Ý NGHĨA VU LAN- BÁO HIẾU

Ý NGHĨA VU LAN BÁO HIẾU

A.Dẫn nhập

Khi ai đó nhắc về Vu Lan chúng ta lại bồi hồi nhớ về cha mẹ, người đã khuất, Người đang còn. Trong tim mỗi người thì hình bóng cha mẹ luôn là hình ảnh cao đẹp nhất. Mẹ cha là quê hương, là bóng mát, là hi sinh, là chở che, mẹ cha là tất cả, suốt cuộc đời chỉ sống vì con. Những tháng ngày mang nặng đẻ đau, trải qua biết bao nhọc nhằn vất vả chưa một lần kể than. Mẹ – Người phụ nữ mạnh mẽ nhất của cuộc đời con, phong ba bão táp ngoài kia sao có thể làm Người gục ngã. Cha – Người đàn ông nghiêm nghị nhưng chứa đầy sự ấm áp, người có thể làm tất cả mọi thứ chỉ mong cho con có được cuộc sống ấm êm và nụ cười hạnh phúc.

Hạnh phúc cho những ai đang còn cha còn mẹ, còn được cài lên ngực áo mình hoa hồng đỏ thắm. Mỗi chúng ta hãy làm tròn bổn phận chữ hiếu của đạo làm con, để mai kia cha mẹ đi rồi cũng không phải hối tiếc muộn màng.

B.Nội dung

1.Ý nghĩa Vu lan bồn

Vu Lan Bồn, phiên âm từ chữ Phạn là Uilambana (Hành sự). Còn gọi là Ô lam bà noa. Dịch là Đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực. Trong quyển Huyền Ứng Âm Nghĩa 13 có giải thích như sau: “Vu lan bồn, là nói sai. Nói đúng là Ô lam bà noa, dịch là Đảo huyền”.

Theo phép nước Tây Trúc vào ngày Tự Tứ của chư Tăng, người ta mua sắm thực phẩm, đặt cỗ bàn linh đình, dâng cúng Phật Tăng để cứu cái khổ treo ngược (đảo huyền) của người đã mất. Xưa nói là một cái chậu đựng thức ăn, đó là nói sai”.

Vu Lan Bồn Kinh Sớ Tông Mật nói: “Vu Lan là từ ngữ của Tây Vực, nghĩa là Đảo huyền, bồn là âm của Đông Hạ vẫn là đồ dùng cứu chữa. Nếu theo cách nói của địa phương thì phải nói là cứu đảo huyền bồn.”

Trong quyển Vu Lan Bồn Tâm Ký quyển thượng của Nguyên Chiếu bác lại: “Theo Ứng Pháp Sư Kinh Âm Nghĩa thì: Tiếng Phạm Ô lam bà noa dịch là đảo huyền, nay xét Ô Lan tức là Vu Lan, Bà noa là cái chậu. Như vậy 3 chữ đều là tiếng Phạn. Nhưng âm thì có sự xê xích sai lầm.” Đó là ý nghĩa của 3 chữ Vu lan bồn.

Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.

2.Khái quát kinh Vu Lan

a.Nguyên nhân đức Phật thuyết Kinh

Tôn giả Mục Kiền Liên là đại đệ tử của Thế Tôn, với lòng hiếu thảo mong muốn giúp đỡ mẹ mình đã lâu, nay nhân dịp Ngài chứng đắc sáu phép thần thông, liền muốn dùng những thần thông ấy tìm xem người mẹ quá cố của mình hiện thời đang ở đâu, để cứu giúp, báo đáp ân đức sinh thành.

Ngài dùng Thiên nhãn thông để nhìn suốt khắp sáu cõi, thì biết rằng mẹ mình đang ở cõi ngạ quỹ, bị bỏ đói chỉ còn trơ da xương, khốn khổ vô cùng. Thấy vậy, Ngài liền mang cơm đến cho mẹ ăn. Được cơm, vì tâm bỏn sẻn mẹ Ngài vội lấy tay trái che dấu không cho ai thấy, tay phải bốc cơm mà ăn. Nhưng thương thay, nắm cơm vừa tới miệng liền biến thành cục lửa than cháy bỏng, nên không thể nào ăn được, cứ như thế tái diễn mãi, tình cảnh rất thương tâm.

Ngài Mục Kiền Liên chứng kiến không thể nào cứu giúp mẹ, rất bi ai, liền trở về bạch với Đức Phật sự việc như thế để nhờ Thế Tôn giúp đỡ.

b.Phật dạy pháp Vu lan bồn

Thế Tôn giải thích cho ngài Mục Kiền Liên rỏ, vì căn tánh tham sân si của mẹ Ngài quá sâu dày, bất thiện nghiệp quá nặng nề, nên phải thọ quả báo tương ứng. Thế nên không phải chỉ riêng một mình Ngài Mục Kiền Liên không cứu được mẹ mình, mà thậm chí các vị đạo sỹ, các vị thiên thần, địa thần, quỹ thần, cho đến Tứ Thiên Vương cũng không thể làm gì được. Chỉ có biện pháp duy nhất là phải nhờ uy lực của chư Tăng trong mười phương (Thập phương Tăng) mới cứu đặng mẹ ngài Mục kiền Liên cùng những người khổ nạn khác được thoát khỏi khổ cảnh (siêu thoát).

Nhân ngày Tự tứ vào ngày Rằm tháng 7, các hiền thánh Tăng là các vị tỷ- kheo đang tu thiền định nơi rừng núi, đến các vị đã chứng đắc bốn đạo quả, hay là các vị tỷ kheo thuộc hàng Thanh văn, Duyên Giác đủ sáu phép thần thông giáo hóa tự tại, hay là các Bồ tát Đại sĩ thuộc hàng Thập địa đang hiện thế phương tiện tỷ-kheo, tất cả đều quy tụ trong Tăng chúng đồng đẳng nhất tâm tập hợp về cùng một trú xứ để thọ lễ Tự tứ. Vì tất cả các vị tỷ-kheo tụ hợp về thọ lễ Tự tứ đều là những người có đầy đủ giới hạnh trang nghiêm, có chánh định thù thắng, có chánh trí tuệ thù thắng nên tạo thành giới pháp đạo đức sâu rộng mênh mông, có oai lực cảm ứng, có thần lực hộ trì chiêu cảm, có hiệu lực tác động thật là vô cùng linh ứng, quảng đại, vô biên.

Đức Phật dạy tiếp, ngày rằm tháng bảy là ngày chúng Tăng Tự tứ. Chúng Phật tử, mỗi người hãy vì cha mẹ hiện tại và trong bảy đời quá khứ, cùng những người đang ở trong vòng khổ nạn mà chuẩn bị các loại đồ ăn thức uống, quả củ, trái cây đủ loại hương vị, ngon bổ, thượng vị, chay tịnh; các loại nhang đèn, hương hoa thanh tịnh mà dâng cúng dường các vị Hiền thánh Tăng. Khi thực hiện các điều trên với lòng thành kính thì cha mẹ và bà con trong đời này, nếu đã quá vãng thì được thoát khổ trong ba đường (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) không còn cảnh đói khổ; nếu cha mẹ đang còn sống thì được hưởng phước lạc sống lâu; đến như cha mẹ trong bảy đời sẽ được tái sinh nơi Thiên giới Tha hóa tự tại. Các món cúng dường chay tịnh được đặt trước bàn thờ Phật tại tư gia hay trong các ngôi chùa, tháp. Trước khi thọ trai các vị Thập phương Tăng chúng dùng định lực chú nguyện cho trai chủ, chú nguyện cho đến cha mẹ bảy đời của trai chủ với năng lực hộ trì từ oai lực vô biên của giới định tuệ sâu thẳm.

Sau khi Ngài Mục Kiền Liên thực hiện lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn tức thời tiếng rên la bi thảm của mẹ Ngài không còn nữa và trong ngày ấy bà được thoát khỏi cảnh khổ trong kiếp ngạ quỷ sanh về cõi trời.

c.Ý nghĩa Kinh Vu Lan

Tuy bản kinh ngắn nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Từng câu từng chữ thể hiện ở trong kinh này đều toát lên những ý nghĩa cực kỳ vi diệu và có sự thâm sâu. Bản kinh này có thể dùng để tụng đọc mỗi ngày giúp hồi hướng công đức cho các cha mẹ ở hiện tiền. Đồng thời qua đây còn thể hiện được truyền thống đạo hiếu cho con cháu.

Kinh Vu lan có ý nghĩa rất thiết thực, đáp ứng lòng từ bi, hiếu thảo của mọi người mong muốn đền ơn, đáp nghĩa đấng sinh thành, cứu giúp cha mẹ, người đã không quản vất vả, khổ cực nuôi nấng chúng ta nên người mà không ngại làm những nghiệp bất thiện chỉ mong con cái đủ đầy.

3.Ý nghĩa Báo hiếu theo quan niệm đạo Phật.

Sự báo hiếu không chỉ nhắm vào một lễ Vu Lan, không phải mỗi năm chỉ tổ chức một lễ Vu Lan là đã tự cho mình là người con chí hiếu vì đã làm đầy đủ hiếu đạo.

Như chúng ta đều biết, công ơn cha mẹ rộng như trời bể, làm con suốt đời báo ơn cha mẹ vẫn chưa vừa. Nhưng trong lúc báo hiếu, phải có quan niệm sáng suốt, đúng đắn mới thật có lợi ích và hiệu quả. Báo hiếu có nhiều cách, nhưng không ngoài hai phương diện: vật chất và tinh thần.

Báo hiếu về vật chất: Người Phật tử phải hầu hạ vâng thờ, thay làm các việc nhọc, săn sóc miếng ăn thức uống, áo quần, chiếu giường, chỗ nghỉ ngơi, không để cho cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ.

Song người Phật tử phải sáng suốt trong khi báo hiếu, không nên quá chiều theo ý muốn của cha mẹ mà tạo những nghiệp dữ, như sát nhân, hại vật, gây tội lỗi để làm cho cha mẹ sung sướng trong vật chất. Làm như thế không phải là báo hiếu mà chính là bất hiếu, vì đã gây tạo tội lỗi thêm cho cha mẹ và cho mình.

Nhưng suy cho cùng báo hiếu về vật chất, dù đầy đủ cho mấy đi nữa, cũng chẳng qua làm việc cho cha mẹ được vui vẻ thỏa mãn trong một kiếp hiện tại mà thôi. Cái vui vật chất là vui giả tạm, vui trong vòng sinh tử luân hồi. Vậy sự báo hiếu về vật chất chưa phải là đầy đủ.

Báo hiếu về tinh thần: Người Phật tử phải tiến lên một tầng nữa, là lo báo hiếu về tinh thần. Báo hiếu về tinh thần là làm sao cho tinh thần của cha mẹ được nhẹ nhàng, cao thượng và đi dần đến chỗ giải thoát.

Phật tử phải khuyên cha mẹ tin vào nhân quả tội phước và quy y Tam bảo, bố thí phóng sinh, niệm Phật, làm các việc lành, giữ giới và tu nhân giải thoát. Có như thế, thì không những trong hiện tại cha mẹ được yên vui, thanh tịnh mà đời sau cũng được nhiều phước báu, và tái sinh trong cảnh giới lành.

C.Kết luận

Đạo Hiếu vốn là truyền thống quý báu, tốt đẹp của mỗi dân tộc, tinh thần ấy được giữ gìn, bảo tồn, phát huy qua bao thế hệ trở nên bất biến. Đạo Hiếu bắt nguồn từ tấm lòng tri ân, sự bày tỏ, đền đáp công lao dưỡng dục của người con với cha mẹ.

Đạo Phật không chỉ đề cập đến lòng hiếu thảo trong phạm vi giữa con cái với cha mẹ mà còn nói về sự tri ân và báo ân vượt qua cánh cửa gia đình, tổ quốc, rộng đến là chúng sinh. Trong đó, đạo Hiếu Phật giáo ở Việt Nam thể hiện trọn vẹn cả hai phương diện hiếu dưỡng vật chất và hiếu dưỡng tinh thần.

Chữ Hiếu là bài học đầu tiên của đạo làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội do đó luôn được tôn vinh và ca ngợi qua mọi thời đại. Đạo Hiếu cũng chính là yếu tố định hình cho đời sống luân lý đạo đức, mang lại bình an, hạnh phúc, góp phần ổn định trật tự xã hội bởi vậy cần được các thế hệ gìn giữ và phát huy, nhất là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Thích Thiền Như

Bài viết liên quan

Phản hồi