Hành trình theo bước chân Phật

Sống hệ lụy thế nhân với bao danh lợi, tiền tài, sắc đẹp hay thong dong tự tại như một cánh chim trời, đều do ta quyết định từ ban đầu. Con đường đưa đến sự thong dong tự tại là con đường mà Đức Phật đã đi.

Chúng ta, ai cũng phải đi qua những chặng đường khác biệt để về với bến đỗ của riêng mình. Bến đỗ đó có an toàn hay không là do ta lựa chọn từ lúc ra đi. Sống hệ lụy thế nhân với bao danh lợi, tiền tài, sắc đẹp hay thong dong tự tại như một cánh chim trời, đều do ta quyết định từ ban đầu. Con đường đưa đến sự thong dong tự tại là con đường mà Đức Phật đã đi. Đó là con đường tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời đầy sóng gió, khổ đau này và chỉ có nó mới đưa chúng ta đến sự an vui, giác ngộ và giải thoát.

Phật giáo có đến 84.000 pháp môn – cũng chính là 84.000 con đường với điểm đến là sự giải thoát. Sở dĩ có nhiều pháp môn như vậy nhằm để phù hợp với căn cơ của mỗi người, bởi mỗi chúng sinh đều có những tâm tính khác nhau. Có người nặng về tính tham, có người nặng về tính sân,… Hai người cùng nặng về tính tham, nhưng cái tham người này lại khác cái tham của người khác. Vì căn tính, nghiệp lực và hạnh của mỗi người mỗi sai biệt, nên sẽ thích hợp với một con đường riêng. Nhưng dù là pháp môn nào đi chăng nữa cũng đều đưa hành giả đến sự giác ngộ, giải thoát.

Con đường đưa đến sự thong dong tự tại là con đường mà Đức Phật đã đi.
Con đường đưa đến sự thong dong tự tại là con đường mà Đức Phật đã đi.

Đức Phật trong suốt chặng đường 49 năm hoằng hóa độ sinh, Ngài đã lân mẫn chỉ dạy rõ ràng đường đến thế gian và lối về Niết-bàn:

“Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”.

(Kinh Vekhanassa, Trung Bộ kinh)

Là người con Phật, chúng ta thật hạnh phúc vì trong đêm tối của sự vô minh, ta vẫn thấy được đường đi lối về nhờ những lời Phật dạy. Người đã chỉ cho chúng ta thấy được sự khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Những đạo lý vi diệu ấy là ngọn đèn, bản đồ và hành trang cho chúng ta trên con đường trở về bến giác. Bát Chánh đạo, con đường mà Ngài đã thực chứng và truyền trao, là con đường mà mỗi hành giả sẽ trải qua để trở về quê xưa chốn cũ. Kinh Pháp Cú, bài kệ 190, 191 đã thể hiện rõ điều này:

“Ai quy y Đức Phật

Chánh pháp và chư Tăng,

Ai dùng chánh tri kiến

Thấy được bốn Thánh đế”.

“Thấy khổ và khổ tập

Thấy sự khổ vượt qua

Thấy đường Thánh tám ngành

Đưa đến khổ não tận”.

Chúng ta đến với đạo Phật là vì trong lòng ấp ủ mong muốn hạnh phúc, an lạc, thoát khổ, hết phiền. Để đạt được điều đó, tự mỗi cá nhân phải ra sức tu tập và chuyển hóa. Người bộ hành có thể đi xa, đến nơi sớm khi họ không mang vác theo quá nhiều đồ vật, chỉ những thứ thật sự cần thiết. Sự tu tập của chúng ta cũng thế, cần phải học cách buông bỏ cho thân và tâm thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Sự buông bỏ hiểu đơn giản là buông bỏ tính tham, sân, si và tránh làm những điều xấu, ác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nỗ lực làm những điều thiện lành, mang lại hạnh phúc cho tha nhân. Sự giải thoát chính là thành quả đến từ sự buông xuống thái độ chấp trước của ta và cái của ta. Buông bao nhiêu, giải thoát bấy nhiêu, buông cái gì thì giải thoát được cái đó. Khi ấy, chúng ta sẽ đi được lâu và xa hơn trong hành trình đi đến sự giác ngộ, giải thoát.

Trên bước đường tu học, ai cũng sẽ trải qua ít nhiều những khó khăn, nghịch cảnh, điều đó giúp ta có cơ hội thực hành những điều mà mình đã học để hoàn thiện mình hơn. Chúng ta không nên oán trách hay đổ lỗi cho hoàn cảnh mà hãy tự chuyển hóa tâm thái của chính mình khi đối mặt trước hoàn cảnh đó. Cũng như thay vì chê trách, khó chịu vì đoạn đường có quá nhiều gai nhọn hay sỏi đá làm chân ta bị đau, thì ta hãy tự trang bị cho mình một đôi giày để chân không còn đau nữa. Những đau khổ, nghịch cảnh trong đời là điều tất yếu, không ai có thể tránh, vì vậy người học Phật hãy tự trang bị những tư lương cần thiết để khi đối trước nghịch cảnh, tâm không còn cảm thấy đau khổ và bị lay chuyển.

14-1

Người bộ hành nhiều lúc phải mệt mỏi, kiệt sức vì những chướng ngại, chông gai trên đường đi hay nản lòng vì đích đến còn quá xa. Nhưng cũng chính con đường đó lại cho người bộ hành niềm vui, sự thư giãn, thảnh thơi khi ngắm những đóa hoa dại bên đường hay phong cảnh đẹp chung quanh. Cũng vậy, trên bước đường tu tập, nếu biết hành trì theo đúng chánh pháp thì ở ngay hiện tại, chúng ta sẽ được an lạc, thảnh thơi trong chánh pháp. Vì nhờ thực hành những thiện pháp chân chánh mà người tu học Phật pháp xa lìa những điều ác, tăng trưởng điều thiện, từ đó thân, khẩu, ý được thanh tịnh và không đi đến khổ cảnh.

“Thật vậy, chánh pháp hộ trì người có sự thực hành chánh pháp. Chánh pháp, khéo được thực hành, đem lại sự an lạc. Điều này là quả báu khi chánh pháp khéo được thực hành: Người có sự thực hành chánh pháp không đi đến khổ cảnh”.

(Trưởng lão Tăng kệ, Kinh Tiểu Bộ)

Những ai thực sự biết thực hành theo đúng chánh pháp, hướng lòng mình đến những điều thiêng liêng và giá trị chắc chắn sẽ nhận được điều tương xứng với niềm tin cao quý đó.

15-1

Bước qua những đoạn đường gập ghềnh, chúng ta mới biết được sự mệt mỏi của đôi chân và hiểu giá trị của sự nỗ lực, kiên trì. Trên con đường theo bước chân Phật, dẫu còn dài và lắm những cám dỗ, gian nan, không ít lần làm ta thoái chí, nản lòng; nhưng dù thế nào đi nữa, nếu chúng ta không ngừng nỗ lực, tinh tấn thực hành theo đúng chánh pháp thì chắc chắn sẽ đến bến bờ an lạc, giải thoát.

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bài viết liên quan

Phản hồi