Dạy con ngoan theo Phật


Một hôm chủ nhật có một gia đình 2 vợ chồng và 2 đứa con, trai lớn, gái nhỏ, nhiệt tình tìm đến chùa thăm thầy.
Đã lâu khoảng 5 hoặc 7 năm gì đó thầy không gặp họ, mặc dù gia đình họ đang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi chào hỏi xã giao, họ mới nói lý do tìm đến thăm thầy là vì họ bất lực, không thể dạy nổi cậu con trai năm nay 12 tuổi.
Cớ sự được cô vợ trình bày là thế này:
Lâu nay cậu con trai cũng ngoan hiền, học được, nhưng khoảng 1 năm nay, thì tính nết thay đổi, khi không vừa ý mình thì la thét lên, có khi còn đánh lại mẹ.. cô vợ còn nhấn mạnh rằng, con là một người mẹ thất bại vì không dạy được con theo ý mình….cả cha mẹ sợ con hư không dạy được, mới nhờ thầy giúp.
Thầy khuyên vài điều:
Trước hết, phải biết rằng, mỗi người được sinh ra trong cuộc đời này, ngoài thừa hưởng di truyền tinh huyết của cha mẹ, người đó còn mang theo cái tập nghiệp riêng của bản thân họ. Cháu dù được thừa hưởng di truyền của anh và chị, nhưng cháu còn mang trong mình cái tập nghiệp thiện, ác cố hữu của bản thân cháu.
Khi hiểu như vậy, bậc làm cha mẹ nên cố hết sức trong khả năng của mình, nuôi dưỡng, dạy dỗ những điều tốt đẹp, lương thiện cho đi học hành đến nơi đến chốn, là đã làm được bổn phận của cha mẹ.
Còn tương lai, thành tựu, kể cả nhân cách của cháu không phải chỉ do cha mẹ quyết định theo ý muốn của cha mẹ mà được.
Điều này dễ chứng minh, trong thực tế các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái mình giỏi giang, thành đạt và hiếu thảo với mình, nhưng kết quả khi con cái trưởng thành thì không phải như vậy, có khi còn ngược lại hoàn toàn.
Các bậc cha mẹ, phải hiểu rõ, nhìn rõ, tập nghiệp riêng biệt của con cái mình, nên ngay từ đầu không nên nghĩ con cái là vật sở hữu của mình, mình nhào nặn theo ý mình… Không ít các bậc cha mẹ phạm vào điều này nên ăn phải trái đắng khi con cái lớn lên trưởng thành.
Cho nên, cha mẹ hãy cố gắng dạy dỗ con cái điều hay lẽ phải từ khi còn rất nhỏ, quan sát sâu sắc để hiểu được tâm tư tình cảm, ước muốn….của con cái, khuyên con cái tập thói quen nói thiện, làm thiện và nghĩ thiện thành nếp ngay từ rất nhỏ.
Tức là nên nghĩ thông suốt, chỉ cần mình đã thực sự nỗ lực cố gắng nuôi dưỡng dạy dỗ là mình đã làm được trách nhiệm của bậc cha mẹ. Còn tương lai, thành tựu, cuộc sống của con cái còn do nhiều nhân duyên, phước nghiệp của chính bản thân nó.
Có khi anh em trong cùng một gia đình, có điều kiện sinh hoạt giáo dục giống nhau nhưng kết quả thì khác nhau hoàn toàn.
Hơn nữa, lứa tuổi của cậu bé được tâm lý học xếp vào lứa tuổi bắt đầu nổi loạn, thân thể phát triển nhanh hơn trí não nên hơi mất cân bằng, dễ bộc phát, thích bắt chước người lớn…nhất là tâm lí không được quân bình. Lứa tuổi này là lứa tuổi dễ có cơ hội hư nhất. Cha mẹ nên hiểu rõ tâm lý từng lứa tuổi mới có cách điều chỉnh phù hợp.
Có lẽ những bậc cha mẹ làm tốt trách nhiệm của mình ít nhất thể hiện ở các điểm sau:
– Làm gương cho con cái từ lời ăn tiếng nói, giao tiếp dạy dỗ cư xử trong gia đình mà các cháu nghe, thấy. Mầm mống hư của các cháu phần nhiều từ sự thấy, nghe cách sống của cha mẹ.
– Luôn giữ lời hứa với con cái, không nên tùy tiện hứa hẹn rồi không thực hiện, dù là chuyện nhỏ nhất, sẽ làm mất lòng tin ở con cái.
– Tập cho con cái cách nghĩ tự lập, chỉ hỗ trợ khi rất cần thiết. Như khoảng một vài tuổi cho ngủ riêng , tập tự ăn, tự làm những việc phù hợp lứa tuổi. Không nên thương con kiểu o bế trải thảm, làm giúp, lo hết mọi thứ.
– Biết ứng xử vừa phải trong mọi thứ với con cái, không nên “thái quá” cái gì. Cái gì quá mức đều gây hệ quả kể cả thương con cái quá mức…
Dạy con niệm Phật từ nhỏ, niệm Nam mô A Di Đà Phật hoặc Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát, ít nhất mỗi ngày 108 lần.
– Mỗi gia đình, mỗi ngày nên dành ít nhất 30 phút để ngồi lại với nhau, lạy Phật, tụng một thời kinh ngắn như Kinh Thương yêu, Kinh Phước Đức, Kinh Hạnh Phúc, Kinh Từ Bi, Kinh Thiện Sanh, Kinh Thập Thiện, Kinh Ngũ Giới…
Hoặc nghe pháp, niệm Phật, tọa thiền tĩnh tâm…
– Cha mẹ nên làm và hướng dẫn con cái ít nhất mỗi tuần nên đi chùa, lễ Phật, làm một việc thiện, việc tốt giúp con cái phát triển tình thương và đạo đức.
– Cuối cùng là, nên chăng hãy có hướng dạy con cái lấy phát triển nhân cách đạo đức, nâng cao tri thức trí tuệ để sống hạnh phúc bình an và ý nghĩa. Không nên cứ chỉ chăm chăm vào việc dạy con cách kiếm tiền, làm giàu, có chức quyền mới là thành tựu mục đích.
Nếu cha mẹ biết cách dùng tình thương và sự kiên nhẫn thì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể dạy con thành người tốt, sống vui vẻ hạnh phúc và có ích.
Phản hồi