Bài viết về Hoạ sĩ Ngô Bình Nhi: “Tâm ý thanh tịnh tự khắc bình an”
PGĐS – Ngô Bình Nhi là hoạ sĩ được giới chuyên môn đánh giá cao về kỹ thuật biểu cảm. Tranh của Ngô Bình Nhi được các bảo tàng tư nhân và nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước yêu thích. Chị vẽ tranh để thể hiện “sự sống hiện tại và sức sống trong tâm thức”, với đề tài yêu thích là hoa sen.
Theo hoạ sĩ Bình Nhi, “tâm an vạn sự an” thực chất là chúng ta lắng lòng xuống và sống chậm lại, để quan sát hơi thở vào ra từ bên trong và quan sát vạn vật xung quanh. Sự chuyển động của vạn vật trong vô thường cũng là sự chân thường bất biến, nên tâm sẽ không chấp trụ vào sinh diệt thế gian. Hiểu nhẽ đó tâm tự an, vạn sự cũng tất thảy an nhiên theo.
* Vì sao chị lựa chọn sen là đề tài trong nhiều bức tranh?
– Đề tài hoa sen đã gắn bó với tôi từ năm 2013. Đến nay, tôi vẫn đam mê và giữ lửa vẽ đề tài này. Hoa sen gắn bó với quê nội Kinh Bắc của tôi, nơi tôi có quá nhiều kỷ niệm tuổi thơ đẹp. Sau này đề tài hoa sen theo tôi dài và xa hơn bởi ý nghĩa cao quý của hoa sen trong đạo Phật. Ngoài vẻ đẹp thuần khiết của hoa sen, theo Phật giáo thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen.
Tôi vẽ sen không hẳn để tả hình tướng của bông hoa sen, mà tôi mượn hình ảnh đó để vẽ tâm mình. Nên các bức tranh với đề tài này tôi vẽ một cách tự nhiên khó lý giải.
* Khi vẽ sen, chị thường chú ý những vẻ đẹp nào từ sen? Vì sao chị ưa vẽ sen trắng?
– Khi vẽ sen đầu tôi thường chú ý đến sự đan xen của những thân sen, lá sen và bóng nước… những hình ảnh này đem lại cảm xúc rất biểu hiện trong tôi. Nó có sự đối lập với sự thuần khiết, tĩnh lặng của những bông sen thơm ngát. Tranh tôi thường ào ạt, mạnh mẽ bởi những yếu tố động như nước, côn trùng và đường nét đan vào nhau. Tôi không tả một bông sen nhưng tôi mượn cả cuộc sống của đời hoa sen để nói đến câu chuyện của riêng mình. Tôi yêu tất cả các màu của hoa sen nhưng thường yêu thích vẽ màu sen trắng cho các tác phẩm của mình có lẽ bởi tính Từ Bi và Giác Ngộ cao quý của sen trắng trong đạo Phật. Khi vẽ gam màu đó tôi thấy tâm trí mình thanh thoát và an lạc hơn.
* Cảm giác xung quanh đoá sen, có sự toả sáng năng lượng từ những nét vẽ, chị chia sẻ sao về điều này?
– Tất cả những bông sen trong tranh tôi đều được vẽ từ dao, tôi không sử dụng bút vẽ hoa sen. Khi dùng dao tạo những mảng màu trong trẻo cho cánh sen, tôi thấy tâm mình trong vắt theo nét vẽ, chấm phá gợi tả hình ảnh sen theo cảm xúc. Tôi luôn điểm nhụy màu cho những bông sen trắng bởi tôi muốn dùng màu gợi hương thơm, khi tôi vẽ tâm trạng luôn hoan hỷ và hạnh phúc. Có lẽ điều này lan tỏa tới người xem tranh, họ cảm nhận được năng lượng tỏa sáng cũng vì bên trong họ luôn hạnh phúc. Khi chúng ta làm mọi việc dù nhỏ nhất trong tâm bình an và từ bi thì năng lượng đó sẽ lan tỏa một cách tự nhiên vậy.
* Trong quá trình vẽ và sau bức tranh, chị thường cảm giác điều gì?
– Tôi chưa từng vẽ một mạch hay một hơi xong một bức tranh. Tôi thường chia làm hai giai đoạn: đầu tiên tôi vẽ một hơi cho lớp lót, với tôi giai đoạn này vô cùng quan trọng, bởi nó là cảm xúc thật mà cũng là sự hấp tấp, vội vã hay những cảm xúc khó kìm chế khi ta nhìn thấy một cái đẹp phù phiếm. Ngưng cảm xúc lại cũng là xong lớp lót tranh, tôi dường như đã nếm trải cảm xúc giả ấy. Nó làm tôi tan cơn khát. Giai đoạn hai, tôi thong dong, thảnh thơi vẽ như chơi, tôi gợi tả những gì mình thích. Hai giai đoạn vẽ cho mình cảm thấy như cả một ngày được ngắm mặt trời mọc rồi lặn, tâm trạng như vậy.
* Chị có thể chia sẻ hành trình thú vị vừa qua của chị? Trong những ngày đó, chị đã khám phá những gì từ bên trong mình?
– Tôi vừa có một hành trình đi tham cứu tu học nghệ thuật Phật Giáo ở Nepal. Nói chia sẻ thì thật sự hơi sớm, bởi vì tôi vừa mới bắt đầu tập chưa gọi là đi. Cũng mạn phép chia sẻ những thiển cận của mình. Thực chất chỉ là để mình sống chân thật với chính mình, cũng không có gì mới lạ. Trong những ngày ở đất Phật tu học một mình, điều tôi luôn thực tập là sống một mình như sống với nhiều người, và sống với nhiều người như sống một mình.
* Theo chị, tâm trí cần rèn luyện để từ đó mình làm chủ các suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành động không? Chị đã làm điều đó như thế nào?
– Nếu dùng tâm trí mà rèn luyện được lời nói, suy nghĩ, cảm xúc, hành động thì nó giống như người bơi ngược dòng nước. Bởi tâm trí ta giống như con khỉ, luôn lo lắng, khuấy động, dễ dàng bị rối trí và không ngừng thay đổi. vậy dùng gì để làm chủ? Ngay trong hiện tại, đúng chỗ này, đúng nơi này, khoảnh khắc này không khởi nên nghĩ một niệm ác nào chỉ nghĩ điều thiện và quán sát theo hơi thở vào ra. Tâm ý thanh tịnh tự khắc bình an.
* Tâm thức của chị đã có những thay đổi tích cực ra sao?
– Tôi chỉ biết sống chân thật với những cảm xúc bình dị. Tâm thức không ở ngoài mình cũng chẳng ở bên trong. Có lẽ tôi chưa từng đi tìm kiếm nó.
* Sau những ngày tháng lang thang nơi xứ núi mù sương, giữa vùng núi hẻo lánh, chị cảm nhận những điều gì?
– Sau những ngày tháng trải nghiệm ở xứ núi mù sương, núi rừng hẻo lánh… tôi cảm thấy là con người ai cũng sẽ có những khả năng thích nghi mọi hoàn cảnh. Thuận theo tự nhiên, vui với những gì mình đang có và luôn thấy đủ sẽ làm mình an nhiên.
* Phải chăng mọi sự đều bắt nguồn từ chính tâm của mình?
– Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hiện tại là thời khắc quý giá. Hãy trân trọng thời khắc hiện tại, hơi thở hiện tại. Nếu thực sự trong tâm chúng ta nghĩ điều thiện, làm việc thiện, bỏ điều ác. Tâm ắt tự an. Tâm muốn an không phải cầu mà có được cũng không ai ban tặng cho mình. Lắng lòng lại, tâm rỗng rang không khởi niệm ác. Tâm luôn an trú hơi thở trong giây phút hiện tại tự nhiên bình an hạnh phúc đến, không cần cầu đâu xa.
Những điều này cần thực hành trong đời sống hàng ngày như ăn cơm uống nước. Như câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
“Mỗi ngày của bạn vẫn luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Chỉ cần bạn sống chậm lại, để tâm một chút bạn sẽ nhìn thấy những điều tốt đẹp này”
” Mỗi hơi thở, mỗi bước đi của chúng ta có thể lấp đầy bởi bình an, hạnh phúc và sự thanh thản.”
Khi về nước, chị có thấy sự thay đổi qua mỗi tác phẩm như thế nào? Và chị có dự định gì cho nghệ thuật?
– Trong thời gian sống tại Nepal tôi có vẽ một series mang tên “Âm không” trên chất liệu tranh giấy gạo, đó thật sự là cảm xúc mới lạ nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Và khi về nước tôi muốn tiếp tục dòng cảm xúc đó, tôi đang vẽ phác thảo và thể hiện một series tranh mới tiếp nối của “Âm không”. Một thứ âm thanh của sự an lạc, hạnh phúc đến từ bên trong. Chỉ khi ta thật sự tĩnh lặng mới cảm nhận được “Âm không” của sự tự do tuyệt đối.
* Xin cảm ơn sự chia sẻ của chị.
BTV : Trang Quỳnh Nguyễn
Phản hồi