Hành thiền

PGĐS – Chúng ta không cần cố gắng để đạt được gì cả, kể cả kinh nghiệm giác ngộ để trở thành một vị Phật. Mà đơn giản là an trú trong trạng thái vắng lặng tự nhiên của tâm thức. Điều này dễ dàng nhận biết khi nghe một tiếng chuông kêu, tiếp xúc một làn gió thổi mà không cần suy nghĩ. Ngay đó, không khởi lên một ý niệm nhị nguyên nào, mà tự tánh hằng biết, không nhầm lẫn giữa tiếng chuông và tiếng trống. Vì không khéo an trụ trong tâm Phật bản nhiên, nên chúng ta phóng tâm theo phiền não, trong khi đó chỉ là bóng dáng của sáu trần. Ngay cả những hạt giống cũ cũng không có cơ hội tân huân nếu chúng ta không chạy theo vọng tưởng.

Diệu dụng của tâm là ghi nhận, nhưng nếu chấp vào sự ghi nhận ấy thì chính ta đã rơi vào thức tình. Nên kinh Lăng Nghiêm dạy: thấy, nghe, hiểu, biết đều là huyễn. Mọi rắc rối xảy ra là do ý thức chấp ngã chi phối. Vì vậy mà có ngã và ngã sở.

Tác dụng của thiền với sức khỏe | VIAM

Tất cả những kinh nghiệm chứng đắc đều là những nấc thang của cây thang Phật tánh. Do đó, chúng ta cần phải buông bỏ, để leo lên những bậc thang mới, cho đến đạt được mục đích, vẫn nhờ từ bỏ nấc thang cuối. Nên giáo pháp của Đức Phật chính là sự buông bỏ. Bản thân của Bát Nhã đã tự phủ định chính mình. Nên không có chi gọi là Bát Nhã, vì rốt ráo không sở đắc.

Việc của chúng ta là ngồi yên, không cần làm gì cả. Vì bản chất tâm là vô tác. Tất cả pháp môn phương tiện chỉ là phủi bụi trên mặt bàn. Do đó, lúc này ta không cần bất cứ phương tiện nào để tịnh tâm. Cứ để tâm ở trong trạng thái tự nhiên vốn có và vọng tưởng tự tiêu dung. Ngay cả trong mọi sinh hoạt hàng ngày, tự tâm không hề duyên lự. Đầu mối của sanh tử chính là do bất giác.

Vì bất giác sâu dày thành tập khí, nên chúng ta mới cần những pháp môn thiền, tịnh, mật để phản bổn hoàn nguyên. Vốn dĩ, đêm ba mươi trăng vẫn sáng, nhưng muốn thấy trăng, phải đợi thoát mây che, hoặc nhờ gió thổi tan mây. Nên việc sáng tối vốn không can hệ gì đến trăng, vì có tối mới có sáng. Giác và mê cũng vậy, đều do các khái niệm so sánh tương phản lập nên. Đó là ý nghĩa viên minh châu trong chéo áo gã cùng tử của kinh Pháp Hoa. Sở dĩ chúng ta đau khổ, vì chúng ta thích làm phận ăn mày chạy theo trần cảnh.

Vấn Đáp Thiền (Thiền Trong Sinh Hoạt)

Căn trần không dính mắc là giải thoát. Đó là thấy, nghe đều như thị. Ngặt nỗi ta luôn quên “ Phật tức tâm” nên không thể đoạn thập kiết sử. Dù bản chất chúng hư vọng, nhưng không phải dễ tiêu trừ. Nên học đạo là học tự ngã. Tu đạo chính là buông bỏ tự ngã. Đạt đạo là không ngã, ngã sở. Càng mong cầu, càng đánh mất sự bình yên nơi tâm mình.

Điều phi thường nhất là sống với tâm bình thường. Đạo ở ngay trong đời sống hàng ngày. Đừng cố vẽ vờ và rong ruổi đi tìm. Bản chất đạo là vô tướng, làm sao phù hợp với ý niệm của mình. Cho nên, để bước vào cửa không phải hoàn toàn buông bỏ vạn duyên. Đừng loay hoay như lão Bà La Môn nọ, cầm cây Ngô Đồng, đã buông cả hai tay theo lời Phật dạy, mà chẳng biết phải buông những gì. Đó là trong buông sáu thức, ngoài buông sáu trần, ngay cả lục căn cũng không hề nắm giữ.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thích Như Dũng

Bài viết liên quan

Phản hồi