Hai lần bất hiếu

Tôi không biết bao lần Người thất vọng vì tôi vì có thể Người không muốn nói ra sợ con mình thất vọng.

Nhưng có 2 lần tôi cảm nhận một cách trực tiếp nhất sự nhẫn tâm vô thức của một đứa con bất hiếu làm đau lòng Người mà đến giờ nghĩ lại, có vạn lần muốn báo hiếu cũng chỉ là vô ích mà thôi.

Lần 1: tôi khoảng 5 tuổi. Đẻ mới mua một cái mủng (rổ nhỏ) về dùng. Thấy Đẻ chạy chợ đòn gánh đè vai, kiếm bữa trưa lo bữa tối sau ngày CCRĐ, tôi lúc đó 5 tuổi, theo bạn đi xin cá biển, loại trích, mu … mất đầu đuôi hoặc thân bị dập nát mà ngư dân không bán được. Mấy ngày đầu chẳng ai cho, buồn quá, tôi bỏ xin cá để cùng bọn trẻ đá bất kỳ thứ gì có thể đá được. Và cái mủng nhỏ, tròn của tôi là quả bóng lý tưởng cho chúng nó đến mức sau đó, nó chỉ còn là một vật dúm dó, rách nát. Mang cái gọi là mủng về nhà, gặp ánh mắt thất thần của Người (không chửi, không mắng), tôi đứng như trời trồng. Một cảm giác hối hận ngập thằng nhóc. Đẻ ơi, giờ con có thể mua được hàng nghìn, hàng vạn cái mủng như thế nhưng làm sao con có thể chuộc lại được nỗi buồn mà Người phải gánh lúc cực kỳ khó khăn đó?

Lần 2: Không được xét vào Đại học (chẳng hiểu nguyên nhân gì), tôi đi học thêm 9 tháng để về “gõ đầu trẻ”. Tôi thất vọng một, Người thất vọng nhiều. Để nuôi đàn con ở vùng biển khi không còn người đàn ông trụ cột, đói nghèo và cô lập, phân biệt và lý lịch, có thể nói là Người đã hy sinh đến từng giọt thời gian cho con cái với một ý chí sắt đá ngầm, một nghị lực phi thường như thách đố xã hội là các con phải được vào đại học. Thế mà tôi… Và Người vẫn không một lời ca thán!

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tôi nhớ dịp đó Người giao tôi lên cửa hàng mậu dịch huyện mua một số vải về bán lại cho bà con ở dưới thuyền câu (quê tôi gọi là dân dưới nôốc ). Cửa hàng mậu dịch không có loại vải này, chẳng hiểu “ma xui quỉ khiến” thế nào mà tôi lại lạc bước vào cửa hàng sách. Thế rồi, không thắng nổi cám dỗ, toàn bộ số tiền Người giao có lẽ là lớn nhất của cả nhà dạo đó, tôi mua sách hết sạch (trong đó tôi nhớ có quyển thơ Cửa mở của Việt Phương). Mua xong rồi mới nhớ ra mình đã làm một việc quá nhẫn tâm với Người, tiêu hết đồng vốn ít ỏi mà Người đã chắt chiu dành dụm sau bao phiên chợ nắng mưa, rét mướt của một thân già đau khớp tim, giãn tĩnh mạch …

13 năm sau lần đá mủng, tôi gặp lại ánh mắt thất thần của Người. Và tôi, một thằng thanh niên sức dài vai rộng, xấu hổ không biết độn thổ cách nào, lại đứng như trời trồng trước Đẻ.

Thế mà bà con có biết không, Đẻ tôi, một người không biết chữ, đã hàng chục lần phơi nắng chống ẩm, lau bụi cho những quyển sách của tôi. Ba lần dời nhà, ba lần Người sắp xếp lại, nâng niu giữ gìn những quyển sách đó như giữ hũ đậu, lạc, vừng …mà Người thường xuyên trữ sẵn trong nhà  thay cho cá thịt.

Đẻ ơi, giờ con có thể mua hàng ngàn quyển sách, con đã gửi tặng hàng trăm quyển cho các trường học, các cháu sinh viên. Nhưng làm sao con có thể đem về cho Đẻ mấy miếng vải mà Đẻ từng hy vọng? Bất giác, tôi cũng như Trúc Thông, chỉ ao ước có được một điều, một điều tha thiết nhất:

“Xin Người hãy trở về quê

Một lần cuối … một lần về cuối thôi”

Sau cuộc bất hiếu lần 2, giữa lúc anh trai tôi bị thương từ chiến trường phục viên chưa có việc làm, tôi đã có một quyết định không giống ai: bỏ dạy (lương thấp) để đi biển đỡ cho Đẻ, giúp anh, có thêm tiền mua sách. Trong cảnh trên bom dưới đạn, một năm sau đó, tôi quay lại dạy học theo lời khuyên của Người.

Xin hỏi bà con: “Nếu tôi tiếp tục đi biển thì cuộc sống bây giờ sẽ ra sao?”

Luật sư Trần Hữu Huỳnh

Bài viết liên quan

Phản hồi