Bài học nhân sinh từ những câu chuyện ngụ ngôn của Phật giáo

Trên mảnh đất Ấn Độ cổ kính, nơi những dòng sông thánh thiêng chảy qua và tiếng gió thì thầm giữa rừng sâu, Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện như một vầng thái dương rực rỡ, xua tan bóng tối khổ đau của nhân loại. Hơn 25 thế kỷ trôi qua, ánh sáng từ bi và trí tuệ của Ngài không chỉ là ngọn hải đăng dẫn lối cho những tâm hồn lạc đường thời xưa, mà còn là suối nguồn mát lành, tưới tẩm những trái tim khô cằn trong thế giới hiện đại đầy hỗn loạn. Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại của nhân loại ở thế kỷ XX, từng thốt lên với lòng kính phục: “Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng các nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần điều chỉnh quan điểm để bắt kịp những khám phá mới của khoa học”[1]. Phát biểu này không chỉ phản ánh tính thực nghiệm của Phật giáo mà còn nhấn mạnh sự giao thoa giữa tư duy triết học và phương pháp khoa học. Trong khi các triết lý sâu sắc được Đức Phật truyền đạt tới tầng lớp trí thức, đồng thời Ngài sử dụng các câu chuyện ngụ ngôn như một công cụ giảng dạy hiệu quả, đơn giản hóa các khái niệm phức tạp để tiếp cận tầng lớp bình dân, từ đó tạo điều kiện cho sự tự nhận thức và giác ngộ.
Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật khẳng định rằng: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”[2], tuyên bố này thiết lập một nguyên lý cốt lõi: mọi khía cạnh của giáo pháp đều hướng tới một mục tiêu chung là chấm dứt khổ đau. Và Đức Phật từng tuyên bố “Không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn, cũng không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ”[3]điều này, Đức Phật chứng minh cho tính bình đẳng tuyệt đối với cấu trúc xã hội phân chia giai cấp của Ấn Độ thời bấy giờ. Tuy nhiên, việc truyền đạt chân lý tới chúng sinh là một thách thức lớn, khi mỗi con người bị giam cầm bởi những xiềng xích vô hình của tín ngưỡng, văn hóa và nỗi sợ hãi theo lối mòn qua nhiều thế hệ. Để vượt qua rào cản này, Đức Phật đã áp dụng nguyên tắc “khế lý, khế cơ”, một phương pháp giảng dạy linh hoạt, được điều chỉnh dựa trên lý trí và hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng, từ tầng lớp quyền quý đến người dân thường. Ngài không chỉ là bậc thầy, mà là người cha hiền luôn sẵn sàng nắm tay dẫn chúng sinh vượt qua đêm tối của vô minh.
Tiêu biểu là câu chuyện về cô Kisā Gotamī, khi đứa con yêu quý qua đời, cô đau khổ khôn nguôi và cầu xin Đức Phật cứu sống:“Ngài đã chỉ dẫn cô Kisā Gotamī tìm hạt cải trong làng của nhà nào không có ai chết thì Ngài sẽ cứu sống. Cô đi tìm hết trong thành nhưng nhà nào cũng có người chết và cô nhận ra được định luật sinh lão bệnh tử”[4]. Qua trải nghiệm ấy, cô thấu hiểu quy luật vô thường – sinh, lão, bệnh, tử là điều không ai tránh khỏi. Đức Phật không áp đặt lý thuyết, mà tạo điều kiện để Kisā Gotamī tự khám phá thông qua trải nghiệm thực tế. Khái niệm vô thường (anicca) sự biến đổi không ngừng của vạn vật được minh họa như một nguyên lý nền tảng trong giáo pháp; “hoại khổ” (vipariṇāmadukkha), khổ đau do sự thay đổi của thân tâm; “vô ngã” (anatta) không tồn tại một thực thể cố định, độc lập trở thành các yếu tố lý giải tại sao con người chịu đau khổ khi bám víu vào những gì tạm bợ. Quá trình chuyển hóa của Kisā Gotamī từ trạng thái đau đớn sang bình an, phản ánh hiệu quả của phương pháp thực nghiệm trong giáo pháp, khẳng định rằng đoạn trừ khổ đau (giác ngộ) là kết quả của chánh tri kiến sâu sắc về bản chất thực tại, một trong bảy phương pháp đoạn trừ khổ đau trong kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc[5].
Một câu chuyện khác về Tỳ-kheo Mālunkyaputta, người đặt ra hàng loạt câu hỏi siêu hình với Đức Phật :“Vũ trụ là hữu hạn hay vô hạn? Linh hồn và thân xác là một hay khác nhau? Như Lai có tồn tại sau khi chết hay không?… Thay vì trả lời trực tiếp, Đức Phật kể một câu chuyện: Có một người độc độc tên, nhưng thay vì cho bác sĩ chữa trị ngay, anh ta lại muốn biết ai bắn tên, chất liệu làm tên, lông tên từ loài chim nào… Nếu cứ chờ biết hết những điều đó, anh ta sẽ chết trước khi được cứu chữa”[6]. Đức Phật nhấn mạnh rằng những câu hỏi siêu hình không thiết thực cho việc tu tập. Các vấn đề siêu hình, dù có thể hấp dẫn về mặt triết học, nhưng không đóng góp vào mục tiêu thực tiễn giải thoát khổ đau. Đức Phật không phủ nhận sự tồn tại của những câu hỏi này, mà xếp chúng vào loại “vô ký” (avyākata), tức là không thể xác minh bằng kinh nghiệm trực tiếp, do đó không mang lại giá trị trong sự hành trì. Thay vào đó, Ngài định hướng chúng ta tư duy theo Tứ Diệu Đế – tập trung vào việc nhận diện nguyên nhân khổ đau và phương pháp khắc phục. Như vậy, Đức Phật luôn ưu tiên hành động và nhận thức thực tế hơn là các tranh luận lý thuyết không kiểm chứng được.
Tương tư như trên, trong bài kinh Simsapa: “Ngài cầm một lá trong tay và hỏi các Tỳ-kheo: “Lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng nhiều?” Các tỳ-kheo trả lời rằng: “Bạch Thế Tôn, lá trong rừng nhiều hơn rất nhiều, còn lá trong tay Ngài chỉ là một phần rất nhỏ.” Đức Phật dạy rằng: cũng như lá trong rừng, những điều Ngài biết là vô cùng rộng lớn. Nhưng những gì Ngài giảng dạy chỉ là một phần rất nhỏ, giống như lá trong tay”[7]. Bài kinh này nhấn mạnh sự cần thiết của việc ưu tiên vào việc học hỏi và tu tập thay vì phân tán, để ý vào các vấn đề không có hữu ích. Đức Phật cũng từng nói:“Trong 49 năm, Ta chưa hề nói một lời nào”, không phải là sự phủ nhận ngôn ngữ, mà Ngài khẳng định rằng giáo pháp không nằm ở hình thức biểu đạt, mà ở sự chứng ngộ nội tại, tự mình thắp đuốc lên mà đi. Như vậy, đạo Phật không chỉ là một hệ thống triết học, mà còn là một khoa học thực nghiệm của tâm thức, hướng tới hiệu quả tối ưu trong việc chuyển hóa tâm lí cho con người.
Kế đến là câu chuyện chấm dứt bạo lực: “Vua Dīghīti của xứ Kosala bị vua Brahmadatta xâm chiếm vương quốc và sát hại. Trước khi chết, ông im lặng nhìn con trai Hoàng tử Dīghāvu và nói: Này Dīghāvu, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có nhìn gần. Bởi vì, sự hận thù không được làm lắng dịu bởi thù hận… Dīghāvu sống ẩn mình và phục vụ trong cung vua Brahmadatta. Một ngày nọ, khi có cơ hội, hoàng tử chơi đàn và hát một bài ca gợi nhớ về cha mẹ mình. Vua Brahmadatta nhận được danh tính của Dīghāvu, lo sợ hoàng tử sẽ trả thù. Nhưng thay vì giết vua, Dīghāvu đã thứ tha cho ông. Cảm phục trước lòng khoan dung của Dīghāvu, vua Brahmadatta trả lại vương quốc cho hoàng tử”[8]. Câu chuyện cho thấy, Hoàng tử đã nhớ lời người cha dặn “đừng nhìn quá gần” (đừng vội để tạo nên oán kết); “đừng nhìn quá xa” (đừng để nỗi thù hận của mình quá dài), sự tha thứ của hoàng tử mà cho bản thân và nhà vua Brahmadatta một con đường sống, và lấy lại vương quốc của mình. Trong cuộc sống, chúng ta cũng có những người làm cho mình không thích và bị chịu khổ đau từ hành động của người khác nhưng nếu cứ hận thù và tức giận mãi thì sẽ không bao giờ chấm dứt. Và Đức Phật cũng từng dạy: “Với hận diệt hận thù, Ðời này không có được. Không hận diệt hận thù, Là định luật ngàn thu”[9]. Khi chúng ta dập tắt được hận thù thì đó được xem là Niết Bàn (nirvana). Và Niết Bàn chính là cảnh giới an lạc của tinh thần, là trạng thái an lạc tuyệt đối, và Niết Bàn không phải là cảnh giới sau khi chết hay một địa điểm để đi tới mà chính là sự thay đổi tại tâm khi chúng ta hiểu rõ về Tam Pháp Ấn. Ví như tâm ta đang bị bóng tối của vô minh, khi không nhận diện rõ vấn đề do bản ngã chi phối bởi ngọn lửa tam độc (tham, sân, si); thì khi thể nghiệm Niết Bàn chính là sự thay đổi ở tâm, được soi sáng bởi chân lý Tứ Diệu Đế, thức tỉnh trước tam độc và được tưới lên nguồn suối mát mẻ yên bình tại tâm.
Thông qua các câu chuyện trên không chỉ là tư liệu lịch sử, mà là những mà là ngọn lửa sống động, soi sáng, có giá trị ứng dụng trong bối cảnh hiện đại. Trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển của các nền tảng số hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận giáo pháp, từ kinh điển điện tử đến các bài giảng trực tuyến. Tuy nhiên, sự gia tăng thông tin cũng đặt ra yêu cầu về khả năng phân tích và chọn lọc, nhằm tránh những diễn giải sai lệch. Đức Phật từng dạy: “Này các Tỳ-kheo, các ông nên biết giáo pháp của Ta giống như chiếc bè đưa người qua sông; Chánh pháp còn xả, huống gì phi pháp” [10]. Là đệ tử của Như Lai, chúng ta cần có trong mình tinh thần học hỏi từ đời sống phạm hạnh đến những giá trị mà Ngài đã trao truyền và ứng dụng để chuyển hoá ngay trong đời sống của chính mình. Học giáo lý và thực hành không ngừng, đồng thời chia sẻ với mọi người về giáo lý của Ngài, xây dựng niềm tin chánh kiến và kiên cố vào con đường Ngài đã đi. Như thế, chúng ta mới có thể tiếp tục kế thừa và tiếp nối bánh xe pháp mà chư Phật, chư Tổ đã vận hành suốt hàng ngàn năm qua để đem giá trị thiết thực đến cho mọi người bằng lòng từ bi và trí tuệ.
Nguyên Nam
Tài liệu tham khảo
[1] Nhà khoa học Albert Einstein có mối liên hệ nào với đạo Phật (2020). https://phatgiao.org.vn/nha-khoa-hoc-albert-einstein-co-moi-lien-he-nao-voi-dao-phat-d41584.html
[2] Thích Minh Châu (2003), Kinh Tăng Chi Bộ (dịch), Tập III, Nxb Tôn giáo.
[3]Thông điệp tháng tư (2019), https://phatgiao.vn/bai-viet/thong-diep-thang-tu.html
[4] Tích Kisā Gotamī Cầu Xin Đức Phật Làm Con Mình Sống Lại (2020) https://theravada.vn/tich-kisa-gotami-cau-xin-duc-phat-lam-con-minh-song-lai/
[5] Kinh Tất cả Lậu Hoặc (2019) https://theravada.vn/2-kinh-tat-ca-cac-lau-hoac-kinh-trung-bo/
[6] Đức Phật không trả lời những câu hỏi siêu hình (2012) https://thuvienhoasen.org/a15411/duc-phat-khong-tra-loi-nhung-cau-hoi-sieu-hinh
[7] Nắm lá trong tay (2008) https://giacngo.vn/nam-la-trong-tay-post735.html
[8] Đừng để hận thù xâm chiếm (2023) https://khemarama.net/story/dung-de-thu-han-xam-chiem/
[9] Kinh Pháp Cú https://loiphatday.org/kinh-phap-cu-01-pham-song-yeu/
[10] Giáo Pháp như chiếc bè qua sông (2020) https://giacngo.vn/giao-phap-nhu-chiec-be-qua-song-post52420.html
Phản hồi