Bận mà vui, mệt nhưng hoan hỉ
Tôi luôn luôn ủng hộ những người: “bận, bận, bận, bận nhưng vui; mệt, mệt, mệt, mệt nhưng hoan hỉ”. Mặc dù, hầu hết mọi người đều không biết được tại sao lại bận, cũng không biết tại sao lại mệt. Vì vậy trong muôn vàn bận rộn, họ sẽ cảm thấy những áp lực tâm lý.
Họ sẽ cảm thấy rất phiền nhiễu, mệt đến nỗi cảm thấy nhàm chán, bận đến nỗi cảm thấy đau đầu và sẽ trở thành “bận, bận, bận, bận đến chết đi được; mệt, mệt, mệt, mệt đến rã rời”.
Khi chúng ta cảm nhận được sự quý giá của thời gian, sinh mệnh có hạn, những điều mình biết được còn quá ít, đến khi trưởng thành, chúng ta dần dần dựa vào sinh mạng có hạn của mình để làm những việc công đức vô hạn. Sinh mệnh thực sự là có hạn, tôi cũng đã cảm thấy không lâu trước đây còn là một cậu bé, trong nháy mắt đã già rồi, bây giờ có những người lớn hơn tuổi tôi, tôi sẽ nói với họ: “Sắp rồi, sắp rồi, sắp rồi!” Gọi là “sắp rồi” chính là sắp chết rồi. Bây giờ tôi đã sắp đến 80 tuổi, khi nào sẽ ra đi, tôi không biết được, nhưng tôi tin rằng đời người sẽ không có những người 50, 60 tuổi khác nữa.
Trong kinh Phật có câu: “Từng ngày qua đi, mạng sống giảm dần, như cá thiếu nước, nào có vui gì?” Chính vì sinh mạng có hạn, có muốn sống thêm một thời gian cũng không thể thuận theo mình được, nên phải biết tận dụng nó thật tốt, không ngừng làm phong phú thêm trí tuệ cho mình, làm phong phú thêm phúc đức cho mình.
Các tín đồ Phật giáo tin rằng, cuộc đời này được sinh ra từ quá khứ, hơn nữa khi cuộc đời này kết thúc, vẫn còn có sinh mệnh của tương lai. Cuộc đời của chúng ta đã có quá đủ phiền phức và khó khăn, thật không dễ gì sinh ra để làm người. Vậy thì nắm lấy những việc thiện, tích thêm nhiều công đức, tích lũy trí tuệ và phúc đức là tài sản để tương lai sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Điều này nhắc nhở chúng ta, khi còn trẻ, ta cần chăm chỉ làm việc, kiếm được nhiều tiền, tiết kiệm được nhiều, mới có khoản tiền dưỡng lão, tiền tiết kiệm càng nhiều thì lúc về già cuộc sống sẽ càng được đảm bảo. Vì vậy, chúng ta cần phải biết tận dụng thời gian, tự mình biết cống hiến, giúp đỡ người khác, phục vụ cho người khác, chăm sóc người khác, quan tâm đến xã hội. Tôi thường nói: “Những người bận rộn là người có thời gian nhiều nhất, những người cần cù là người có sức khỏe tốt nhất”, những người bận rộn vì họ biết quý trọng thời gian, sẽ biết tận dụng thời gian hợp lý, như vậy họ sẽ có thời gian. Một người lao động cần cù, sức khỏe của họ nhất định sẽ rất tốt. Nếu muốn mình có một cuộc sống vui vẻ khỏe mạnh, cần phải bận rộn, mong muốn trong cuộc sống của mình có thể tích được nhiều công đức và trí tuệ, lại càng cần phải bận rộn, dù có lúc không phải bận rộn vì chính mình. Thoạt đầu có vẻ bận rộn đến nỗi mình phải chịu thiệt thòi, thật không đáng. Dựa vào quan niệm của Phật giáo, cách nghĩ như vậy không chính xác, quan niệm của chúng tôi là: Bận là vì chính bản thân mình, cho dù cuộc đời này của bạn trong con mắt người khác xem ra không được gì cả, nhưng vẫn có được công đức, đó chính là công đức của trí tuệ và phúc đức, bận rộn trong công việc, ngay bản thân mình cũng trưởng thành chứ không phải không có giá trị gì cả.
Có được quan niệm như vậy, những người bận rộn sẽ cảm thấy bận mà vui, mệt mà hoan hỉ, giống như người nông dân làm ruộng, họ cảm ơn đã có ruộng đất để trồng, những người làm việc cũng sẽ cảm ơn cơ hội này.
Nếu họ cảm thấy đủ tiền tiêu, nhà ở, xe hơi, về mặt vật chất không đáng lo ngại, tất cả đều rất vừa ý, thì họ có thể đi làm công ích, xử lý môi trường, làm công tác tiếp đón, quan tâm đến người khác, khi đó họ sẽ cảm nhận được hương vị “bận, bận, bận”, và sự sung sướng của “mệt, mệt, mệt”.
HT. Thánh Nghiêm
Phản hồi