Bậc chân nhân không quý mình, chẳng khinh người

PGĐS – Khi vào nhà đạo, làm con của Đức Phật thì như trăm sông hòa vào biển cả. Hãy thực hành Pháp và tùy thuận Pháp để trở nên thuần một vị mặn giải thoát của đại dương.

“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp chân nhân, và pháp không phải chân nhân. Hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm.

– Thế nào là pháp không phải chân nhân? Ở đây có một người thuộc dòng dõi hào quý, xuất gia học đạo và những người khác thì không như vậy. Người ấy nhân vì dòng dõi hào quý mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải nhân bởi dòng dõi hào quý mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không phải dòng dõi hào quý mà xuất gia học đạo, thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng đến pháp và thứ pháp, do đó mà được cúng dường, cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

– Lại nữa, hoặc có người đoan chánh, khả ái, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì mình đoan chánh, khả ái mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do vẻ đoan chánh khả ái này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không đoan chánh khả ái nhưng thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó được cúng dường cung kính’. Như vậy vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Trường thọ vương, kinh Chân nhân, số 85 [trích])

Khi vào nhà đạo, làm con của Đức Phật thì như trăm sông hòa vào biển cả.
Khi vào nhà đạo, làm con của Đức Phật thì như trăm sông hòa vào biển cả.

Lời bàn: Bậc chân nhân bao gồm cả tại gia và xuất gia, nói chung là người chân chính, có giới đức, hiền trí. Theo kinh Trung bộ và Tăng chi bộ, bậc chân nhân là người giữ giới (không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện), thành tựu năm nhân cách cao thượng của người Phật tử. Kế đến, bậc chân nhân là người có lòng tin, có xấu hổ, có sợ hãi, nghe nhiều, siêng năng tinh cần, có niệm, có tuệ. Cao hơn nữa là không tham, không sân và không si – thành tựu chánh kiến. Bậc chân nhân còn là người biết nhớ ơn và đền ơn.

Pháp thoại này, Thế Tôn cho biết thêm một phẩm tính cao thượng khác của bậc chân nhân, đó là không quý mình, chẳng khinh người. Có dòng dõi cao sang, quyền quý và ngoại hình khả ái, đoan chính là một phước báo lớn. Người đời luôn hãnh diện và tự hào về những điều này. Tuy vậy khi đến với đạo, dòng dõi và ngoại hình cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là có an trú trong Pháp để gột rửa tham, sân, si cho thân tâm thanh tịnh hay không?

Trong quá trình thanh lọc và thăng hoa tâm, quá tự hào về dòng dõi và dính mắc vào ngoại hình thì đó là chướng ngại. Theo quan điểm của Thế Tôn, dòng dõi cao thượng mà không tu sửa tâm tính thì vẫn hạ liệt, thấp hèn. Ngoại hình đẹp đẽ mà nội tâm đầy dẫy phiền não thì vẫn ô uế, xấu xa. Do vậy, cần nhận rõ thân tâm trong hiện tại để biết con người thật của chính mình. Nguyện làm người hiền trí thì không quý mình và chẳng khinh người.

Khi vào nhà đạo, làm con của Đức Phật thì như trăm sông hòa vào biển cả. Hãy thực hành Pháp và tùy thuận Pháp để trở nên thuần một vị mặn giải thoát của đại dương. Các vỏ bọc cần được xé bỏ, những cái tôi cá nhân phải được hòa tan, không quý mình và chẳng khinh người, xác định lại giá trị nơi chỗ thành tựu Giới – Định – Tuệ. Đây mới thực sự là tiêu chí để được mọi người tôn trọng và cung kính trong bốn chúng đệ tử Phật.

Quảng Tánh

Bài viết liên quan

Phản hồi