Bệnh tật có phải do từ kiếp trước?
Đức Phật đã dạy câu pháp cú rất nổi tiếng: “Trong các pháp tâm làm chủ. Tâm dẫn đầu, tâm tạo tác”. Nếu tâm ác thì khổ đau đi theo, nếu tâm thiện thì an lạc theo. Đức Phật nói là nhân duyên bệnh của vị Thầy này là do nghiệp kiếp trước.
Hỏi: Thưa thầy có phải bệnh tật là do nghiệp kiếp trước?
Đáp: Câu này thầy trả lời ở hai khía cạnh:
Bệnh liên quan đến nghiệp kiếp trước
Có những bệnh tật của mình là do nghiệp kiếp trước hoặc ngay cả nghiệp trong đời này. Đời này hay đời trước ta phạm, sinh ra cái bệnh cho mình, thì đa phần cái bệnh liên quan đến nghiệp sát sanh nhiều.
Thời Phật có một vị Thánh bị mắc một loại bệnh khi sau khi Ngài chứng quả. Căn bệnh ấy gây cho vị này rất nhiều đau khổ. Bệnh làm thân của Ngài mọc lên những mục mủ, mục mủ lỡ, máu chảy ra ướt y. Quý thầy, huynh đệ thấy như vậy mới phụ lau và giặt y cho vị ấy, trong khi Thầy này đã chứng Thánh quả rồi.
Có một lần, quý Thầy mới bạch Đức Thế Tôn: “Vì sao Thầy chứng Thánh quả rồi mà do nghiệp gì người Thầy bị máu mủ như vậy?” Đức Phật mới trả lời, trong tiền kiếp, vị này là anh thanh niên chuyên làm nghề thợ săn, bắt chim, không phải bắt một, hai con chim mà săn một lần là nguyên cả mẻ lưới. Bắt được nhiều con chim, sau đó thầy này lựa những con tốt thì để riêng, con chim thường thì để riêng. Tất cả đều bị bẻ cánh để nó không bay được. Loại tốt thì gửi trong cung cho vua, loại thường thì bán cho người ta. Cả đời Thầy này làm biết bao nhiêu nghiệp sát. Khi bẻ tay, bẻ chân của con chim như vậy, trong cơ thể của nó gãy xương hết rồi. Bây giờ Thầy phải trả một quả báo là xương cốt, người của ngài rệu rã.
Một lần khác, có một vị Thánh đã chứng Thánh quả nhưng Ngài bị mù. Một hôm Thầy mới mang điều này bạch Đức Phật. Đức Phật mới trả lời rằng trong tiền kiếp, vị này làm nghề bốc thuốc có biệt tài là chữa bệnh về mắt rất là giỏi. Hôm đó, có hai mẹ con bị bệnh về mắt đến vị thầy này chữa. Trước khi chữa hai mẹ con phát nguyện, nếu thầy chữa lành cho hai mẹ con sáng mắt lại thì họ sẽ làm người hầu cho người thầy thuốc này suốt đời. Bởi họ phát nguyện như vậy, ông thầy thuốc cố gắng chữa, ông đắp thuốc cho mắt của hai mẹ con gần sáng, đã được 90% chữa lành, chỉ còn đắp một lần nữa là xong. Hai mẹ con này mới bàn với nhau, để chối bỏ đi lời phát nguyện khi trước, họ sẽ nói dối vị Thầy là mắt mình chưa sáng ở lần bôi thuốc cuối cùng và sau đó quỵt lời hứa với vị thầy thuốc này. Thế là lần cuối chữa, vị thầy biết nhưng vẫn hỏi hai mẹ con mắt sáng chưa. Hai mẹ con này như lời bàn bạc trả lời chưa sáng. Vậy là ông đã tức giận cho một bài thuốc bôi để làm mù mắt hai mẹ con nhà này. Đó là cái nghiệp của Thầy kiếp trước, mà giờ thầy bị mù mắt.
Đức Phật đã dạy câu pháp cú rất nổi tiếng: “Trong các pháp tâm làm chủ. Tâm dẫn đầu, tâm tạo tác”. Nếu tâm ác thì khổ đau đi theo, nếu tâm thiện thì an lạc theo. Đức Phật nói là nhân duyên bệnh của vị Thầy này là do nghiệp kiếp trước.
Ngay cả Đức Phật cũng có bệnh liên quan đến nghiệp kiếp trước. Ví trong kinh có nhắc đến lần Đức Phật bị đau đầu mấy ngày. Phật kể vào kiếp quá khứ xa xưa, có một thôn trang, trong thôn có một hồ cá lớn: Vào một ngày lễ, mọi người trong thôn kéo cá ăn thịt. Trong đó có một con cá lớn cũng bị bắt. Lúc đó có một đứa trẻ ăn chay, nhưng vì nghịch ngợm đã dùng gậy gõ đầu con cá lớn ba cái. Con cá lớn đời trước chính là vua Lưu-ly bây giờ, các con cá nhỏ chính là đội quân vua Lưu-ly hiện tại, những người trong thôn hiện nay là người dòng Thích ca bị giết, đứa trẻ không ăn cá nhưng gõ đầu cá ba cái chính là Đức Phật.
Quý vị có nhớ, có lần Đức Phật bị đau lưng không? Đức Thế Tôn trong Kinh điển diễn tả dễ thương lắm, mình hiểu Phật tới đâu thì mình sẽ có bóng dáng Phật trong đầu như thế. Hồi nhỏ thầy thấy bóng dáng của Phật là thần, là tiên, là ông trời, là thượng đế, bay trên trời phép màu đủ thứ nhưng khi mình đọc mình hiểu Phật mình thấy Phật bình dị, dễ thương lắm. Một con người vĩ đại, bình dị, dễ thương lắm nhưng lại phi thường. Có những lần Đức Phật thuyết pháp, Ngài bị đau lưng. Ngài trải đồ ra nghỉ và Ngài nói thầy Xá Lợi Phất – Mục Kiền Liên thuyết pháp thay Ngài. Đức Phật đau lưng cũng là nghiệp của Ngài. Trong kinh diễn tả trong tiền kiếp, Ngài là một anh võ sĩ lùn. Có một người nọ hay đấu võ đài, giỏi nhưng rất kiêu căng. Hôm đó người này đấu với Ngài bị ngài đánh gãy lưng. Kiếp cuối khi Ngài thành Phật rồi, nhưng Đức Phật vẫn bị đau lưng là do vậy.
Có lần thầy giảng ở Đồng Nai, có một cô gái đêm đó không biết sao la hét, cô lấy tay thọt vô mắt của mình rồi móc ra một con mắt. Mặc dù trước khi xảy ra chuyện này, cô ấy rất bình thường. Mọi người sợ quá mới đưa cô gái này vào bệnh viện và trói tay cô lại. Trong những ngày bị trói tay, lạ thay cô bình thường trở lại. Mọi người tưởng cô đã hết bệnh rồi, nhưng khi vừa mở trói, cô bất chợt liền móc thêm con mắt nữa ăn. Sau khi móc con mắt thứ hai, cô lại hết bệnh đến bây giờ, nhưng kết cục cô đã bị mù. Cô này gửi về chùa thì không tự sinh hoạt được, nên mọi người mới gửi cô ở một trại tại Long Khánh. Thầy xuống giảng thầy mới biết câu chuyện này, thầy nghĩ đây là bệnh nghiệp.
Bệnh vì hiện tại không chăm sóc sức khỏe
Một số căn bệnh có thể là do nghiệp kiếp trước. Nhưng có nguyên do khác gây ra bệnh, chính là cách chúng ta chăm sóc sức khỏe của mình. Ví như việc ta ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ axit dẫn đến bệnh đau bao tử. Như vậy không thể nói đau bao tử là do bệnh kiếp trước được.
Dù là bệnh nghiệp hay bệnh vì chúng ta xem thường sức khỏe đi chăng nữa, học Phật pháp thầy luôn luôn khuyến khích quý vị là khi có một chuyện gì xảy ra hãy nhớ rằng: Thứ nhất, khoan nói về nghiệp, mà hãy theo dõi cơ thể vật lý của mình trước, về những ý thức sinh hoạt của mình. Cái bệnh của ta có phải do ăn nhiều – ngủ nhiều, do không tập thể dục, hay do ta sinh hoạt không điều độ. Nếu như mọi ý thức sinh hoạt đều tốt thì quý vị nghĩ đến chuyện bệnh là do nghiệp. Do đó, có những bệnh là do nghiệp, mà thầy có giảng kỹ ở bài pháp bệnh nghiệp. Trong bài pháp bệnh nghiệp, thầy có giảng những cách mình nhìn đâu là bệnh nghiệp và đâu là bệnh không phải do nghiệp.
Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp
Phản hồi