Đả Thất Cảnh Chúng Văn
Đã vào thiền thất, hành giả phải chấp nhận lối sống kham khổ qua ngày, không được móng tâm phóng dật, riêng cầu lợi dưỡng. Nên nhớ thân này vốn chẳng phải của mình, một khi cơn vô thường ập đến, nếu chẳng lo khắc niệm chuyên cần, suốt ngày chỉ bận bịu với hai thời cơm cháo nuôi thân, há mong cứu thoát?
Thời gian trôi nhanh, sát na biến đổi, mạng sống thoảng chừng trong hơi thở, tuổi các vị lớn dần thêm, khác nào bóng ngã về chiều. Chỉ sợ luống qua một thân này, muôn kiếp khó mong hoàn phục, đối với việc lớn sanh tử chẳng rõ chỗ xuất đầu, tự mình cô phụ chí xuất trần như thế quả thật chưa thoả lòng mong ước.
Nghĩ lại, gương các Tổ trước đều do sáng đạo mà nên. Nếu chẳng lo dẹp hết các duyên, đóng cửa thiền thất tu hành, dẫu đến đức Phật Di Lặc ra đời cũng khó mong giải thoát. Người xưa vào đạo chịu nhiều phen gian khổ, đều bởi tham cứu việc này, hàng hậu học ngày nay nếu chỉ mong thoả mãn ý thích riêng mình, mãi đắm chìm trong vòng danh lợi, khác nào kẻ giặc trong chốn tòng lâm. Gia phong của chư Tổ, đâu thể thoáng chốc do đây mà tiêu tán?
Cho nên, đã đến cửa không chỉ mong các vị dốc sức tu hành chớ luôn miệng nói không mà sở hành thô tệ. Cứ như Thiền sư Đả Địa mở miệng thốt chẳng ra lời, vốn không có chỗ để hội huống nữa luận bàn. Giả như các vị tự nhận mình là bậc sáng mắt trong tông thì đâu cần đả thất? Tuy nói tự tánh vốn không chẳng do dụng công mà được nhưng chúng sanh quen thói mê lầm tự sanh điên đảo, lấy giả làm chơn nên xưa nay chẳng rõ đâu là mày mặt thật. Dù là bậc thượng căn đốn ngộ một phen thấy tánh liền nhảy thẳng vào đất Như Lai, cũng phải trải qua thời gian bảo nhậm, bào mòn tập khí. Huống chi là kẻ hạ căn thấp kém như chúng ta ngày nay! Đâu thể lợi dụng cơm áo tín chủ dâng cúng sống cho qua ngày.
Nay các vị, đi đứng nằm ngồi, động dụng đều trên đất Phật. Cơm ăn, áo mặc đều là của đàn na. Tuy hoàn cảnh sống trên núi đơn sơ nhưng tất cả đều là nợ. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nếu chẳng tỏ bản tâm, dù một giọt nước cũng khó tiêu”. Cho nên các vị phải lo kiệm đức của mình, luôn lấy hạnh “ít muốn, biết đủ” làm vui, chớ để mang lông, đội sừng luống uổng một đời tham học.
Kinh Địa Tạng nói: “Chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề, khởi thân, động niệm đều là tội lỗi”. Tổ đức dạy: “Chỉ bớt tình phàm, chẳng thêm Thánh giải”. Nếu chẳng rõ chỗ dụng công, cũng nên nương đây mà phản tỉnh!
Cùng tu học trong một đạo tràng ắt là có duyên lành nhiều kiếp. Đã vậy các vị chớ nên dòm ngó lỗi nhau, cứ một mực soi lại tâm mình chỉ thống thiết lo việc lớn không thành còn thời gian đâu lạm bàn thế sự? Các bậc Long Tượng trong chốn tòng lâm đều quên ăn, bỏ ngủ chỉ vì tham cứu việc này. Các vị tự nhận mình là Phật tử, tại sao lại dám dễ duôi ư?
Đã vào thiền thất không luận là Tăng hay Tục, một khi dõng mãnh phát chí thượng thừa đều phải nương theo thiền phong của Tổ sư mà dựng lập. Nếu chẳng như vậy không thể an thân lập mạng chốn này. Nay học nhân tôi có đôi lời mạo muội, kính xin lượng xét..!
Thích Như Dũng
Phản hồi