Đắk Nông: Khóa Hoằng Pháp dành cho Phật tử đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên mở rộng năm 2025

PGĐS – Từ ngày 5/3-8/3/2025 (nhằm ngày 6/2-9/2/ Ất Tỵ) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông (TP.Gia Nghĩa), Ban Hoằng pháp T.Ư phối hợp cùng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thành công Khóa Hoằng pháp dành cho 800 Phật tử đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên mở rộng năm 2025. 

Về dự buổi lễ ngày khai mạc sự quang lâm chứng minh của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư; chư tôn đức Ban Thường trực Ban Hoằng pháp T.Ư; Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng II T.Ư; cùng chư tôn đức Văn phòng 2 T.Ư; TT Thích Minh Thuận, Phó Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng Phân ban Hoằng pháp đồng bào dân tộc thiểu số; TT Thích Quảng Tuấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông; Thượng tọa Thích Quảng Hiền, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông; đại diện Ban Hoằng pháp các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và các tỉnh lân cận…

Phía chính quyền có bà Hà Thị Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đắk Nông; ông Phạm Đức Lộc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh; ông Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh; ông Hồ Quang Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh; các lãnh đạo đại diện các cơ quan liên chức năng; khoảng 2000 Phật tử thuộc 14 tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên trong ngày khai mạc.Ban Hoằng pháp T.Ư và Phân ban Hoằng pháp Đồng bào dân tộc thiểu số chọn tỉnh Đắk Nông để tổ chức Khóa hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên mở rộng năm 2025. HT Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư ban đạo từ hoan hỷ trước sự lục hòa cộng tu của Tăng Ni, Phật tử các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên và miền Trung; cảm thông với những khó khăn của Phân Ban Hoằng pháp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa cũng như đời sống Phật tử nghèo trên địa bàn; khích lệ và tin tưởng sự hưng thịnh của Phật giáo khu vực Tây Nguyên và miền Trung cũng như đồng bào miền núi phía Bắc với sự tinh tấn nhiệt tâm của Tứ cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền.

Thượng tọa Thích Quảng Hiền, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông, Trưởng ban Tổ chức tỏ bày niềm hoan hỷ lớn lao trước sự quan tâm trợ duyên của chư tôn đức lãnh đạo Hội đồng Trị sự, lãnh đạo Ban Hoằng pháp T.Ư cùng chư tôn đức đại diện Ban Hoằng pháp các tỉnh thành đã về tỉnh Đắk Nông động viên Phật giáo Đắk Nông nói riêng cũng như Phật sự Tây Nguyên qua Khóa hoằng pháp lần này.

TT Thích Minh Thuận, Phó Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng Phân ban Hoằng pháp đồng bào dân tộc thiểu số, đồng Trưởng ban Tổ chức bày tỏ ý kiến đồng thuận với BTS Phật giáo các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm qua thường quan tâm mở các Điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, sử dụng Tứ nhiếp pháp, Ngũ minh, các phương tiện Bồ-tát hạnh để đưa Phật pháp và đời sống, như thông qua từ thiện, phong phú các hoạt động an sinh phúc lợi xã hội….

Trong chương trình của khóa Hoằng Pháp lần này, Phật tử ngoài trải nghiệm cộng tu theo thời khóa Thiền môn trong bốn ngày, còn được trực tiếp gieo duyên và lắng nghe nhiều bài chia sẻ, khai thị, hoằng pháp của quý chư Tăng Ni trong Ban Hoằng pháp T.Ư.

Các chủ để tọa đàm được Khóa Hoằng Pháp cho Đồng Bào Thiểu Số cũng rất cơ bản theo tinh thần Phật học, dễ hiểu, dễ ứng dụng, gần gũi tâm lý nhận thức của Phật tử Tây Nguyên, thể hiện tinh thần Phật giáo Việt Nam, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc an dân hộ quốc, như: Lược sử Phật giáo Việt Nam (tiểu ban của HT Thích Minh Thiện); Phương pháp thờ cúng Phật, thần linh, gia tiên (tiểu ban HT Thích Huệ Phước); Tư tưởng Tịnh độ (tiểu ban TT Thích Thanh Hiền); Phương pháp cầu an, cầu siêu theo đạo Phật (tiểu ban TT Thích Minh Vũ); Tứ diệu đế (tiểu ban TT Thích Trí Chơn); Nhân quả nghiệp báo (tiểu ban TT Thích Giác Minh); Thập nhị nhân duyên (tiểu ban Đại đức Thích Đạo Ngộ);  Công tác tôn giáo đồng bào dân tộc thiểu số (Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Đắk Nông); Công tác an ninh đối với các dân tộc thiểu số (Công an tỉnh Đắk Nông).

Trong buổi tọa đàm, Sư Tiến sĩ Dhamma Ratana, trụ trì chùa Chinese Buddhist, Nalanda, Ân Độ – người được Chính Phủ Myanmar và Hội đồng Tăng già tấn phong danh hiệu “Bậc xiển dương chánh Pháp (Saddhamma Jotikadhja)” cũng có phát biểu trao đổi về việc hoằng pháp đối với Đồng Bào Dân Tộc Thiểu số các tỉnh tại Ấn Độ, Myanmar; chỉ ra các điểm tương đồng về ngôn ngữ (ví dụ tiếng Tày, ngôn ngữ Pali, sử dụng tiếng Anh hiện nay). Vì người dân Namsai, Arunachal Pradesh không chỉ gần gũi văn hóa Thái, Miến mà ngôn ngữ tương đồng cả với một số dân tộc phía Bắc, Tây Bắc của Việt Nam. Học viện Pali Vidyapith Phật giáo dạy chữ Pali và Khamti. Các lễ hội Poi kanto Sara Sangha tôn vinh giá trị đạo Phật; giúp thắt chặt tình đoàn kết cư dân nơi đây; góp phần gìn giữ và phát triển Phật giáo Nguyên thủy ở Ấn Độ nói riêng và trên thế giới nói chung; là niềm tự hào của người con Phật; thể hiện Phật giáo đi đến bất kì quốc gia, nơi nào, cũng nhu nhuyến uyển chuyển linh hoạt theo tinh thần văn hóa bản địa nhưng giáo lý chung vẫn được lưu giữ; chư Tăng luôn thể hiện sự bất hại, hướng dẫn hoằng pháp, thực hiện các ba-la-mật, chăm lo đời sống của người dân nơi trú xứ mình; như vậy cũng là gián tiếp đóng góp vào hòa bình Quốc Tế, đẩy lùi các vấn nạn của xã hội hiện đại; cho thấy thời hiện đại, các vấn đề liên quan đến công tác hoằng pháp Đồng Bào Thiểu Số ở mỗi quốc gia cũng đều có ý nghĩa Quốc Tế trong thúc đẩy giao lưu văn hóa Phật giáo và chung tay vì hòa bình tiến bộ nhân loại. Hướng về Khóa Hoằng pháp lần này, Pháp Phục Thabarwa Viên Tâm kết hợp chùa Bảo Ngạn, Sông Lô, Việt Trì, Phú Thọ; chùa Bình Quang, Phú Yên; chùa Mỹ Đô, Bình Lục, Hà Nam; Hộ Pháp miền Bắc đã gửi tặng 1000 áo pháp phục đồng phục – quà lưu niệm đến Phật tử, trị giá khoảng 30 triệu.

Thượng tọa Thích Nhuận Thân, Phó ban kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Đắk Nông cảm tạ bế mạc. Sau khóa tập huấn, Phân Ban tiếp tục chương trình mở lớp trực tuyến giảng dạy cho các Phật tử và đồng bào thiểu số các khu vực; tiếp tục đẩy mạnh giao lưu hợp tác với các tổ chức ban ngành từ TƯ đến các địa phương nhằm đảm bảo công tác Hoằng pháp được thuận duyên và đúng tinh thần lời Phật, tinh thần quốc độ.

Trước không khí Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc do GHPGVN đăng cai tổ chức tại TP.HCM đang đến gần, Khóa Hoằng Pháp của Phân Ban dành cho Phật tử đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận năm 2025 diễn ra sau khi Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế Đại Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025 đang thường xuyên có các cuộc trao đổi họp bàn: các phiên họp lần 2 giữa ICDV và Trung TW Giáo Hội, các phiên họp Nội Dung của Đại Lễ Vesak 2025, Phó Thủ Tướng Thường Trực Nguyễn Hòa Bình tiếp đoàn Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế Đại Lễ Vesak 2025… góp phần làm cho không khí Vesak Quốc Tế đang đến gần thêm nhiều năng lượng cộng tu lan tỏa tích cực của Phật giáo, của Tăng đoàn, của Tứ chúng; không chỉ ở Việt Nam mà cũng ít nhiều lan tỏa ra các Phật sự Quốc Tế.

Tin/Ảnh :TV Viên Giác

Bài viết liên quan

Phản hồi