn học quan trọng về vai trò và nghiệp vụ dẫn chương trình.
Theo lịch học, sáng thứ 7 này, các học viên học môn “Vai trò của người dẫn chương trình”, do TT. Thích Trí Chơn, UV. HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM giảng dạy.
Theo Thượng tọa giảng sư, người dẫn chương trình đóng một vai trò quan trọng. Do vậy việc đầu tiên các học viên cần ý thức rõ vai trò của người dẫn chương trình. Vì thông qua đó, người dẫn chương trình sẽ hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc điều phối nội dung, tạo nên sự thành công của một chương trình.
Khi chia sẻ về vai trò của người dẫn chương trình, Thượng tọa Trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh, người dẫn chương trình phải làm chủ được mọi tình huống bằng sự chuẩn bị chu đáo về nội dung kịch bản và vốn kiến thức của mình. Do vậy, người dẫn chương trình cần phải nắm vững kịch bản và diễn dẫn theo tuần tự phân mục chương trình, với một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức chuyên môn liên quan đến nội dung chương trình.
Thượng tọa chia sẻ rất cụ thể về vai trò mà người dẫn chương trình cần phải đảm nhiệm trong một chương trình, đó là: người điều khiển chương trình, phát ngôn viên, xướng ngôn viên, người dẫn chuyện hoặc có thể là đóng cả vai một người diễn viên đặc biệt. Người dẫn chương trình cũng cần phải nắm vững các thể loại ngôn ngữ, như là: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, hành chính, khoa học, cổ xưa và trình bày các thể loại này với giọng điệu phù hợp.
Ngoài phong thái phù hợp của một MC trong chương trình Phật giáo, thể hiện qua hình ảnh trang phục, ngôn ngữ biểu cảm hình thể, thì người dẫn chương trình phải chủ động trau dồi ngôn ngữ nghệ thuật. Đối với người dẫn chương trình, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật cần được chú trọng, ngôn ngữ khi sử dụng cần được chọn lọc, trau chuốt và biết cách sử dụng một cách xúc tích, sinh động, mang giá trị cảm xúc, thẩm mỹ để người nghe cảm được. Điều này mang tính quyết định, làm nên sự thành công của người dẫn chương trình.
Cuối buổi học, Thượng Tọa giảng sư đã khẳng định lại rằng, để đảm nhiệm tốt vai trò dẫn chương trình, đòi hỏi người MC cần phải có kiến thức, tư duy sáng tạo, kỹ năng soạn kịch bản.
Ngọc Thanh
Phản hồi