Bản chất của chân tâm là bình an một cách tuyệt vời
Nếu chúng ta không hiểu về chân lý của Giáo Pháp, thì chúng ta không hiểu biết về tâm và chúng ta không hiểu biết về các hiện tượng, và như vậy tâm và các đối tượng của tâm lẫn lộn với nhau. Do đó, khi chúng ta trải nghiệm khổ thì ta cảm giác rằng tâm mình khổ.
Trong tu thiền, chúng ta tu tập sự chánh niệm để chúng ta luôn tỉnh giác. Tu tập với nỗ lực và sự kiên nhẫn, tâm có thể được vững chắc. Khi những hiện tượng giác quan có mặt, dù là khó chịu hay dễ chịu, và khi có mặt những hiện tượng tâm, dù là cảm nhận vui hay cảm xúc buồn, thì chúng ta luôn nhìn thấy chúng một cách rõ ràng. Hiện tượng là một chuyện, và tâm là một chuyện. Đó là những thứ riêng biệt.
Khi thứ gì tiếp xúc tâm và chúng ta thích nó, thì chúng ta chạy theo nó. Khi thứ gì làm chúng ta không thích, chúng ta chạy tránh nó. Điều này là không nhìn thấy tâm mà chỉ chạy theo hiện tượng. Theo cảnh quên mình. Hiện tượng là hiện tượng, tâm là tâm. Chúng ta phải tách riêng chúng ra và nhận rõ cái nào là tâm, cái nào là hiện tượng. Làm vậy ta được thư thái.
Khi có ai nói nặng lời với ta thì ta nổi giận, điều đó có nghĩa ta đã bị che mờ bởi những hiện tượng và chạy theo chúng; tâm bị mắc vào những đối tượng của nó và chạy theo những trạng thái của nó. Nên hiểu rằng tất cả mọi thứ chúng ta trải nghiệm bên ngoài và bên trong như vậy chẳng là gì cả, đó chỉ là những sự đánh lừa. Chúng không có gì là chắc chắn, không phải thực, và nếu cứ chạy theo chúng, chúng ta sẽ lạc đường. Đức Phật muốn chúng ta thiền tập để nhìn thấy sự thật về chúng, sự thật về thế giới. Thế giới là những hiện tượng của sáu giác quan; những hiện tượng là thế giới.
Nếu chúng ta không hiểu về chân lý của Giáo Pháp, thì chúng ta không hiểu biết về tâm và chúng ta không hiểu biết về các hiện tượng, và như vậy tâm và các đối tượng của tâm lẫn lộn với nhau. Do đó, khi chúng ta trải nghiệm khổ thì ta cảm giác rằng tâm mình khổ. Chúng ta cảm giác tâm mình cứ lang thang và nếm trải đủ loại thứ khổ một cách không kiểm soát được, nó cứ thay đổi liên tục trong nhiều trạng thái khác nhau. Thực ra điều đó không thực: không có nhiều tâm, mà là nhiều hiện tượng. Nhưng nếu chúng ta không có ý thức tỉnh giác về mình thì chúng ta không hiểu biết tâm và cứ chạy theo những hiện tượng đó.
Người ta thường nói, “Tâm tôi buồn”, “Tâm tôi bất hạnh”, “Tâm tôi bị phân tán”. Nhưng điều đó không đúng thực. Tâm chẳng là gì cả, chính những ô nhiễm trong tâm mới là vấn đề. Người ta cứ nghĩ tâm mình khó chịu hoặc không vui sướng, nhưng thực ra tâm là thứ dễ chịu và hạnh phúc nhất. Khi chúng ta trải nghiệm những trạng thái khó khổ khác nhau, đó không phải là tâm. Hãy ghi nhớ điều này: sau này, mỗi khi ta trải nghiệm những trạng thái khác nhau, hãy nhớ “Thầy Ajahn Chah đã nói “Đó không phải là tâm””.
Chúng ta tu tập để đạt đến cái tâm – đó là cái tâm “xưa”. Đó là cái tâm nguyên thủy, chân tâm. Chân tâm thì không bị điều kiện, không phải hữu vi. Nó là vô vi. Bên trong chân tâm thì không có tốt hay xấu, dài hay ngắn, đen hay trắng. Nhưng ta không hài lòng với chân tâm này, bởi vì chúng ta không nhìn vào và hiểu biết mọi sự một cách rõ ràng. Giáo Pháp (Dhamma) vượt trên những thói quen của cái tâm bình thường. Nếu không tu tập tốt, chúng ta cứ nhận lầm sai thành đúng, đúng thành sai.
Vì vậy, chúng ta cần phải lắng nghe Giáo Pháp để có được sự hiểu biết về Giáo Pháp và có thể nhìn nhận ra Giáo Pháp trong tâm mình. Sự ngu dốt ở trong tâm này. Sự thông minh ở trong tâm này. Bóng tối vô minh và si mê là ở trong tâm này. Sự hiểu biết và sự sáng tỏ là ở trong tâm này.Nó giống như một cái chén dính đầy chất dơ, hoặc như một cái nền nhà dơ bẩn. Dùng xà-bông và nước để chùi rửa, ta có thể loại bỏ chất dơ. Khi chất dơ đã hết, ta có một cái chén sạch, hoặc một cái nền nhà sạch mát. Tương tự, ở đây cái tâm này bị nhiễm dơ. Khi chúng ta tu tập đúng đắn, cái chân tâm trong sạch lộ ra, cũng giống như cái nền nhà sạch mát lộ ra sau khi xóa bỏ những chất dơ. Khi dơ bẩn được chùi rửa hết thì trạng thái trong sạch sẽ hiện ra. Hiện thời, chỉ là do chất dơ bẩn làm dơ mờ nó thôi.
Cái tâm ở trong trạng thái tự nhiên của nó, đó là chân tâm, cái tâm đích thực, là thứ ổn định và không bị ô nhiễm. Nó trong sạch và sáng tỏ. Nó bị dơ mờ và ô nhiễm là do nó tiếp xúc với những đối tượng giác quan và bị chúng tác động nên khởi sinh sự thích và không thích, ưa và ghét. Bản chất của chân tâm là không ô nhiễm, chẳng qua nó chưa được thiết lập trong Giáo Pháp, do vậy những hiện tượng bên ngoài có thể làm ô nhiễm nó.
Bản chất của chân tâm là không lay chuyển, là tĩnh tại. Nó tĩnh lặng. Chúng ta không tĩnh lặng là do chúng ta bị kích thích với những đối tượng giác quan bên ngoài, và rốt cuộc chúng ta trở thành nô lệ cho những trạng thái tâm khác nhau mà chúng tạo ra. Vì vậy, tu hành thực sự có nghĩa là đi tìm lại cái chân tâm, cái “tâm xưa”.
Đó là tìm lại ngôi nhà của mình, là cái chân tâm không lay chuyển và thay đổi chạy theo những hiện tượng khác nhau. Bản chất của chân tâm là bình an một cách tuyệt vời; đó là thứ đã có sẵn bên trong chúng ta.
Thiền Sư Ajahn Chah
Phản hồi