Ý nghĩa của lễ cúng thí thực
Cùng một nghi lễ cúng vào tháng 7 âm lịch nhưng dân gian gọi là cúng cô hồn còn nhà Phật gọi là cúng thí thực. Trong kinh điển Phật giáo không có tháng nào là tháng cô hồn và cũng không có lễ nào gọi là có lễ cúng cô hồn.
Theo quan điểm của đạo Phật thì trong kinh Vu Lan có nhắc đến câu chuyện tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ bị đọa ở địa ngục. Theo sự tích đó, rằm tháng 7 các phật tử thường cúng dường chư tăng, tụng kinh, niệm Phật và làm nhiều việc thiện lành khác để hồi hướng cho gia tiên, dòng tộc, các oan gia trái chủ chủ yếu là về người âm để cầu nguyện cho âm siêu dương thới.
Đồng thời nhiều người cũng có lễ cúng cô hồn, tức là cúng cho các vong linh lang thang, cô độc, đau khổ còn nhiều bám chấp chưa siêu thoát được. Phật giáo dạy con người yêu thương muôn vật, muôn loài và những người đã mất không được thờ tự lang thang. Nói chung những linh hồn đau khổ cần được quan tâm giúp đỡ thường được dân gian gọi là “cô hồn”. Tuy nhiên có khi là người thân họ hàng, trong dòng tộc lúc còn sống nghiệp nặng, làm ác và khi mất còn nhiều chấp niệm, tham luyến chưa siêu thoát được thì cũng có thể trở thành “cô hồn”.
Trong kinh Phật có nhắc đến chuyện Đức Phật từng cứu loài ngạ quỷ và truyền dạy chú biến thực để giúp người trì tụng chân ngôn có thể bố thí cho vô số loài ngạ quỷ được no đủ. Khi thực hành bố thí theo pháp này thì vô số ngạ quỷ sẽ thấy nhiều món ăn, thức uống và họ nhận bằng xúc thực nên sau lễ cúng thì thực phẩm vẫn có thể sử dụng được. Trong lễ cúng thí thực thường có việc tụng các chân ngôn như diệt định nghiệp, biến thực, biến thủy chân ngôn và kết thúc bằng Bát nhã Tâm Kinh và hồi hướng như thường lệ.
Việc cúng thí thực cho cô hồn thực hiện theo tinh thần từ bi của nhà Phật và dung hòa với tín ngưỡng trong dân gian, sức mạnh của chân ngôn cộng hưởng với định lực, đức hạnh của hành giả tác động vào thần thức của vong linh giúp cho họ được siêu thoát. Không chỉ được ăn no mà họ còn được tuyên dương về Phật pháp nên có thể thoát khỏi khổ não. Nghi thức cúng thí thực cũng là thực hành hạnh bố thí. Khi đó người cúng thí nương vào oai thần của chư Phật, Bồ Tát và thần lực của chân ngôn, nguyện lực của bản thân vào thức ăn, nước uống để biết ít thành nhiều khiến cho nhiều vong linh đều được nhận bố thí. Người thực hiện cúng thí thực cần thành tâm, hoan hỉ và cũng có nhiều người chia sẻ kinh nghiệm là nên làm lễ lúc bạn hơi đói để dễ hơn trong việc nghĩ tưởng về thực phẩm đang cúng thì việc cúng thí thực mới thành tựu hơn.
Nghi thức cúng thí thực làm nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, những việc được xem là không nên khi mà cúng xong đổ thức ăn ra đất gây lãng phí. Sau lễ cúng thì bạn vẫn dùng thức ăn đó như thường. Trong trường hợp nếu bạn không dùng hết thì có thể đem cho người khác chứ không nên bỏ đi. Các vong linh thọ nhận thức ăn bằng hương vị, bằng tưởng nên thực tế không ảnh hưởng gì đến đồ ăn đã cúng. Lễ cúng thí thực nếu có điều kiện thì có thể một năm một lần. Nếu không chắc chắn bạn có thể làm thường xuyên hàng tháng thì chỉ cần mỗi năm một lần cũng đáng quý bởi ông bà ta hay nói “Thờ phượng thì dễ, giữ lễ mới khó”.
Cúng thí thực là một hoạt động tâm linh vừa mang tinh thần Phật giáo vừa mang hơi thở dân gian. Điều này cho thấy đạo Phật có sự hòa hợp với văn hóa tín ngưỡng của mỗi quốc gia, dân tộc và làm cho phong phú đời sống văn hóa tâm linh ở nơi đó. Bạn cần hiểu đúng ý nghĩa của lễ này để có thể không sa đà vào cúng bái, mê tín. Nếu bạn là Phật tử tại gia và muốn cúng thí thực thì có thể làm như sau. Bạn chuẩn bị mâm cúng đơn giản với nước uống các loại thực phẩm để ăn có thể là những món cơm, canh chay, bánh kẹo, xôi chè… tùy điều kiện cùng với hoa, trái cây, đèn nến. Bạn có thể soạn mâm cúng ngoài trời và khấn nguyện như sau.
“Kính lạy chư Phật mười phương,
Kính lạy các vị Long Thiên Long thần hộ Pháp
Kính lạy các vị thiên thần ngự tại đất này.
“Hôm nay con… ở… xin được làm lễ cũng thí thực cho các vong linh đang còn lang thang và chịu nhiều đau khổ. Xin các Ngài chứng giám cho lòng thành của con. Tôi xin mời quý vị là các vong linh xung quanh khu vực này những vong linh hữu duyên với tôi cùng đến nơi này để nhận lòng thành của tôi gửi đến quý vị. Tôi xin cầu nguyện cho quý vị được thoát khỏi những vướng mắc đau khổ chốn trần gian và sớm siêu thoát đến với cõi lành. Mong cho quý vị được bình an và đi tiếp hành trình tiến hóa tâm linh của mình. Tôi cũng xin cầu nguyện cho muôn vật, muôn loài yêu thương tôn trọng lẫn nhau, không loài nào oan trái loài nào. Xin cầu nguyện cho gia đình và cộng đồng xung quanh, đất nước đều được bình an, hạnh phúc, ấm no. Cầu nguyện cho những ai biết đến chánh pháp đều tinh tấn tu tập để tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng bồ đề tâm.
Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng
Chân ngôn biến thực: ( biến thức ăn cho nhiều)
Nam mô tát phạ đát tha, nga đà phạ lô chỉ đế, án tám bạt ra , tam bạt ra hồng ( 7 lần)
Chân ngôn Cam lồ thủy: ( biến nước uống cho nhiều)
Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. án tô rô, tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha.( 7 lần )
Chân ngôn cúng dường:
Án nga nga nẵng tam bà phạt phiệt nhựt ra hồng (7 lần)”.
Lưu ý: mâm cúng thí thực là lòng thành nên tùy điều kiện, tùy tâm miễn là chay tịnh, thanh sạch. Các thực phẩm nên là thức ăn đã nấu thành món, đã là thực phẩm sử dụng được chứ không nên là nguyên liệu như muối, gạo bởi các vong linh ăn bằng xúc thực nên cúng thành phẩm thiết thực hơn. Các đồ vật như mía, đường thực ra là xưa bày nay làm và không cần thiết nên bạn không máy móc phải làm theo. Tuyệt đối bạn không rải đồ ăn ra ngoài đất sau lễ cúng. Lễ cúng nên thực hiện ngoài trời và giờ nào thuận tiện là được. Nếu một năm cũng một lần thì nên lựa chọn vào dịp rằm 14, 15 hoặc 16 tháng 7 âm lịch đều được.
Diệu Tâm
Phản hồi