‘Buông tự ái để hiểu và thương con’

Là cha mẹ, khi thấy con mình rơi vào cơn nguy khốn, chúng ta phải luôn sẵn sàng ôm hết những vụng dại, lỗi lầm và chấp nhận con. 

Tiếp nối chuyên đề Cha mẹ cùng con vượt qua áp lực cuộc sống, VietNamNet xin trích đăng bài nói chia sẻ của thầy Minh Niệm – về cách cha mẹ nên bao dung, đồng hành cùng con cái trong cuộc sống.

Thầy Minh Niệm bên các em nhỏ.

Là cha mẹ, khi thấy con mình rơi vào cơn nguy khốn, chúng ta phải luôn sẵn sàng ôm hết những vụng dại, lỗi lầm và chấp nhận con.

Nếu ta không chấp nhận, không cho con nương tựa để chúng chuyển hóa, thay đổi thì chúng sẽ nương tựa vào đâu? Có thể chúng sẽ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, rơi vào cạm bẫy. Những đối tượng này sẽ không xét nét những yếu kém, vụng dại của con thậm chí con sẽ được ca tụng, tôn vinh và cho rất nhiều lợi ích mà con đang cần.

Vậy nên cha mẹ rất cần tỉnh thức để luôn ý thực được rằng mình đang là cha mẹ, là người có nhận thức và tình thương yêu rộng lớn. Mình sẽ luôn đồng hành với con, nhất là lúc con bị đời vùi dập, lỡ bước sa chân.

Để làm được điều đó, cha mẹ phải nhắc nhở bản thân mình rất nhiều hoặc nhờ người thân nhắc nhở. Tốt nhất cha mẹ cần có sự thực tập nào đó như thiền tập để nhận thức tình trạng gì đang xảy ra xung quanh mình và mình đang phản ứng lên tình trạng đó như thế nào, mình đang ở cung bậc nào, ở vai sống theo bản năng hay vai của một đấng sinh thành.

Khi vào vai đấng sinh thành, nhìn xuống con mình, mình sẽ xót thương, tội nghiệp hơn là ghét bỏ và muốn trừng phạt khi con phạm lỗi. Nói cách khác, khi mình ghét bỏ và muốn trừng phạt con là mình đã bước ra khỏi vai của bậc sinh thành. Khi nhận thức ra điều đó thì mình phải quay về, đừng tiếp tục nói năng hay buông ra bất cứ hành động nào vì rất có thể mình sẽ phạm sai lầm.

Khi cha mẹ đặt mình vào vị trí của người giúp đỡ và con là người được giúp đỡ, thì mình không nên đặt thêm điều kiện. Đừng bắt con phải ngoan, lễ độ, thật thà khai báo điều sai trái con đã gây ra. Vì khi ta ở vai trò của người cứu hộ, con mình đang gặp khó khăn, đang mắc sai lầm thì chúng ta phải có sự hiểu biết về những gì đang xảy ra trong tâm thức của con mình lúc này.

Với người lớn, khi mắc sai lầm hay chìm vào khổ đau, họ cũng không còn là người bình thường nữa. Lúc đó họ rất hoang mang, sợ hãi. Bản năng tự vệ sẽ trỗi dậy khiến họ vô cùng nhạy cảm, đầy nghi ngờ dù rằng đó là người thân yêu của mình, huống hồ gì là một đứa trẻ. Trẻ nhỏ kinh nghiệm sống còn mỏng, sức chịu đựng nội lực rất yếu ớt. Chúng là đối tượng vô cùng đáng thương và cần được giúp đỡ. Ta không thể đặt thêm bất cứ điều kiện nào với con khi đó.

Khi mình đang rất ổn, giúp một người đang quá tệ, đang cạn kiệt năng lượng, mình đừng bắt họ phải làm gì đó cho mình. Dù một lời cảm ơn hay lời xin lỗi, tự thú chân thành cũng là vô cùng khó và áp lực với họ. Lúc đó họ không còn biết cái gì đúng, cái gì ai hoặc họ biết mà không thể chấp nhận. Điều họ cần nhất là sự tha thứ, bao dung của người thân yêu nhất là cha mẹ. Họ cần sự chấp nhận tình trạng của họ trước.

Chúng ta đừng lên án, buộc tội và yêu cầu họ phải làm cái này cái kia, đừng giảng luân thường đạo lý đúng sai. Họ chỉ cần cha mẹ, người thân đứng về phía họ, bảo vệ họ, cho họ một bờ vai để tựa, cho họ niềm an ủi vỗ về, rằng họ không phải là điều quá tệ hại. Tất cả những điều họ cần là như vậy.

Chúng ta đừng bao giờ tin rằng chúng ta là cha mẹ thì ta có thể giúp con cái trong bất cứ trường hợp nào vì chúng ta không phải nhà trị liệu tâm lý. Trong lúc con trầm cảm lo âu, ta giúp được con rất ít. Thứ  ta có thể làm được chính là có mặt bên con trong năng lượng bình an, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia bất cứ những gì con cần đến.

Khi chúng ta đóng vai người cứu hộ, muốn đến được gần con cũng phải là sự nỗ lực rất lớn. Vì lúc đó con cũng như bao nhiêu nạn nhân khác, rất nhạy cảm, rất dễ nghi ngờ, lúc nào cũng trỗi dậy sự phòng hộ vô cùng bén nhạy. Chỉ cần một ánh mắt nghi ngờ, một câu nói vô tình cũng có thể khiến cho đứa bé trở nên sợ hãi và tổn thương thêm một lần nữa.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn không nói năng dù buốt trái tim, dù buốt trái tim”. Để giúp con mình hay người thương nào, có lúc chúng ta phải buông xuống sự tự ái, cái tôi trong đó có uy quyền, có vị trí, có những điều đáng được kính trọng và ngưỡng mộ. Để mình đóng được vai là bạn, là người chữa lành, được con mình tin tưởng, cho phép mình ngồi gần để đi sâu vào nội tâm của đứa bé đó.

Nếu mình vẫn giữ vai của người uy quyền, bậc bề trên, phán xét đúng sai, lên án, giảng luân thường đạo lý thì con sẽ cảm giác đây không phải người đến để giúp mình mà chỉ đang trừng phạt mình. Tình thương trộn lẫn giữa sự trừng phạt như vậy thì đừng giúp, đừng đến.

Vậy nên, cha mẹ phải làm sao để thu cái tôi của mình bé nhỏ lại, gom lại hết những mong cầu, đòi hỏi về con. Trong lúc này chỉ một lòng mong muốn con làm sao để ổn định trở lại, được trở về sự bình thường tươi tỉnh, đúng sai gì từ từ tính sau. Để làm được điều đó cha mẹ phải chấp nhận sự đau đớn, thậm chí phải nhẫn nhục rất nhiều, nuốt cay đắng vào trong, để làm sao giữ được phong độ ổn định nhất giúp con nương tựa. Chúng ta phải làm sao khiến con không sợ hãi mà cho phép cha mẹ tiếp cận để hiểu và thương con.

Chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi vai đầy quyền lực kia để trở thành người bạn đồng hành thân thiết của con, sẵn sàng nghe hết nỗi khổ niềm đau cả đúng cả sai của con thì chúng ta mới có thể hiểu được con mình. Khi hiểu được hết gốc rễ nguồn cơn của người đó rồi thì ta chỉ có thương, chỉ muốn giúp đỡ mà không muốn trừng phạt.

Cho nên khi ta muốn giúp đỡ ai nhất là những đứa con của mình, ta phải phòng hộ bản thân rất lớn. Phải luôn quan sát được diễn biến tâm lý của mình. Có khi điểm xuất phát là rất thương và muốn giúp con nhưng chặng đường đi đến lại gặp rất nhiều trở ngại. Đó có thể là những câu nói hết sức đau lòng của con, chạm vào tự ái của chúng ta. Con có thể còn nghĩ ta là tác nhân chính tạo nên vết thương hay sự sai trái của con. Nhưng nếu ta luôn nhớ ta là bậc cha mẹ, nhà cứu hộ, bạn đồng hành thân thiết nhất của con, Bồ Tát của con thì dù con có phản ứng tồi tệ thế nào đi chăng nữa cũng không quan trọng. Ta vẫn giữ vững lập trường, vẫn là mình không thay đổi, bất biến trước những biến động hoang mang của con. Đừng vì con như thế này mà mình sẽ như thế kia.

“Nắm muối không hề mặn, với lượng cả dòng sông. Lỗi lầm kia bé nhỏ, với cõi lòng mênh mông”.

Nếu các bậc cha mẹ luôn giữ được sự tỉnh thức, giữ được trái tim rộng lớn đúng mức của mình thậm chí là luyện tập từng ngày từng giờ trên hành trình giúp đỡ con, không ngừng thay đổi bản thân để cho dung lượng trái tim luôn là một dòng sông thì sẽ đủ sức ôm hết mọi lầm lỡ, khó khăn của con. Dù con có ném về mình bao nhiêu nắm muối đi chăng nữa cũng không hề mặn. Điều đó sẽ chẳng làm cho cha mẹ thay đổi thái độ yêu thương hết lòng nâng đỡ con.

Để rồi trong tinh thần đó cha mẹ sẽ mãi luôn là điểm tựa an toàn, vững chắc cho con. Để rồi những đứa con sẽ luôn tin tưởng có thứ tình thương chân thật hiện hữu trong cuộc đời này, là thứ tình thương không có điều kiện hoặc rất ít điều kiện. Khi thương yêu họ sẵn sàng hi sinh rất nhiều quyền lợi của bản thân trong đó có việc buông bỏ cái tôi, buông bỏ sự tự ái để hiểu, để thương trọn vẹn nhất với đối tượng thương yêu.

Thầy Minh Niệm sinh năm 1975. Quê quán: Châu Thành, Tiền Giang.

1992: Xuất gia tại Phật học viện Huệ Nghiêm, TP.HCM. Tại đây, hấp thu tư tưởng truyền thống Phật giáo Đại thừa.

2001: Chính thức bước lên con đường thiền tập. Thực hành dòng Thiền “Hiện Pháp Lạc Trú” dưới sự truyền dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tại Pháp.

2005: Bước sang thực hành Thiền Vipassana, dòng Quán Tâm, dưới sự dẫn dắt của Thiền Sư Sao Tejaneya, tại Mỹ.

2010: Xuất bản cuốn sách đầu tay, “Hiểu về trái tim”. Được xem là một hiện tượng vì nó là cuốn sách viết về tâm lý đầu tiên của người Việt bán chạy nhất trong nhiều năm cho đến tận bây giờ, từng được bình chọn là cuốn được yêu thích nhất, được dịch sang nhiều thứ tiếng.

2011: Thực hiện hành trình “tu bụi” 3 năm, đi bộ qua 25 tiểu bang nước Mỹ. Sống một mình nơi hoang dã và làm tình nguyện viên ở các nông trại hoa màu, trung tâm trị liệu tâm lý.

2014: Trở về Việt Nam, chia sẻ phương thức trị liệu tâm lý và khai sáng tâm trí bằng thiền tập cho nhiều trường đại học, doanh nghiệp…

2016: Xuất bản cuốn sách “Làm như chơi” – cũng là cuốn sách bán chạy nhất.

2021: Khởi động dự án đào tạo chuyên gia Thiền tâm lý trị liệu tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Đây là mô hình hoàn toàn mới mẻ, mang tính đột phá, vì nó đào tạo các nhà chữa lành tâm lý bằng con đường thiền tập, chuyển hoá và khai sáng bản thân liên tục suốt 2 năm.

Gần đây, Thầy và cộng đồng Miền Tỉnh Thức phát triển nhiều dự án mang tính nuôi dưỡng tâm hồn, nâng dậy tinh thần đại chúng khắp xa gần khi nhân loại đối mặt đại dịch Covid-19. Điển hình là các chuỗi radio “Bình yên giữa biến động”, “Nâng dậy tâm hồn”, và “Chỉ tình thương ở lại” được phát sóng trên Youtube và Spotify.

Thầy Minh Niệm

(Trích Radio Dìu con vào đời: Cúi xuống thật gần với con )

Bài viết liên quan

Phản hồi