Xuân biết ơn
Đầu xuân làm khởi đầu là dịp để người con, người cháu, người học trò có thể trở về nguồn cội sum họp vui vầy, dâng món quà ý nghĩa tự tay làm, dâng lời chúc tụng, bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, bậc thầy khả kính.
Giao thừa, là đêm giao thoa giữa tiết trời tháng Chạp năm cũ và bước sang ngày đầu năm mới tháng Giêng âm lịch. Ai nấy đều tất bật ngược xuôi chuẩn bị cho một tân niên viên mãn, thường lo tổng kết các hoạt động cuối năm xem việc nào đã được thành tựu, việc nào chưa làm tốt.
Nhưng có lẽ ở góc nào đó trong tâm hồn, quan trọng mỗi người không quên suy nghĩ những điều mình có được vốn từ đâu, một điều đơn giản mà trong cuộc sống chúng ta đừng vô tình đánh rơi hay bỏ lỡ, đó chính là lòng biết ơn. Biết ơn không chỉ gói gọn đối với những gì mình sở hữu về nhà cửa, đất đai, địa vị, danh vọng, sắc đẹp, tiền tài… mà sâu sắc hơn là nhớ về nguồn, “cây có cội, nước có nguồn”.
Phàm làm người ai cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy tổ…, là những người đã để lại kho tàng tri thức và phước đức cho chúng ta. Mỗi khi thắp nén hương là lúc để tâm thành cầu nguyện thiết tha vọng hướng về ơn ấy.
Chẳng phải đợi đến mùa xuân mới biết ơn và báo ơn, mà lấy đầu xuân làm khởi đầu là dịp để người con, người cháu, người học trò có thể trở về nguồn cội sum họp vui vầy, dâng món quà ý nghĩa tự tay làm, dâng lời chúc tụng, bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, bậc thầy khả kính.
Ơn ông bà, cha mẹ
Ông bà là thế hệ trước, cha mẹ là người sinh ra mình. Khi còn nhỏ, cha mẹ chính là điểm tựa vững chắc cho đời con. Có những đêm trời nóng bức, mẹ ngồi dùng quạt tay cho con được giấc ngủ bình yên… Đến khi lớn lên một chút và xuất gia tu học, những ký ức ấy không bao giờ quên. Dẫu biết tình mẫu tử vô bờ bến vẫn cảm thấy có lỗi vì lúc đó mình quá dại khờ, bất hiếu. Tuy nhiên, lỗi lầm ngày xưa giúp con hôm nay trưởng thành hơn trong từng ý nghĩ, hành động biết sống vì tha nhân, tránh gây ảnh hưởng phiền hà với ai.
Chính tuổi thơ năm nào đã cho con khi là đầu tròn áo vuông biết tự lực chăm lo đời sống tu tập mà trong Phật giáo gọi là: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” [1], tự mình nương giáo pháp, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống thường nhật trở nên hoàn thiện. Đức Phật là bậc thầy chỉ đường, chúng ta tự mình đi theo lộ trình đó sẽ tới đích vinh quang giác ngộ.
Nói như thế, lòng biết ơn có khi là lời hối lỗi muộn, nhưng có lẽ để chúng ta mãi khắc ghi công ơn dù là nhỏ hay lớn, ơn sâu nặng của hai đấng sanh thành như đại thí chủ cho chúng ta có mặt trên cuộc đời.
Ơn Thầy tổ
Thầy là người hy sinh thầm lặng, bao dung chở che. Khi con học phổ thông, mỗi ngày thầy đều nấu cơm để con no dạ yên tâm học hành kịp cùng chúng bạn. Vào dịp nghỉ hè, thầy không cho phép vui chơi lãng phí, mà chia thời khóa tụng kinh, học luật và công quả dày đặt, không phút lãng xao theo trần cảnh.
Một thời hành điệu trôi qua thật nhanh, đọng lại trong tim với lòng biết ơn sâu sắc nhờ Thầy nghiêm khắc giáo hóa, để hiện tại con thành người của Phật giáo được thọ giới pháp, học các trường Phật học. Thời gian xa Thầy và chùa quê, xa vòng tay bảo hộ nhắc nhở của Thầy vào TP. Hồ Chí Minh học, nhưng tâm tư luôn hướng về người, tạc dạ sống lý tưởng đúng chánh pháp, tinh tấn tu học. Ngõ hầu khi về chùa quê hương, phụng sự Phật pháp và nhân sinh ngày một lan tỏa.
Qua lòng biết ơn, nhận thấy cha mẹ là người chúng ta mang ơn nặng dù suốt cả cuộc đời không sao đền trả hết, ơn Thầy cho giới thân huệ mạng, dìu dắt trên con đường hướng thiện tìm về biển giác ngộ giải thoát. Ơn ấy vô biên cao vời, không bút mực nào tả khắp, không ngôn ngữ nào có thể đong đầy.
Xuân về, kính nguyện mười phương chư Phật gia hộ cho Thầy trường thọ sức khỏe an khang, thân tâm an lạc, phụng đạo giúp đời, làm con thuyền thanh lương chuyên chở đệ tử xuất gia, tại gia đến bến an vui hạnh phúc. Đồng thời nguyện cầu oai linh Tam bảo phổ độ cha mẹ bình an, sống an lành trong ánh hào quang chiếu diệu của Phật đạo.
Nguồn: phatgiao.org.vn
Phản hồi