Hải Dương : Lễ Đúc Đại Hồng Chung Tại Chùa Cao – Thôn Bá Nha – Xã Thanh Quang – Huyện Thanh Hà

PGĐS – Sáng ngày 16/06/2024 (nhằm ngày 11 tháng 05 năm Giáp Thìn), Chùa Cao Phúc thôn Bá Nha xã Thanh Quang huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương đã diễn ra lễ đúc Đại Hồng chung, Chư tôn đức thường trực BTS PG tỉnh Hải Dương. đại diện trụ trì các chùa trong và ngoài tỉnh cùng BLĐ và đông đảo bà con nhân dân Phật tử, các doanh nghiệp doanh nhân và  các mạnh thường quân cùng về tham dự lễ.

Chứng minh buổi lễ có: ĐĐ. Thích Quảng Thuyết – UVTT Ban TTTT GHPGVN, UVTT Phó Trưởng Ban BTS GHPGVN Tp Hải Dương cùng chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh.

Về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Văn Nam – Phó Trưởng Ban Tôn Giáo Sở Nội Vụ tỉnh Hải Dương, Ông Nguyễn Hải Thanh – Cục Phòng Chống Tham Nhũng ( Cục IV ) Thanh Tra Chính Phủ, Đại Tá: Hoàng Hà Thuỷ – Nguyên Trưởng Phòng Công Tác Chính Trị CATP Hải Phòng, Thượng Tá: Nguyễn Văn Trường – Trưởng CA huyện Thanh Hà,  Ông Nguyễn Hải Đông – HUV Bí Thư Đảng Uỷ xã Thnh Quang, Ông Nguyễn Đăng Khoa – PBTĐU Chủ Tịch UBND xã, , Bà Đỗ  Thị Bích – Nguyên Chủ TỊch HĐQT CTCP Nhất Ly , Bà Vũ Thị Hằng – Tổng Giám Đốc Công Ty Hải Nam cùng đại diện các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo tín đồ Phật tử gần xa cùng về tham dự buổi lễ.

Mở đầu buổi lễ Đại đức Thích Minh Phúc đã phát biểu khai mạc và đọc ý nghĩa đúc Đại Hồng Chung: “Ngày nay, chuông được sử dụng một cách rộng rãi ở trong các chùa. Tuỳ theo nhu cầu của người sử dụng, người ta làm ra nhiều loại mẫu chuông khác nhau, nhưng chung quy thì có ba loại căn bản: Đại hồng chung, Bảo chúng chung và Gia trì chung.

Đại hồng chung là loại chuông lớn hay còn gọi là chuông U minh, chuông này thường được đánh vào những lúc đầu hôm và cuối đêm. Đánh vào lúc đầu hôm là để thức tỉnh và nhắc nhở mọi người rằng: “Vô thường mau chóng, chẳng hẹn một ai, khi hơi thở ra mà không trở lại là qua đời khác”. Còn đánh vào lúc cuối đêm là để sách tấn mọi người mau mau tu tập, đoạn trừ mọi phiền não cấu uế của tự tâm, gạn lọc tham, sân và si là ba thứ gây ra tội lỗi, trói buộc trong vòng sanh tử luân hồi. Lối đánh chuông này, thường là 108 tiếng, ý nghĩa biểu trưng cho 108 thứ phiền não của chúng sinh, khi chuông đánh lên thì 108 thứ phiền não này đều bị rơi rụng, trí tuệ phát sinh, căn lành tăng trưởng, đạt được sự giải thoát giác ngộ trong tương lai.

Bảo chúng chung hay còn gọi là Tăng đường chung, tức là loại chuông này dùng để báo tin trong lúc nhóm họp Đại chúng, thọ trai hoặc khi lên khoá lễ hay kiền chuỳ … trong các chùa.

Gia trì chung là loại chuông dùng để đánh trong trường hợp đầu bài hoặc cuối bài những câu kinh hay câu sám, hoặc cũng có lúc xuống dòng của đoạn hay của câu, và còn ra hiệu cho biết khi bắt đầu hoặc chấm dứt buổi lễ. Đồng thời cũng là để điều hoà cho người tụng kinh, lễ Phật được nhịp nhàng đều đặn, hướng người tụng vào một con đường duy nhất là Chí Tâm.

 Âm ba của tiếng chuông như là một liều thuốc “trực chỉ nhân tâm”, xoáy sâu vào thức A Lại Da của mọi người, vượt thoát không gian và thời gian, phá tan mọi thành trì căn trần và thức, bức phá mọi gốc rễ của vô minh ngàn đời tăm tối, đưa hành giả tới chỗ hốt nhiên, vỡ oà, chạm được cửa ngõ của Bản Lai, vào sâu căn nhà của Diện Mục, “linh linh bất muội, liễu liễu thường tri”. Quả là hợp với câu:

            Hồng chung vang vọng tiếng ban đầu

         Địa ngục A Tỳ thăm thẳm sâu

         Thiên đường Hữu Đảnh ngân vang khắp

         Trước Phật mười phương con cúi đầu”.

Sức công phá, sự lan toả của nó không chỉ hạn hữu ở thế giới hiện thực, mà nó còn quét sâu vào thế giới siêu hình, tạo nên một sự nối kết hoàn hảo, bù đắp cho những thiếu hụt trong quá khứ, gắt kết với đời sống hiện tại, xây dựng một kết quả viên mãn trong tương lai. Tính chất này giúp cho người hiện còn có thêm những phương tiện, thể hiện lòng tri ân và báo ân của mình đối với những người đã khuất, xua đi tất cả những mặc cảm, thân phận của cuộc đời, để nhích lại gần với nhau hơn trên lộ trình “pháp giới đồng nhất thể”.” 

Cuối cùng, Đại Đức: Thích Quảng Thuyết đã có lời đạo từ khuyến tấn tới đại chúng về ý nghĩa và công đức của việc làm chùa, tô tượng, đúc chuông bởi:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông

Đại Đức cũng mong rằng, dưới sự giúp đỡ tận tình của chính quyền sở tại, chư tăng và bà con Phật tử bản tự sẽ đoàn kết, hòa hợp, cùng xây dựng chốn già lam trang nghiêm, tố hảo.

Kết thúc buổi lễ là nghi thức niêm hương cầu nguyện và trì trú Đại Bi của chư tôn đức chứng minh và toàn thể đại chúng tham dự.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:

Tin/Ảnh : Thích Minh Khánh 

Bài viết liên quan

Phản hồi