Halloween – Đừng để văn hóa xấu tràn lan trên đất Việt
Không những chơi Halloween vào những ngày cuối tháng 10 mà ngày tết Trung Thu, ở Hà Nội rất nhiều bạn trẻ hóa trang thành ma quỷ đi chơi ở những nơi công cộng khiến các em nhỏ sợ hãi khóc thé.
Khi máy quay của phóng viên đài truyền hình quay được thì các “con ma” này tỏ ra rất phấn khích và vui vẻ, như thể làm cho các em nhỏ khóc là một trò chơi mới được thể nghiệm.
Không biết ở Hà Nội và các thành phố khác như thế nào, riêng thành phố Hồ Chí Minh thì hầu như tất cả các shop quà lưu niệm, các cửa hang đồ chơi đã dẹp hết tất cả những con gấu bông dễ thương, thay vào đó là trưng bày những hình nhân thây ma, các dụng cụ hóa trang ghê rợn.
Nhớ cách đây khỏang 10 năm, chúng ta chỉ thấy những bộ đồ đen in hình bộ xương dạ quang, nhưng ngày nay thì nó đã trở nên quê mùa và không đủ… áp phê. Phải là những chiếc mặt nạ quái vật hay xác người chết đang phân hủy thối rửa. “Nghệ thuật” hơn nữa là hóa trang bằng son phấn, máu me lem luốc, vải trắng quấn như xác ướp, hoặc hóa trang thành ma búp bê, ma Hàn Quốc, ma Thái Lan.
Các hãng ciné thi nhau chiếu phim kinh dị, đến cả các quán café, quán bar, đến cả các câu lạc bộ thanh thiếu niên ở các trung tâm văn hóa trực thuộc TW, địa phương, và trường học cũng ráo riết chuẩn bị những màn hóa trang, kịch ngắn ma quỷ giết choc rung rợn nhằm thu hút lượng khách vào. Khách đến tham gia cũng hóa trang, có những phần thưởng hẳn hòi cho những khách nào hóa trang kinh dị nhất.
Người ta bảo “đi đêm có ngày gặp ma”, không nói đến vấn đề tâm linh, mà chỉ tạm bàn đến những tội phạm hình sự lợi dụng những chiếc mặt nạ này để dễ dàng khống chế nạn nhân khi khiến họ sợ muốn xỉu. Thật khó lòng nhận diện “ma thật” hay “ma giả” giữa một thành phố… ma.
Đánh máy tới đây tôi đã thấy run người sợ sợ, 3 năm trở lại đây tôi chẳng dám ra đường vào những ngày cuối tháng 10, nhất là ngay ngày Halloween, 31/10. Tôi gặp những người lớn tuổi và họ nói rằng chính họ còn thấy sợ huống gì các em nhỏ.
Giới trẻ chúng ta tự tin cho rằng mình là giới trí thức, vậy thì chúng ta lại càng phải sáng suốt nhận định đâu là văn hóa đẹp, đâu là văn hóa ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hơn hết là trách nhiệm phân tích cho những người cùng trang lứa nhận ra điều này.
Chúng ta cần có thái độ dứt khoát và cứng rắn hơn. Có thể chúng ta không hóa trang theo họ, nhưng chỉ cần vui đùa và hòa theo họ nghĩa là ta đang cổ súy cho họ, khuyến khích luồng văn hóa này phát triển mạnh hơn, lan rộng ra vùng nông thôn vắng vẻ hẻo lánh, tạo điều kiện cho tội phạm càng phát triển vì các em nhỏ sớm bị ảnh hưởng bởi các phim bạo lực, kinh dị, giết chóc bệnh hoạn, dã man. Chúng ta cần phải từ chối những buổi tiệc tùng mà niềm vui dựa trên nỗi sợ này.
Trước sự xâm nhập của nhiều luồng văn hóa ngọai lai, mà tác dụng tốt xấu sẽ ảnh hưởng lâu dài lên tâm thức xã hội, các cơ quan văn hóa chức năng nên chủ động nghiêm cấm hành động phổ biến ngay từ cửa khẩu nhập khẩu.
Trong khi chờ đợi hành động của Nhà nước, quý vị phụ huynh cũng nên khéo léo nhẹ nhàng phân tích cho con cháu cùng hiểu vấn đề, nói không với văn hóa ma quỷ này.
Mong là Trung thu năm sau chúng ta không còn bắt gặp cảnh trẻ em la làng hoảng sợ chạy trốn và khóc thé khi thấy “ma quỷ” dạo chơi đầy đường. Sẽ là ông Địa, lân sư rồng, lồng đèn và bánh trung thu như ngày xưa.
Hạnh An
Phản hồi