Con cái phải biết ơn và đền ơn cha mẹ
Ðức Phật dạy rằng: Cha mẹ là Ðức Phạm thiên, là vị chư thiên đầu tiên, là vị thầy đầu tiên, là bậc xứng đáng thọ lãnh lễ vật cúng dường của con. (Anguttaranikàya, phần Catukanipàta, kinh Brahmasutta)
Trong bài kinh Mangalasutta: Kinh An Lành, Ðức Phật thuyết về 38 pháp đem lại sự an lành, hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại, trong đó có bài kệ rằng:
“Màtàpitu upatthànam
Puttadàrassa sangaho
Anàkulà ca kammantà
Etam mangalamuttamam.”
“Này tất cả chư thiên, nhân loại
Một, người con biết phụng dưỡng mẹ,
Hai, người con biết phụng dưỡng cha
Ba, từ bi tế độ vợ con
Bốn, có nghề nghiệp không lẫn lộn ác.
Ðiều nào cũng an lành cao thượng.”
(Bộ Suttantanipàtapàli, kinh Mangalasutta)
Trong 4 pháp này, xin giảng giải hai pháp đầu:
“Người con biết phụng dưỡng mẹ cha”.
Bổn phận làm con phải biết lo phụng dưỡng mẹ cha, đó là điều an lành hạnh phúc cao thượng.
Ðức Phật dạy rằng:
Cha mẹ là Ðức Phạm thiên, là vị chư thiên đầu tiên, là vị thầy đầu tiên, là bậc xứng đáng thọ lãnh lễ vật cúng dường của con. (Anguttaranikàya, phần Catukanipàta, kinh Brahmasutta)
1. Thế nào gọi mẹ cha là Ðức Phạm thiên (Brahmà)?
Ðức Phạm thiên thường có 4 pháp tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỉ, xả đối với tất cả chúng sinh như thế nào, bậc làm mẹ cha cũng có 4 pháp từ, bi, hỉ, xả đối với các con cuõng như thế ấy.
Thật vậy, từ khi biết được có con trong bụng, ngày đêm, mẹ cha có tâm từ đối với con, cầu mong rằng: “con của chúng ta có thân thể xinh đẹp, nằm trong bụng được an lạc”.
Người mẹ thận trọng trong khi đi, đứng, ngồi, nằm; các hành vi cử chỉ nhẹ nhàng, sợ làm kinh động đến đứa con trong bụng; ăn uống cữ kiêng, không dám ăn những món ăn nào làm ảnh hưởng đến đứa con trong bụng, dầu đó là món ăn sở thích của mình…. Ngày đêm, cha mẹ chờ đón sự chào đời của đứa con yêu quý của mình. Khi đứa con ra đời, dầu gái hay trai, dầu tật nguyền hay xinh đẹp, dầu đứa con như thế nào đi nữa…, cha mẹ cũng có tâm từ thương yêu con, như thương yêu chính mình, vì đứa con là một phần máu huyết xương thịt của chính mình. Ðứa con được nuôi dưỡng bằng dòng sữa, đó là dòng máu phát sinh từ trái tim thương yêu của người mẹ (hadayalohita), nhờ dòng sữa bổ dưỡng ấy mà đứa con mỗi ngày một khôn lớn.
Như vậy gọi là tâm từ của mẹ cha vô lượng đối với các con.
Ðứa con nhỏ còn nằm trong nôi khát sữa cất lên tiếng khóc, khi nghe tiếng con khóc, người mẹ phát sanh tâm bi liền bỏ mọi công việc để đến với con, bồng ẵm cho bú sữa, dỗ con bằng tiếng ru êm dịu làm cho đứa con nín khóc; hoặc khi thấy con bị mắc bệnh, đau khổ, mẹ cha phát sanh tâm bi mời thầy thuốc đến chữa bệnh cho con chóng khỏi bệnh….
Như vậy gọi là tâm bi của mẹ cha vô lượng đối với các con.
Thấy con mỗi ngày một khôn lớn, biết bò, lững chững biết đi, biết nói, biết cười…, cha mẹ nhìn con mình mà phát sanh tâm hỉ; hoặc khi con đến tuổi trưởng thành, học giỏi, đỗ đạt, mẹ cha cũng phát sanh tâm hỉ, mọi thành công của con là điều hoan hỉ của cha mẹ.
Như vậy gọi là tâm hỉ của mẹ cha vô lượng đối với các con.
Khi con đến tuổi trưởng thành, muốn lập gia đình riêng, mẹ cha lo giúp cho con yên bề gia thất; mẹ cha phát sanh tâm xả đối với con, với ý nghĩ rằng: “Bây giờ con của chúng ta có thể tự lo đời sống của chúng”.
Như vậy gọi là tâm xả của mẹ cha vô lượng đối với các con.
Người con đã trưởng thành, dầu có quyền cao chức trọng trong đời, nhưng theo quan niệm của cha mẹ đối với con, vẫn xem như còn thơ dại; luôn luôn cần sự dạy dỗ của mình để cho con nên người.
Cho nên, tấm lòng của mẹ cha đối với con, khi thì tâm từ phát sanh, khi thì tâm bi, khi thì tâm hỉ, khi thì tâm xả phát sanh tùy lúc tùy thời.
Do đó, Ðức Phật dạy: “Brahmàti màtàpitaro: mẹ cha là Ðức Phạm thiên của các con”.
2. Thế nào gọi mẹ cha là vị thầy đầu tiên của con?
Ðứa con sanh ra trong đời, mẹ cha là vị thầy đầu tiên dạy dỗ cho con biết bú, biết ăn uống, biết ngồi, đứng, đi… tập cho con nói tiếng gọi người này là mẹ – mẹ, người kia là cha – cha, ông bà, chú bác, cô dì…. Mẹ cha dạy dỗ con việc thiện này nên làm, việc ác kia không nên làm….
Khi đến tuổi đi học, các vị thầy khác dạy học chữ – nghĩa, dạy nghề nghiệp, làm ăn nuôi mạng.
Khi thọ Tam quy và ngũ giới…, có vị thầy khác truyền Tam quy và ngũ giới, bát giới….
Khi có nguyện vọng xuất gia trở thành Sa di, có vị Thầy Tế độ cho phép và truyền Tam quy, dạy cho biết Sa di thập giới….
Khi có nguyện vọng làm lễ thọ Tỳ khưu, có chư Tăng hội họp hành Tăng sự, có vị Thầy Tế độ và 2 -3 vị thầy tụng Natticatuttha-kammavàcà (tụng một lần tuyên ngôn và 3 lần thành sự ngôn) để trở thành Tỳ khưu.
Khi muốn tiến hành thiền định, có vị thiền sư chỉ dạy phương pháp tiến hành thiền định để mong chứng đắc các bậc thiền sắc giới, bậc thiền vô sắc giới.
Khi muốn tiến hành thiền tuệ, có vị thiền sư chỉ dạy phương pháp tiến hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn.
Do đó, Ðức Phật dạy: “Mẹ cha gọi là Pubbàcariya: vị thầy đầu tiên của các con”; còn tất cả các vị thầy khác đều gọi là Pacchàcariya: vị thầy sau.
3. Thế nào gọi mẹ cha là vị chư thiên đầu tiên của con?
Visuddhideva, đó là bậc Thánh Arahán không hề quan tâm đến lỗi của những người khác đối với Ngài, Ngài chỉ có tâm từ bi tế độ chúng sinh đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến cho họ mà thôi; chúng sinh lễ bái, cúng dường đến bậc Thánh Arahán được phước thiện vô lượng, có được quả báu an lạc vô lượng kiếp; bởi vì, Ngài là bậc cao thượng xứng đáng thọ lãnh những lễ vật cúng dường của chúng sinh.
Cũng như vậy, cha mẹ không chấp thủ lỗi lầm của các con, luôn luôn tha thứ những lỗi lầm của các con. Cha mẹ có tâm từ bi tế độ các con, chỉ cầu mong cho các con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài. Những người con biết lễ bái cúng dường đến cha mẹ, có được phước thiện vô lượng, có quả báu an lạc vô lượng kiếp, bởi vì, cha mẹ cũng là bậc xứng đáng thọ lãnh sự lễ bái cúng dường của các con.
Do đó, Ðức Phật dạy: “Cha mẹ gọi là vị Pubbadeva: vị chư thiên đầu tiên của các con”.
Nhờ có công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, nên người con mới biết được các vị chư thiên khác như Sammutideva: đó là Ðức Vua, xem như vị thiên tử trị vì đất nước; Upattideva: các hàng chư thiên ở cõi trời dục giới, các hàng phạm thiên ở cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới, đó là quả do thiện nghiệp của họ đã tạo; Visuddhideva: đó là bậc Thánh Arahán. Những hạng chư thiên này gọi là Pacchàdeva: những bậc chư thiên được biết sau, còn cha mẹ là Pubbadeva: vị chư thiên đầu tiên của các con.
4. Thế nào gọi mẹ cha là bậc xứng đáng thọ lãnh sự lễ bái cúng dường của các con?
Cha mẹ là bậc xứng đáng thọ nhận mọi vật lễ bái cúng dường của các con, bởi vì cha mẹ là người có công ơn sinh thành và dưỡng dục các con nên người, các con được nhìn thấy đời là nhờ có cha mẹ.
Khi con sanh ra đời, nếu cha mẹ không nuôi nấng dưỡng dục từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm cho con khôn lớn, thì làm gì người con có được thân hình như ngày hôm nay? Như vậy, người con có được hình vóc như thế này, đó là nhờ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ.
Ân đức cha mẹ lớn lao vô lượng, do đó, Ðức Phật dạy cha mẹ gọi là Ahuneyyo: bậc xứng đáng thọ lãnh lễ vật lễ bái cúng dường của các con.
Ðức Phật dạy rằng: “Người con biết lo phụng dưỡng cha mẹ, chư bậc Thiện trí tán dương ca tụng người con ấy trong đời này, người con ấy sau khi chết, do phước thiện phụng dưỡng cha mẹ, cho quả tái sanh làm chư thiên cõi trời, hưởng mọi sự an lạc ở cõi trời ấy”. (Bộ Anguttaranikàya, kinh Brahmasutta)
(Trích từ “Hiếu nghĩa” – HT. Hộ Pháp)
Phản hồi