Chùa Bảo Ngạn kết hợp Pháp phục Thabarwa chúc thọ đầu năm Xuân Ất Tỵ 2025

PGĐS – Trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân năm 2025, hoan hỷ với phước thiện sống thọ, với ý nghĩa niệm ân, Pháp phục Thabarwa kết hợp với chư Tăng chùa Bảo Ngạn Phú Thọ, dưới sự chứng minh của TT Thích Minh Thuận – Ủy viên Hội Đồng Trị sự, Phó Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, đã gieo duyên lành đến các gia đình Phật tử hộ đạo nhiều năm qua trên địa bàn miền Bắc.
Đoàn đã thăm hỏi và tặng lưu niệm đến gia đình tại Nam Định: (1) Cụ Đặng Văn Quyền – nguyên hiệu Phó trường Tiểu học tại Xã Giao Xuân, (2) Ông Lê Văn Giản – nguyên Sĩ quan Hải Quân; (3) ông Trần Văn Tài; (4) Bà Phạm Thị Cõn (5) Cụ Hoàng Thị Thìn (Cụ Chiên); đồng thời tặng đến chư Tăng Phật tử chùa Bình An, Bình Lục, Hà Nam gieo duyên đến Phật tử hộ đạo.
Lễ mừng thọ theo truyền thống văn hóa của người Việt hướng đến các bậc cao niên trong gia đình, dòng họ, thể hiện lòng kính trọng, tình yêu thương, hiếu thảo, đối với ông bà, cha mẹ; ngoài ra còn góp phần cố kết cộng đồng làng xã. Thượng thọ cũng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “kính trọng người già”, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục. Việc tổ chức thượng thọ có thể có nhiều hình thức, quy mô từ lớn đến nhỏ, tùy vào điều kiện và lòng thành của con cháu; chủ trì có thể do con cháu trong nhà tự tổ chức hoặc làng xóm hay thậm chí là Nhà nước, các tổ chức xã hội, tôn giáo.
Dịp đầu năm, khắp cả nước, nơi đâu các chùa cũng tổ chức lễ mừng thọ cho Phật tử cao niên. Nhất là với tinh thần Bồ-tát hạnh phương tiện Đại thừa, các hình thức đưa đạo vào đời, hướng đến tốt đời đẹp đạo càng diễn ra phong phú, tùy theo đối tượng, căn cơ, hoàn cảnh, thời gian, không gian; cũng là tinh thần hiếu hạnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nội sinh trong lòng dân tộc; Trung ương giáo Hội Phật giáo Việt Nam, các bộ ban ngành, Bộ Văn hóa, phổ biến khích lệ lan tỏa tinh thần thiện lành, lối sống tử tế, nhằm nuôi dưỡng phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của truyền thống người Việt, tương đồng với hiếu kính của Phật giáo: “Gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật vậy”(Kinh Đại tập).
Theo quan niệm đạo đức thế gian, cha mẹ có sống lâu con cháu mới được phụng dưỡng. Theo quan điểm Phật giáo, điều này cũng xuất phát từ nghiệp lành nhiều đời nhiều kiếp, mà kiếp hiện tại người nhân thế mới có thể sống thọ mạng, nhất là lại sống trong thiện pháp. Rất nhiều bài kinh của cả Nguyên thủy và Đại Thừa Phật giáo đều nhắc đến nhiều nội dung sống thọ, nguyên nhân, cách tạo phước.
Sống khỏe và sống lâu là một phước. Theo Phật giáo, mỗi người ngoài mong muốn sống thọ, cần sống khỏe mạnh minh mẫn, tinh tấn vượt lên những giới hạn của đời sống thế tục; Tam quy, Ngũ giới, Bát quan trai, Thập thiện để có một đời sống an vui, khỏe mạnh và trường thọ kiếp này và các kiếp sau, cho đến ngày giải thoát sanh tử luân hồi.
Người đệ tử Phật tự mình thực hành, còn khuyến khích tất cả nhân duyên xa gần xung quanh cùng thực hành để an vui mình và lợi lạc số đông, kết duyên lành thiện hữu tri thức trong giáo Pháp chân chánh của Đức Thích Ca Mâu Ni.
Vì vậy Đức Phật khuyến cáo “Ai sống một trăm năm, Không thấy Pháp tối thượng, Không bằng sống một ngày, Thấy được Pháp tối thượng” (Kinh Pháp Cú); “Ai sống một trăm năm, Không thấy pháp sanh diệt, Tốt hơn sống một ngày, Thấy được pháp sanh diệt” (Kinh Pháp Cú); “Ai sống một trăm năm, Ác tuệ không thiền định, Tốt hơn sống một ngày, Có tuệ, tu thiền định” (Kinh Pháp Cú, Phẩm A La hán, Phẩm Ngàn).
Theo đạo Phật, việc mừng thọ thể hiện tấm lòng hiếu thảo, noi theo gương hiếu hạnh Ngài Mục Kiền Liên; còn mang ý nghĩa tạo phước báu cho cả gia đình. Mừng thọ dưới sự gieo duyên của Tăng Ni Phật tử vì vậy gắn với lòng hiếu kính và ý nghĩa tâm linh cao quý.
TN Viên Giác
Phản hồi