Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra và những điều cần tránh
Cổ nhân thường dạy: “Bệnh từ miệng vào – Họa từ miệng ra”, người có mệnh tốt hay không chỉ cần mở miệng là có thể biết.
Cổ nhân thường giảng, ngôn do tâm sinh. Nếu miệng luôn nói những lời không tốt, chê trách nói xấu người khác, đều sẽ nhanh chóng bị tổn đức, mất đi phúc báo. Người hay nói ra những lời sai sự thật, phỉ báng, lời xằng bậy, lời ác gây tổn thương đến người khác sẽ tạo nghiệp rất lớn.
Xưa kia có một người đàn ông tên là Chúc Kỳ Sinh. Anh ta thường hay dùng lời nói của mình mà bẻ cong sự thật, chế nhạo, mỉa mai những thiểu sót của người khác. Hơn nữa, anh ta còn kích động lôi kéo người khác làm điều xấu hại người.
Khi gặp người có tướng mạo xấu xí, Chúc Kỳ Sinh liền cười nhạo châm biếm họ. Còn gặp người xinh đẹp tuấn tú, anh ta liền dùng lời nói đùa cợt trêu ghẹo họ. Nếu gặp một người bần cùng nghèo khổ, anh ta không những không thương xót giúp đỡ mà còn khinh bỉ họ, gặp người giàu có thì lại ghen ghét, phỉ báng họ.
Gặp người hoang phí tiền bạc, Chúc Kỳ Sinh lại ca tụng họ là người rộng rãi. Khi gặp kẻ nham hiểm chuyên lừa lọc, độc ác với mọi người thì anh ta ca tụng người này là cao cả. Đặc biệt là khi gặp người nào đàm luận về thuyết của nhà Phật, Chúc Kỳ Sinh không tiếc lời nhạo báng và châm chọc họ là người ăn chay. Khi gặp người nào nói về Nho học và tu đức hạnh, anh ta cười và gọi họ là đạo đức giả, ngụy quân tử.
Khi thấy ai nói lời tử tế anh ta lại giễu cợt họ rằng: “Chỉ được cái nói hay!”. Khi gặp người làm việc thiện, anh ta không những không khuyến khích họ mà còn châm chọc họ rằng: “Thật là kỳ cục, tại sao anh làm việc tốt này mà không làm việc tốt kia?”. Đi tới đâu, anh ta cũng bình luận và nói những lời lẽ trái với sự thật.
Về sau đến lúc trung tuổi, Chúc Kỳ Sinh đột nhiên mắc bệnh lở lưỡi. Bệnh của anh ta không những không có cách chữa mà mỗi ngày còn phải dùng châm đâm vào đầu lưỡi, để máu chảy đầy miệng mới bớt đau đớn. Hằng năm Chúc Kỳ Sinh đều bị đau đớn vô cùng từ năm đến bảy lần. Anh ta quằn quại cực độ mỗi khi muốn nói lời nào đó. Cuối cùng, anh ta chết vì lưỡi bị teo.
Câu chuyện có thật trên đây cho thấy lời nói có thể tạo nghiệp mà “khẩu nghiệp” sẽ tổn hại phúc báo. Nếu miệng thường hay nói những lời không hay, không tốt, thị phi, nguyền rủa… thì phúc báo sẽ tổn thất rất nhanh. “Khẩu nghiệp” là loại nghiệp mà mọi người dễ gặp nhất. Số mệnh của một người tốt hay không, hãy nhìn xem người đó có nhiều “khẩu đức” hay không là biết. Vì vậy, “khẩu nghiệp” rất quan trọng.
Trong cuộc đời của một người, không phải ngày nào cũng làm chuyện thất đức, nhưng việc nói những lời thất đức, thiếu đức, khó nghe, và không đứng đắn thì có thể xảy ra mỗi ngày. Tích luỹ qua năm tháng, phúc báo sẽ vì “khẩu nghiệp” mà chạy mất hết. Do đó, người nói chuyện không có “khẩu đức”, cả cuộc đời thường gập ghềnh, nhấp nhô, thậm chí rất thê lương.
Nhiều người ngày nay không còn chú ý giữ gìn lời nói của mình, mà dễ dàng hoặc thậm chí cố tình dùng lời nói để sát thương người khác. Họ không còn tin rằng ác khẩu sẽ gây ra tội nghiệp mà bản thân sau này nhất định sẽ phải hoàn trả.
Một người luôn oán trời trách đất, không trân quý những gì đang có, luôn sinh tâm oán giận, lại thông qua miệng lưỡi không ngừng nói lời thị phi thì phúc lành cũng nhanh chóng bị mất đi. Đây cũng là một cách làm tổn hại phúc báo rất nhanh, cũng là một dấu hiệu của người bạc mệnh hiện tại hoặc sau này.
Phật gia nhìn nhận “khẩu nghiệp” là một trong những nghiệp rất nặng, vì nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, gây cho người khác sự đau khổ không cách nào phục hồi được.
Người trí huệ thì luôn chú trọng “khẩu đức” miệng luôn nói lời chân thật, nói những lời nhẹ nhàng êm dịu, dễ nghe. Trong tâm họ lúc nào cũng đầy thiện niệm, cũng giống như từ trường tốt đẹp mà vũ trụ đã phát xuất ra và từ đó điều mà họ được là phúc báo.
Cho nên biết rõ về một người, không cần phải tận nói, hãy lưu lại cho người ta ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu lại chút “khẩu đức” cho mình.
Trách một người không cần phải tận trách, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút độ lượng cho mình.
Có công không cần đòi hỏi tận cùng, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khiêm nhường cho mình.
Đúng lý cũng không cần đoạt tận, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khoan dung cho mình.
Tài năng đừng quá ngạo mạn, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu chút nội hàm cho mình.
St
Phản hồi