Giới định tuệ là cốt lõi trong sự nghiệp tu tập của người xuất gia

PGĐS – Người xuất gia, dù tu tập theo bất cứ truyền thống, hệ phái, tông phái nào và dù ở bất cứ vị trí nào trong Giáo hội hay xã hội thì mục tiêu phải đạt được là thành tựu giới học, định học và tuệ học. Giới định tuệ là cốt lõi của sự nghiệp tu tập.

Một thời, Thế Tôn trú tại Vesàli, dạy các Tỷ kheo:

– Này các Tỷ kheo, có ba hạnh này của Sa môn cần phải làm. Thế nào là ba?

– Thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học. Đây là ba hạnh của Sa môn cần phải làm. Do vậy, các Tỷ kheo phải học tập như sau: Sắc bén là ước muốn của chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học.

– Ví như, này các Tỷ kheo, một con lừa đi theo sau một đàn bò, nghĩ rằng “ta cũng là con bò” nhưng nó không có màu sắc, tiếng kêu và chân giống con bò. Tuy vậy, nó vẫn đi theo đàn bò và nghĩ rằng “ta cũng là con bò”.

– Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ở đây có Tỷ kheo đi theo sau lưng chúng Tỷ kheo, nghĩ rằng “ta cũng là Tỷ kheo”. Nhưng vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học như những Tỷ kheo khác. Tuy vậy, vị ấy vẫn đi theo sau lưng chúng Tỷ kheo, nghĩ rằng “ta cũng là Tỷ kheo”.

Do vậy, các Tỷ kheo phải học tập như sau: Sắc bén là ước muốn của chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Sa môn, phần Sa môn [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.415)

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lời bàn: 

Xuất gia vốn đã khó, làm tròn bổn phận của người xuất gia lại càng khó hơn. Nhiều người nghĩ rằng đã đi tu, làm Tỷ kheo là thanh tịnh, giải thoát và hoàn thiện. Thực ra, đó chỉ là bước đầu, người xuất gia phải tu luyện trong một thời gian dài, phấn đấu và nỗ lực thật nhiều mới có thể kiện toàn những phẩm chất cần có.

Người xuất gia, dù tu tập theo bất cứ truyền thống, hệ phái, tông phái nào và dù ở bất cứ vị trí nào trong Giáo hội hay xã hội thì mục tiêu phải đạt được là thành tựu giới học, định học và tuệ học. Giới định tuệ là cốt lõi của sự nghiệp tu tập, là ba chân vạc chắc chắn của đời sống xuất gia. Do vậy, có thể nói, nếu không chuyển hóa để “thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học” thì người ấy chỉ là “hình đồng xuất gia” mà thôi.

Thế Tôn đưa ra ảnh dụ về con lừa đi theo đàn bò và nghĩ rằng “ta cũng là con bò” thật cụ thể, ấn tượng và sâu sắc. Con lừa thì hoàn toàn khác biệt con bò nên dẫu có đi theo đàn bò hay lẫn lộn giữa đàn bò thì lừa cũng vẫn là lừa. Chỉ tội nghiệp cho con lừa mê muội nghĩ rằng mình là bò, “thấy sang bắt quàng làm họ” mà chẳng chút tương ưng.

Ngày nay, người xuất gia khá nhiều. Chúng ta đều nguyện theo dấu chân xưa của Phật, Tổ nhưng ai đã theo kịp? Ai đích thực là Tỷ kheo và ai chỉ là người đi theo sau lưng chúng Tỷ kheo mà nghĩ rằng “ta cũng là Tỷ kheo”? Giới, định và tuệ nơi tự thân mỗi người sẽ là câu trả lời và đó cũng chính là mục tiêu thiết thực nhất cho một đời dấn thân tu học.

Quảng Tánh

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bài viết liên quan

Phản hồi