Anh em trong nhà đừng vì tranh chấp nhỏ mà làm tổn thương tình thân

Tình thân là điều mà mỗi người nên trân trọng. Chỉ những người thân yêu trong gia đình mới là người đối xử tốt và luôn ở bên chúng ta mà không cần bất cứ điều kiện gì. 

Chuyện chiếc cầu nối liền hai bờ mương

Có hai anh em nhà nọ sống trong hai trang trại nằm cạnh nhau. Suốt mấy chục năm, hai anh em bao bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Khi thì cho mượn máy cày, lúc lại cho người sang giúp cắt cỏ. Ngày ngày, đàn bò của họ ăn cỏ trên cùng một cánh đồng do cha mẹ để lại.

Bỗng một ngày, vì một con bê lạc chuồng khiến mối quan hệ giữa hai anh em bắt đầu rạn nứt. Bên này ngại bên kia không nói ra, cũng không hỏi gì, chỉ âm thầm ngó qua nhà nhau với ánh mắt dò xét và nghi ngờ. Lâu dần, cả hai anh em không kìm chế được cơn nóng giận mà bùng nổ thành cuộc cãi vã không ai chịu nhường ai.

Buổi sáng nọ, người anh đang ngồi uống trà thì nghe tiếng gõ cửa. Bước ra ngoài thì thấy một người đàn ông mặc xuề xòa, vai đeo cưa, tay xách thùng gỗ chứa đục bào.

Người đàn ông này nói: “Thưa ông chủ, ở đây có việc gì cần tôi làm không?”.

Người anh đáp: “Có đấy. Anh có nhìn thấy con mương kia không? Vùng đất bên kia con mương là trang trại của thằng em tôi. Tuần trước tôi với nó cãi nhau kịch liệt, rồi nó mang máy cày tới ủi bãi cỏ giữa hai nhà thành con mương. Nó cố tình chọc tức tôi. Không lẽ tôi lại chịu thua nó. Sau này tôi có bãi gổ anh thấy không? Hãy làm một cái gì đó để cho nó thấy được rằng thằng anh nó cao tay hơn nó nhiều. Anh muốn làm gì thì tùy anh”.

“À, hay anh dựng cho tôi một hàng rào cao quá đầu người chạy dọc theo con mương. Từ nay về sau tôi không qua lại cũng chẳng nhìn mặt nó nữa!”, người anh nói tiếp.

anh-em-trong-nha-dung-vi-tranh-chap-nho-ma-ton-thuong-tinh-than-1

Người đàn ông kia nhìn thẳng vào mặt người anh một hồi, trong lòng thoáng nghĩ ngợi điều gì đó. Rồi anh ta đáp: “Vâng, thưa ông chủ. Tôi sẽ làm một cái gì đó khiến ông chủ hài lòng!”.

Và thế là người thợ bắt tay vào việc cưa, đục, bào. Người anh giao cho người thợ làm gì tùy ý nên bản thân vào rừng đốn thêm cây.

Khi trời sẩm tối, người anh mới về, cũng là lúc anh thợ mộc đã hoàn tất công việc và mời người anh ra xem. Khi đến gần, người anh há hốc mồm bất ngờ vì không có hàng rào nào hết, thay vào đó là một chiếc cầu nối liền hai bờ mương của người em mới đào.

Người anh đứng lặng một lúc rồi cuối cùng cũng mạnh dạn bước qua cầu đi về phía nhà người em.

Sáng sớm hôm sau, khi người thợ mộc chuẩn bị khăn gói lên đường rời đi thì hai anh em nhà nọ nắm chặt tay nhau cùng nói: “Hay anh ở lại vài ngày nữa đi. Chúng tôi còn rất nhiều việc cần anh làm”.

Người thợ mộc đáp: “Xin cảm ơn các ông. Còn nhiều cây cầu nữa đang chờ tôi”.

Tình thân – điều quý giá trong cuộc đời mỗi người

Trong cuộc đời này, chúng ta sẽ gặp gỡ rất nhiều người. Thế nhưng, tình thân là điều mà mỗi người nên trân trọng. Chỉ những người thân yêu trong gia đình mới là người đối xử tốt và luôn ở bên chúng ta mà không cần bất cứ điều kiện gì.

Một gia đình, thời gian mà anh chị em dành cho nhau thậm chí nhiều hơn là cho bố mẹ của họ. Có thể nhiều người không nghĩ như vậy, nhưng một trong những mối quan hệ lâu dài nhất mà bạn có được chính là với anh chị em ruột thịt của mình.

Dù là anh chị em được sinh ra cùng cha mẹ nhưng mỗi người sẽ có quan điểm và tính cách không hoàn toàn giống nhau. Do đó, sẽ không tránh được thời điểm chính bạn và anh chị em của mình có xung đột với nhau.

Dưới đây là những cách giúp bạn duy trì tốt mối quan hệ với anh chị em trong nhà.

Suy nghĩ kỹ trước khi nói

Trong giao tiếp giữa anh chị em, việc cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói là vô cùng cần thiết. Việc suy nghĩ trước sẽ không chỉ giúp bạn tránh khỏi khả năng dẫn cuộc nói chuyện trở thành cãi vã, mà còn khiến bạn kiểm soát được từ ngữ mình chuẩn bị nói ra.

Nếu bạn nói mà không suy nghĩ, dùng những từ nghĩ gây xúc phạm hay làm tổn thương anh chị em mình, họ sẽ chẳng bao giờ có thể quên chúng đâu.

Khi bạn bắt đầu cảm thấy bực tức, hãy đếm từ 1 đến 10. Nếu bạn chưa thể bình tĩnh, hãy lịch sự, xin phép rời khỏi phòng.

Nếu bạn chưa sẵn sàng nói chuyện, hãy đợi đến khi bạn sẵn sàng. Hãy chọn đúng thời điểm, đúng vào những lúc mà cả hai cảm thấy thoải mái và hoàn toàn bình tĩnh, nhiều khi bạn sẽ vô tình mang những cơn bực bội ngoài cuộc sống vào trong cuộc nói chuyện với người khác, và điều đó chẳng hề tốt đẹp tẹo nào.

Biết nói lời xin lỗi

Dẫu biết rằng lời xin lỗi không phải dễ nói ra bởi chúng ta ai cũng có cái tôi của bản thân. Bạn có thể rèn luyện bằng cách cố gắng xin lỗi từ những xích mích nho nhỏ, thành lập thói quen và tư tưởng cho bản thân: luôn là người “lớn hơn”, biết và nhận lỗi để cả hai cùng sửa sai.

Hãy xin lỗi một cách chân thành. Nếu bạn xin lỗi gượng ép một cách hời hợt thì chỉ khiến tình huống trở nên tồi tệ hơn.

anh-em-trong-nha-dung-vi-tranh-chap-nho-ma-ton-thuong-tinh-than-2

An ủi khi họ cần

Trong mối quan hệ với anh chị em, những lời khuyên khi cần chính là cách chia sẻ tốt nhất. Ở bất kỳ độ tuổi nào, chúng ta có thể đều cần đến lời khuyên từ họ, và ngược lại.

Bạn nên lưu ý, đừng khuyên nhủ, an ủi vào những thời điểm không phù hợp. Hãy xem họ có cần sự chia sẻ của mình không đã, đừng vội vàng áp đặt suy nghĩ của mình lên họ. Chỉ cần cho họ biết, bạn vẫn luôn ở đây, sẵn sàng lắng nghe và trao đổi với họ. Nếu họ cảm thấy không thoải mái thì bạn hãy tôn trọng cảm xúc của họ.

Làm điều họ thích

Dù bạn không thích làm một việc gì đó nhưng nếu anh chị em của bạn thích làm thì hãy cố gắng dành một phần nhỏ thời gian để làm những điều họ thích. Họ sẽ vô cùng trân trọng sự cố gắng và thời gian vui vẻ ở bên cạnh bạn, cũng như rất hạnh phúc khi bạn có thể hiểu được thêm một phần về con người của họ.

Duy trì truyền thống gia đình

Việc duy trì truyền thống trong gia đình có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối các thành viên với nhau. Có thể cả gia đình cùng đi du lịch mỗi cuối tuần, hoặc mỗi tháng một lần. Đó là thời gian rời xa công việc để dành thời gian cho người thân yêu.

Anh chị em trong nhà có thể cùng nhau sống lại những khoảnh khắc vui vẻ khi cùng xem album ảnh của gia đình. Điều này giúp mỗi người nhớ lại những khoảnh khắc cùng nhau lớn lên, thân thiết với nhau để có động lực tiếp tục duy trì điều đó.

Loan Nguyễn

Bài viết liên quan

Phản hồi