Hải Dương: Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn

Sáng nay, 12/12/2023 (nhằm ngày 30/10/Quý Mão), tại Tổ đình Côn Sơn – di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia, phường Cộng Hoà, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã long trọng diễn ra đại lễ Tưởng niệm 715 năm ngày Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (01/11/1308 – 01/11/2023) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương.

Tham dự Đại lễ Tưởng niệm có Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS; Hoà thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, trưởng Ban Từ thiện xã hội TƯGH, chứng minh Ban trị sự GHPGVN tỉnh Hải Dương; thượng toạ Thích Thanh Vân – Uỷ viên HĐTS, Phó Ban nghi lễ TƯ, trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh; chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự, các ban ngành trực thuộc, Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thị xã, thành phố; chư Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni; quý vị trụ trì các Tổ đình, tự viện; Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật Học Hải Dương; các đạo tràng xa gần và đông đảo đồng bào Phật tử các giới đã về tham dự.

Về phía lãnh đạo chính quyền tỉnh Hải Dương có Ông Nguyễn Khắc Toản – tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Đình Tranh, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, cùng các vị đại diện các Sở Ban ngành trong tỉnh Hải Dương, thành phố Chí Linh và phường Cộng Hoà sở tại.

 

Thượng toạ Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trưởng Ban tổ chức Đại lễ cung tuyên tiểu sử của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông. “Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Thân hình Ngài có những đặc điểm khác thường, nhất là có màu vàng, nên được vua cha đặt cho biệt hiệu là Phật Kim.

Năm 16 tuổi (1274), Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc lão thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh để dạy cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố v.v… tất cả đều hết lòng dạy dỗ. Chính Vua cha cũng đã soạn Di hậu lục để dạy dỗ cho Thái tử cách xử thế, chuẩn bị nối nghiệp sau này…”

 

Hòa thượng Thích Quảng Tùng cung tuyên văn Tưởng niệm của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hải Dương “Hôm nay, dưới ánh hào quang tỏa rạng của Đức Phật Hoàng, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Hải Dương xin đốt nén Tâm hương ngũ phần, dâng lời tưởng niệm chân thành, Tâm cảm ý giao, một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ Lịch đại Tổ Sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh chốn Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở. Đồng thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các Tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “Tốt đời đẹp Đạo”, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng nhờ ngoại lực để phát huy Đạo giáo và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ; tạo dựng một Thiên đường, Cực lạc tại nhân gian trong lòng người, bằng triết lý Thiền là Sống, là Tâm Từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của Trần thế, thực hành Bồ tát đạo.

Tiếp theo là phần Nghi lễ tưởng niệm theo nghi thức truyền thống của Phật giáo xứ Đông, dâng hương tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông của Chư tôn Hòa thượng, Chư Thượng tọa Đại đức Tăng Ni và quý vị Lãnh đạo Chính quyền các cấp và cảm tạ của Ban Tổ chức.

Một số hình ảnh ghi nhân:

Ban TT-TT PG Hải Dương

Bài viết liên quan

Phản hồi