Dưới mái hiên chùa – thân tâm an lạc
Tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi có thể sống đời an lạc, thanh thản trong một đại gia đình Phật giáo, cùng tu học dưới mái chùa quê có thầy có bạn, có niềm vui thật giản đơn…
Mùa xuân trăm hoa đua nở, cây cối đâm chồi nảy lộc. Hè về bằng tiếng hát gọi mời của những chú ve sầu bên những chùm phượng đỏ thắm trong sân trường. Thu sang hương ổi quyện bay trong gió, dăm ba chiếc lá rụng. Đông đến, những trận bão ghé thăm làm ngập lụt miền trung, rét run miền bắc. Ôi! Vũ điệu thời gian chuyển nhịp không cùng. Một năm đi qua, không ít người “cuốn theo chiều gió”, trôi theo dòng đời cuộc lữ thăng trầm. Nhưng với những chú điệu như chúng tôi, thời gian là những hạt ngọc long lanh được xâu kết bởi những kỷ niệm đẹp “Dưới mái hiên chùa” vô tư, vô sầu.
Ngày còn bé theo mẹ đi chùa, nhìn thấy tôn dung của những vị xuất gia, đầu tròn áo vuông, nghiêm trang, ít nói… tôi nghĩ chắc trong chùa, các thầy chỉ biết gõ mõ tụng kinh, niệm Phật chứ không biết làm gì! Cuộc sống của họ tẻ nhạt lắm đây!
“Con vua thì được làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa”
Chỉ biết quét lá đa thôi! Hi hi
Thế nhưng từ ngày vào chùa tập sự xuất gia hành điệu, những ý nghĩ đó dần dần tan biến, tôi hiểu nhiều điều. Người tu hành ngày ngày tụng kinh đều phát nguyện: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ” ôm trong lòng hoài bảo “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”. Do vậy những vị mới vào chùa phải chấp lao phục dịch, tu tập thiền tụng, lập công bồi đức, luôn gần người lớn để học những điều chưa biết, nghe những điều chưa nghe, có một thân hình khỏe mạnh, một tinh thần dõng mãnh, một chí nguyện kiên cường, nói tóm lại là thân và tâm đều tốt, đắp một nền móng chắc chắn. Muốn được như vậy người tu trẻ phải tự mình ý thức được sự rèn luyện thân thể và tinh thần tốt để có thể tu tập và giúp đỡ mọi người cùng phát tâm Bồ đề.
Trong chúng có một chú tiểu thân hình mãnh mai, yếu đuối. Chúng tôi khích lệ chú ấy luyện tập thể lực bằng cách siêng năng lạy sám hối, vừa tiêu trừ nghiệp chướng vừa được khỏe mạnh. Chú ấy cũng tinh tấn lắm. Mỗi ngày ngoài giờ học tu của đại chúng, chú đều đi sám hối “thêm”. Khổ nổi sức khỏe kém, cái nghiệp “hôn trầm” nên mới “chí tâm đảnh lễ” lạy mấy lạy thì úp mặt ngủ luôn trước Phật. Các huynh đệ đi ngang qua thấy nhưng mà để ngủ chứ không đánh thức dậy, để cho đi “Tây Phương” luôn!!! Mãi cho đến giờ chỉ tịnh, sư huynh đi đánh kiểng, tiện chân ghé qua tặng cho mấy roi mà cũng chưa tỉnh ngủ.
Lạy sám hối không có hiệu quả, chúng tôi bèn rủ nhau đến năn nỉ một sư huynh trước kia là võ sĩ dạy võ dùm. Mong sao nhờ luyện võ sẽ không còn ngủ gục nữa. Ngày “khai giảng”, dưới ánh trăng huyền diệu, được xem sư huynh biểu diễn các bài quyền, bài côn…như rồng bay phụng múa, ai cũng thích thú, hăng hái lắm. Động tác đầu tiên phải học là tập “tấn”. Huấn luyện viên nhảy một cái nhẹ nhàng. Chú tiểu nhà ta bắt chước nhảy một cái thì té cái rầm! Cả lớp cười nghiêng ngửa, còn chú ta “quê xệ quá” bỏ chạy trốn mất tiêu. Thế là lớp võ đã “tốt nghiệp”, không ai học nữa.
Lúc mới vào chùa chưa biết nấu ăn. Một lần, nghe sư phụ giảng ăn cháo có mười điều lợi ích, đến phiên trị nhựt tôi không biết nấu món gì cúng dường đại chúng vừa ngon vừa có lợi cho sức khỏe “Thôi mình nấu cháo cho chúng ăn”. Suy nghĩ như thế rồi đi đến quyết định nấu cháo, nhưng ăn cháo trắng thì ngán lắm, tính tới tính lui bèn nghĩ ra món cháo bầu. Nghĩ là làm, tôi đi bắt cháo, sau đó gọt bầu rồi bầm nhỏ lại nấu với gạo. Đến khi ăn, sư phụ hỏi: “Cháo gì vậy con?” Tôi lễ phép thưa: “Bạch sư phụ, cháo bầu ạ” sư phụ khẽ mỉm cười. Sau giờ ăn, các huynh đệ xúm chọc quê tôi: “sư em thích ăn bầu hả”, “hình như món này không có trong tự điển”…và từ đó mỗi khi tôi bịnh là dịp các sư chị, sư em có chế nhạo tôi “bịnh gì mà bịnh, bịnh rịnh, bịnh cháo bầu đó, nấu cháo bầu cho ăn là hết bịnh liền” rồi cả chúng xúm nhau cười một mẻ.
Chú tiểu Trung Nghiêm, ngày đại lễ Phật đản, ai cũng tất bật lo làm lễ đài, xe hoa mừng Phật đản. Còn chú tiểu nhà ta đi chơi ô làng cùng với mấy em Oanh vũ Gia Đình Phật tử. Chơi hăng say lắm, tay dính đầy đất đỏ, còn quần áo thì dơ ơi là dơ. Sư phụ đứng sau lưng quan sát một lúc lâu mà chú tiểu không hề hay biết, đến khi sư phụ tằng hắng, ngước mặt lên thấy sư phụ, chú tiểu “bẻn lẻn” bỏ nắm sỏi xuống, lấm lét đi vô chùa. Vậy mà ngày bà nội mất chú không đi về, chú nói mình ở chùa tụng kinh cầu nguyện bà nội cũng biết, Phật cũng biết, Phật sẽ rước bà nội đi lên Tây phương. Không giống như sư chị Trung Tịnh, ba mẹ mất, đêm nào cũng lên chánh điện, loay hoay làm gì trên đấy không ai biết, làm ai cũng lo lắng, chắc là than thở với Phật điều gì đó!!!
Sư phụ giao việc thiết kế xe hoa cho Trung Toàn. Nhưng xe bận chở hàng cho khách đến chiều ngày 13 mới có xe. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ làm sao trang trí kịp, nhắm bề không xong sợ sư phụ rầy nên nước mắt chảy ròng ròng, cả chùa ai cũng đến hỏi tại sao khóc, chú cứ im lặng làm ai cũng lo lắng không biết đã xảy ra việc gì. Đến khi sư phụ nói: “Xe hoa làm xong thì mình chạy, làm không kịp thì thôi, không sao đâu con à”. Lúc này cả chùa mới vỡ lẽ cười nhẹ nhàng, hóa ra chú Trung Toàn sợ làm không kịp xe hoa Phật Đản. Thế là cả chùa đêm ấy thức trắng đêm làm xe hoa, mỗi người mỗi việc, từ khâu trang trí đến bắt đèn điện… cuối cùng, khi hừng đông ló dạng xe hoa cũng đã hoàn thành đẹp mắt, khéo tay đến lạ kỳ.
Từ lúc vào chùa bắt đầu tập sự xuất gia hành điệu cho đến lúc được thọ Tỳ Kheo Ni giới, thành những bậc thầy mô phạm, ôm trong lòng chí xuất trần thượng sĩ cũng có niềm vui riêng “kiểu chùa” an lạc và thanh thoát. Đôi khi cũng phạm những sai lầm bị khiển trách, trị phạt sám hối quỳ nhang…hay lúc bị bệnh… nhưng chính những lúc ấy lại là lúc hạnh phúc nhất vì được huynh đệ cả chùa quan tâm, an ủi và chia sẻ, cơm bưng nước rót tận tay cho mình. Những công việc chấp tác hằng ngày đều được huynh đệ san sẻ, gánh vác, nhất là khi nhà huynh nào có tang ma hiếu sự, dù xa đến đâu, ở tỉnh nào cũng được huynh đệ cả chùa về thăm, chung tay lo hậu sự, nghi lễ, nấu ăn…như một đại gia đình.
Phản hồi