“Chơi ” món quà Trung Thu thắm đượm hồn Việt của nhóm họa sĩ G39
PGĐS – Trong tiết trời se lạnh chuyển mùa của Thu, cái oi bức dần tan biến đi sau những cơn gió trút lá vàng và cái mát lạnh đã làm cho lòng người nhẹ nhõm. Trên con phố nhỏ 29 Hàng Bài tấp nập và đông vui hơn bởi ngày khai mạc triển lãm của nhóm họa sĩ G39 cùng với tiếng nhạc của band nhạc rock với những cây ghita điện và những khuôn mặt cũ kĩ cùng năm tháng với những bài hát của thập niên 70 thật đi vào lòng người và chỉ nghe thôi chúng ta đã thấy ùa về bao ký ức.
Đến hẹn lại lên và trung thu năm nào cũng vậy, nhóm G39 lại được hội tụ để thỏa sức với những Concept và phiêu bằng cảm xúc , thăng hoa cùng nghệ thuật và ký ức trung thu. ” Chơi ” đó là một trung thu đúng nghĩa của trẻ con, ko chỉ là trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn họ cũng chơi theo cách của họ để thưởng thức và đón một mùa trăng đầy yêu thương, lãng mạn và sự tinh tế hết thẩy .
Trong sách sử chính thống hoặc tư liệu, tài liệu sử để lại, chưa có thông tin nào xác định rõ nguồn gốc của Trung thu, hay còn gọi là Tết trông trăng. Chỉ biết, tết Trung thu từ rất lâu rồi không những là ngày Tết của trẻ em, mà còn là dịp để thưởng thức không khí mùa thu với những sản vật đang độ ngon nhất, trổ tài trang trí và cũng là lúc cả gia đình được quần tụ, đoàn viên, như hình ảnh mặt trăng tròn vành vạnh.
Ngày tết Trung thu đã đi vào thơ ca và là đề tài tạo ra cảm hứng nghệ thuật rất lớn cho các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Trong hội họa cũng vậy, tết trung thu luôn là đề tài để các họa sĩ thổi hồn vào những bức tranh mang đầy ắp tinh thần của tuổi thơ.
Hướng đến việc duy trì và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm nay 13 họa sĩ nhóm G39 gồm: Vương Linh, Lê Thị Minh Tâm, Lê Thư Hương, Hoàng Phương Liên, Lê Minh Trí, Nguyễn Quốc Thắng, Lê Ngọc Thuận, Phạm Trần Quân, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Chu Hồng Tiến, Tào Linh, Đào Trọng Lưu với triển lãm tranh mỹ thuật mang tên “Chơi”.
Triển lãm mở ra một không gian Trung thu sống động như lời chúc an lành, hạnh phúc của nhóm họa sĩ “Chơi” dành cho tất cả con trẻ và những ai đã từng là trẻ con. Bằng sự sáng tạo và bàn tay tài hoa các họa sĩ đã tạo ra những bức tranh Trung Thu đẹp mộc mạc nhưng rất tinh tế và độc đáo. Đến với triển lãm Chơi giống như đến một lễ hội đêm rằm rực rỡ sắc màu: Hình ảnh trẻ con chơi đùa trong đêm trăng với những trò rước đèn, múa lân sư… Việc miêu tả âm thanh nằm ngoài khả năng của hội họa nhưng đến với triển lãm người xem tranh không chỉ cảm nhận màu màu sắc mà có cả âm thanh: rộn ràng, náo nức và sống động với tiếng trống múa lân, tiếng cười nói của trẻ nhỏ, cảm nhận được ánh sáng tỏa ra từ những chiếc đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân tại đêm rằm.
Ấn tượng đầu tiên là seri tác phẩm Rằm trung thu ở làng được Nguyễn Quốc Thắng mang tới triển lãm với chất liệu thuần mộc yêu thích của anh: bột màu trên giấy dó và giấy báo cũ. Không gian làng Cự Đà được khoác lên 1 lễ hội của màu sắc. Lễ hội rước đèn, múa lân anh sử dụng bảng màu gần như không pha, có độ tương phản mạnh, các màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, vàng, trắng, mâm cỗ Trung thu ngũ sắc tươi mới, đậm chất Tết. Người xem triển lãm dừng lại khá đông ở bức tranh “Ước mơ của mẹ” với hình ảnh Tiến sĩ giấy mà không phải ai cũng hiểu rõ thông điệp ý nghĩa. Quả thật trong cuộc sống hiện đại những ông Tiến sĩ giấy cứ dần lặng lẽ biến mất khỏi thế giới đầy cổ tích của trẻ em mà ít ai biết rằng Tiến sĩ giấy là hình tượng dân gian của ông Tiến sĩ và 2 ông đánh gậy trông trăng đi theo hầu được làm bằng giấy dành cho trẻ con trong những dịp tết trung thu và được các em nhỏ đặt trang trọng trên bàn học. Khi sáng tạo ra món đồ chơi độc đáo này các nghệ nhân dân gian muốn khơi dậy ở trẻ em lòng hiếu học và ý chí vươn lên phấn đấu để đạt tới những đỉnh cao của tri thức, cống hiến tài năng cho đời và để đem lại niềm tự hào cho gia đình và dòng họ.
Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ: “Với chất liệu bột mầu, giấy dó, báo cũ tôi cố gắng truyền tải phần nào những văn hóa nghệ thuật cũng như nghệ thuật dân gian cùng những điển cố điển tích để ko bị mất đi những câu chuyện ngày xửa ngày xưa về Rằm Tháng Tám, cho thế hệ con cháu sau này hiểu hơn về các hoạt động nghệ thuật, sân chơi hướng tới văn hóa truyền thống để không chỉ trẻ em hiểu hơn về những giá trị tốt đẹp của ông cha mà người lớn có cơ hội nhớ lại thời ấu thơ với những trò chơi, món đồ chơi mà trong thời buổi hiện đại ít nhiều đã mai một”.
Độc lạ với tranh giấy màu, cắt dán, xé, ghép của Hoàng Phương Liên. Chị kể câu chuyện về một đêm hội Trăng rằm vừa thực vừa ảo, có múa lân, có chị Hằng, chú Cuội chăn trâu nhưng lại có mái ngói phố cổ. Tranh của chị thoả trí tưởng tượng trong sáng của trẻ con với trời đất, gió, trăng và con người hoà quyện thân thương. Nhìn những tác phầm tranh xé giấy của chị, mới thấy đằng sau con mắt thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật thì sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay.
Phóng khoáng và thăng hoa là từ để diễn tả tranh Lê Thị Minh Tâm, Trung thu là hình ảnh của trăng, của chị Hằng, những bức tranh với khổ lớn. Trăng rằm được hoạ sĩ người hóa bay bổng , tự do. Tranh của chị không múa lân, rước rồng nhưng màu sắc bút pháp của chị bay lượn, đầy biểu cảm.
Kí ức tuổi thơ được Chu Hồng Tiến kể câu chuyện về những trò chơi đánh bị, đánh đảo, thả diều, nhảy dây bằng tạo hình hiện đại. Truyền thống được kể bằng hiện đại, những bức tranh như lời tự sự, hồi cố, như tiếng í ới gọi nhau của lũ trẻ mục đồng. Tranh Chu Hồng Tiến vẽ như chơi, như là những chấm phá, trải nghiệm trong trẻo của tuổi thơ dữ dội của chính hoạ sỹ vậy.
Vẫn là trò chơi quen thuộc, nhưng trong mắt của Lê Thư Hương mỗi trò chơi dân gian đều gắn với một bài đồng dao, một vườn địa đàng, một vườn cổ tích. Tranh của chị đầy phi lý nhưng đáng yêu, rất nữ tính, quan là dân, dân là quan, là con mèo là đàn cá… rất thần tiên, rất mơ mộng, rất “Chơi”.
Vui trẻ, vừa có độ trải nghề của thâm niên, vừa có hồn hậu của thiếu nhi, đúng tinh thần “lão nhi”. Nghệ thuật của ông không bị nghiêm trọng, gò gẫm, mân mê, gọt giũa tỉ mẩn mỹ nghệ. Đào Trọng Lưu mang tới Chơi với hai bức đại cảnh một đêm Trung thu ở Sapa, có trăng, có núi, có những em bé người Mông, người Dao đỏ múa rồng, rước đèn ông sao… màu tươi, tương phản nóng lạnh, tạo hình ít mảng, nhiều nét, gợi là chính…
Góp mặt bằng tác phẩm điêu khắc, chính xác là điêu khắc kết hợp hội họa, điêu khắc màu. Trên cái hình chung gợi Bồ Tát ngồi thiền, Lê Minh Trí cho đồng hiện lên đó một đêm hội trăng rằm bằng những tín hiệu của đèn kéo quân, của mặt nạ với kiểu đi mẫu mảng phẳng, kỷ hà. Có vị Bồ Tát nào mà không mang lại an lành, đó cũng là lời cầu chúc của Minh Trí cho Tết trăng rằm.
Đến với Chơi qua các tác phẩm điêu khắc gỗ củi lũ phủ sơn và thếp vàng, Lê Ngọc Thuận với lối ngôn ngữ thô mộc, gợi khối chứ không tả khối vừa hiện đại vừa là gạch nối đến những tượng trang trí trong nhà Gươl của người Cơ Tu vùng Tây Giang, Quảng Nam. Hoạ sĩ Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Trần Quân, Vương Linh không rước đèn, không múa may, không đeo mặt nạ, cũng không vẽ về những trò chơi. Họ “Chơi” bằng cách đặc biệt, tham gia Chơi với những tác phẩm mới nhất, mới sáng tác gần đây do chính họ tự chọn. Đấy cũng là một kiểu chơi.
Điều thú vị ở triển lãm Chơi là trưng bày những tác phẩm có đề tài về trò chơi dân gian. Những trò chơi trẻ em truyền thống như Kéo cưa lừa xẻ, Trồng nụ trồng hoa, Thả diều, Nhảy dây…
Các trò dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt, góp phần giáo dục con người nói chung và trẻ em nói riêng về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, thẩm, mỹ. Tuy nhiên trong đời sống hiện nay, khi quá trình hội nhập và phát triển, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, cùng với sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường đã dẫn tới sự mai một trong các trò chơi dân gian.
Trải qua sự biến thiên của dòng chảy lịch sử, Tết trung thu đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh xã hội của từng giai đoạn. Nhưng Tết trung thu đã trở thành một di sản tinh thần cần được lưu truyền. Chúng ta tin rằng, với sự nỗ lực chung tay của các nghệ sĩ, họa sĩ G39 trong triển lãm Chơi cùng các lực lượng xã hội khác sẽ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo sự phát triển bền vững của đất nước.
Tin/Ảnh : Nhóm PV PGĐS
Phản hồi