Giữ lòng tĩnh lặng để sống ung dung

PGĐS – Chào đón những điều đến với mình, luôn thấy trong

               lòng ung dung thanh thản, đó là biết kiềm chế.

Đại sư Hoằng Nhất – “Tuyển tập cách ngôn”

Theo đại sư Hoằng Nhất, một người khi đối mặt với bất cứ sự việc nào, dù là làm việc hay giao tiếp với mọi người, đều có thể giữ lòng ung dung thanh thản, bận rộn nhưng không rối loạn, vậy thì người này có thể coi là một người biết kiềm chế. Mà muốn làm được như vậy, thì việc đầu tiên là phải biết khắc phục tính khí nóng nảy, dễ bị kích động.

Người có thể luôn giữ cho mình ung dung thanh thản là người ôn hòa với mọi người, đối nhân xử thế điềm tĩnh lịch sự, thấu hiểu người khác và có tấm lòng bao dung, dẫu bị thóa mạ vẫn có thể bình tĩnh ung dung làm việc đâu ra đấy. Người làm được như thế ắt không phải người tầm thường.

Kiềm chế bản thân chính là làm chủ cảm xúc của mình. Cảnh giới cao nhất của con người là xem nhẹ thế sự, cho dù gặp nguy nan, bất hạnh, thì vẫn vui vẻ, vẫn bình tĩnh thong dong như nước.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Một bộ lạc thổ dân nào đó ở châu Phi nghênh đón một đoàn du lịch tham quan từ nước Mỹ tới. Trong bộ lạc có một ông lão thường ngồi thảnh thơi dưới một gốc cây lớn, vừa hóng mát, vừa dệt mũ rơm.

Mũ rơm được dệt xong, ông sẽ đặt thành hàng phía trước mặt, để du khách chọn mua. Mũ có tạo hình độc đáo, phối hợp màu sắc khéo léo, mà giá chỉ có 10 đồng một  chiếc. Thần thái của ông làm cho người khác cảm thấy ông không phải đang làm việc, mà là đang hưởng thụ.

Lúc này, một thương nhân nhanh trí mở máy tính ra tính: “Chiếc mũ rơm đẹp như vậy nếu như chuyển qua Mỹ, ít nhất cũng sẽ nhận được lợi nhuận gấp 10!”

Thương nhân nói với ông lão: “Nếu như tôi đặt làm 10.000 cái mũ rơm ở chỗ ông, thì mỗi chiếc mũ ông sẽ cho tôi ưu đãi là bao nhiêu tiền?

Thương nhân cứ nghĩ chắc chắn ông lão sẽ vui mừng lắm, nhưng không ngờ ông lại nhíu mày nói: “Nếu như vậy, thì 20 đồng một chiếc mũ.”

Thương nhân chưa bao giờ thấy chuyện bán buôn mà lại tăng giá thế này. “Tại sao vậy?” Thương nhân đầy nghi ngờ.

Ông lão nói: “Đối với tôi, nhàn nhã ngồi dệt mũ rơm dưới tán cây lớn này là một cách hưởng thụ. Nhưng nếu như muốn tôi dệt 10.000 chiếc mũ rơm hình dáng giống nhau, thì tôi không những phải làm việc liên tục không quản ngày đêm, mệt mỏi lao lực, mà còn mất đi niềm vui và sự thong dong. Lẽ nào anh không nên trả thêm tiền cho tôi sao?”

Thứ đáng quý nhất của con người là tính mạng và tâm hồn, chăm sóc tốt cho cả hai thì cuộc sống sẽ viên mãn. Chỉ khi tâm hồn được yên ổn, chúng ta mới có thể sống ở nơi đô thị huyên náo mà coi sắt thép xi-măng là núi xanh nước biếc. Sống một cách thi vị, thong dong tinh thần thoải mái, không quan tâm hơn thua, thuận theo tự nhiên, học cách rộng lượng với thế giới. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể trở thành một người vui vẻ, hưởng thụ hạnh phúc chân chính.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Các nhà nghiên cứu người Anh và Phần Lan đã tiến hành điều tra tình trạng sức khỏe tâm lý cũng như trạng thái công việc của hơn hai nghìn nhân viên văn phòng nước Anh và phát hiện ra rằng: Người làm việc từ 11 tiếng trở lên mỗi ngày hoặc làm việc 55 tiếng mỗi tuần có tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao gấp hai lần so với người làm việc 7, 8 tiếng một ngày.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thương mại, nhịp sống của con người hiện đại ngày càng hối hả, bận rộn và vội vàng khiến chúng ta mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta đã hy sinh sức khỏe quý báu và cuộc sống an nhàn, đổi lấy việc tiêu hao vật chất quá độ và sự trống rỗng trong tâm hồn. Làm thế nào  để tìm kiếm cách sống lành mạnh hơn vẫn luôn là vấn đề nan giải khiến con người thời nay phải đau đầu. Bởi vì chúng ta làm việc ham nhanh, nên thường làm cho có chứ ít ai làm được triệt để. Làm việc một cách điềm tĩnh, ung dung không chỉ có thể nâng cao hiệu suất công việc mà còn có ích cho sức khỏe của chúng ta.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Ông Kim Dung hơn 80 tuổi từng nói: “Tính tôi không vội vàng, làm việc gì cũng từ từ chầm chậm, nhưng cuối cùng cũng làm tốt hết. Con người không thể lúc nào cũng căng thẳng, cần có lúc kéo căng lúc thả lỏng, lúc nhanh lúc chậm, như vậy rất có lợi cho sức khỏe.”

Đúng vậy, có những người “chậm chạp” nhưng cũng không làm ít việc hơn ai. Là bởi vì, họ nắm được cách làm chính xác, cho nên không cần bận rộn mà vẫn có thể làm xong hết mọi thứ. Còn những người rất bận rộn ngược lại thường là người không có thành tích gì hết. Họ làm gì cũng nhanh, nhưng lại chẳng có cái nào hoàn thành trọn vẹn. Giống như viết văn, có người mất một tháng để viết được mấy trăm nghìn chữ, nhưng nội dung chẳng ra gì. Có người chỉ viết có mười nghìn chữ, nhưng từ nào cũng hay cả.

Cho nên, những người làm việc ung dung chẳng bao giờ sắp xếp một công việc vượt quá khả năng của mình. Ngoại trừ công việc, họ còn dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn, điều chỉnh tâm trạng, tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Người biết kiềm chế luôn rất thận trọng điềm tĩnh, không quá khích khi gặp chuyện vui, không suy sụp khi gặp chuyện buồn, khó khăn đến mấy cũng sẽ không  hoảng hốt lúng túng. Họ sẽ tự mình cố gắng nghĩ cách giải quyết, và có khi người khác còn chưa biết thì vấn đề đã được giải quyết rồi.

Trích trong: Tống Mặc (2021), Hà Giang dịch, “Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh”, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội.

Nguồn: phatgiaobaclieu.com

Bài viết liên quan

Phản hồi