Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – 35 năm một chặng đường
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN) trong suốt 35 năm hình thành và phát triển (1989-2024) đã không ngừng nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa tri thức Phật giáo Việt Nam. Với sứ mệnh tiên phong trong công tác nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản các bộ kinh điển quan trọng, VNCPHVN đã đóng góp lớn vào sự phát triển tri thức Phật giáo không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.
Trải qua các nhiệm kỳ, với sự lãnh đạo sáng suốt của ba đời Viện trưởng, VNCPHVN đã xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới. Báo cáo 35 năm hoạt động của Viện sau đây là minh chứng rõ nét cho những thành tựu vượt bậc mà Viện đã đạt được, từ việc tổ chức các hội thảo khoa học, xuất bản kinh sách, đến việc mở rộng hợp tác quốc tế và đào tạo thế hệ kế thừa.
1. Cơ sở pháp lý và thành lập Viện
VNCPHVN được thành lập dựa trên 4 quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong giai đoạn từ năm 1989 đến 1993. Quyết định thành lập chính thức số 38/QĐ-UB do UBNDTP.HCM ban hành ngày 01/2/1989, công nhận Viện là tổ chức trực thuộc GHPGVN, tự chịu trách nhiệm về tài chính và có sứ mệnh nghiên cứu, dịch thuật và xuất bản các kinh sách Phật giáo.
2. Tổ chức và cơ cấu của Viện
VNCPHVN bao gồm Hội đồng Quản trị, 2 phân viện chính: (a) Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ở Hà Nội, (b) Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, và 10 trung tâm chuyên môn, bao gồm: (1) Trung tâm Pāli học, (2) Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, (3) Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh, (4) Trung tâm Nghiên cứu và Phiên dịch Phật học, (5) Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, (6) Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Nam truyền, (7) Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, (8) Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Khất sĩ, (9) Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, (10) Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo. Mỗi trung tâm đều đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các dự án lớn, đặc biệt là Ban Biên tập và Ấn hành Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là Ban đóng vai trò quan trọng trong việc dịch thuật, biên tập và ấn hành Tam tạng PGVN.
3. Ba đời Viện trưởng và tầm nhìn lãnh đạo: VNCPHVN đã trải qua 3 đời Viện trưởng, mỗi vị đều có những đóng góp to lớn trong sự phát triển của Viện:
• HT. Thích Minh Châu (1989-2007): Là vị Viện trưởng sáng lập, Hòa thượng đã đặt nền móng vững chắc cho Viện với tầm nhìn xa trông rộng về nghiên cứu và giáo dục Phật học. Ngài là người tiên phong trong việc dịch thuật Tam tạng kinh điển, đưa Phật giáo Việt Nam hội nhập với Phật giáo thế giới
• HT. Thích Trí Quảng (2009-2017): Dưới sự dẫn dắt của Ngài, Viện đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu quan trọng, đặc biệt tiếp tục thực hiện dự án Đại tạng Kinh Việt Nam. Hòa thượng đã không ngừng đổi mới phương pháp nghiên cứu, khẳng định vai trò của Viện trên trường quốc tế.
• HT. Thích Giác Toàn (2017-nay): Tiếp tục phát triển dự án Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, thành lập thêm một số trung tâm, mở rộng các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tổ chức nhiều hội thảo khoa học lớn, đóng góp tích cực cho Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
4. Các vị tiền bối hữu công
Trong giai đoạn đầu đầy khó khăn, những vị tiền bối hữu công đã không ngại gian khổ, một lòng phụng sự Đạo pháp và đóng góp to lớn cho nền học thuật Phật giáo Việt Nam. Những tên tuổi nổi bật như Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Thích Thiện Châu, Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Giác Toàn, cùng với các cư sĩ trí thức như Võ Đình Cường, Minh Chi, Nguyên Tâm – Trần Phương Lan, Đức Phương và Giáo sư Mạc Đường, đều là những người đã đặt nền móng vững chắc cho Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Vai trò của các ngài không chỉ dừng lại ở việc thành lập viện, mà còn thúc đẩy phát triển học thuật Phật giáo ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các ngài đã giúp Viện Nghiên cứu Phật học trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu, đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử có trình độ học thuật cao. Trong số những vị tiền bối này, hiện nay chỉ còn lại Hòa thượng Thích Giác Toàn, đương kim Viện trưởng, và cư sĩ Trần Tuấn Mẫn, người đã nghỉ hưu vì tuổi cao.
5. Dự án Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam
Dự án dịch thuật và xuất bản Đại tạng Kinh Việt Nam, từ năm 2017 đổi tên là Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là một trong những công trình trọng điểm và có ý nghĩa lịch sử lớn của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN). Bắt đầu từ năm 1997, dự án này nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển toàn diện di sản Phật giáo Việt Nam thông qua việc dịch thuật, biên tập và xuất bản các bộ kinh điển quan trọng. Tam tạng Thánh điển bao gồm ba nhánh chính: Tam tạng Pali, Tam tạng Phật giáo Bộ phái, và Tam tạng Phật giáo Đại thừa, cùng với các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam. Đây là một công trình nghiên cứu đồ sộ, đóng góp quan trọng vào việc phát triển giáo dục Phật học và bảo tồn văn hóa tâm linh của đất nước.
Tính đến tháng 10 năm 2024, VNCPHVN đã hoàn thành việc xuất bản 21 tập kinh điển thuộc dự án này, bao gồm các bản dịch chính thức từ các văn bản cổ sang tiếng Việt, với mục tiêu phổ cập những giáo lý cốt lõi đến đông đảo Phật tử và học giả trong nước. Đặc biệt, dự kiến đến cuối năm 2024, dự án sẽ tiếp tục hoàn thành 3 tập kinh điển nữa, nâng tổng số tập lên 24, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn tất dự án Dự án không chỉ mang giá trị lớn về mặt tôn giáo và học thuật mà còn là biểu tượng của nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn, phát triển và truyền bá văn hóa Phật giáo. Việc xuất bản Tam tạng Thánh điển giúp củng cố vai trò của VNCPHVN như một cơ quan nghiên cứu hàng đầu, khẳng định vị trí tiên phong trong việc bảo tồn các di sản tinh thần quý báu của Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, nó cũng góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế, thông qua việc phát triển những chuẩn mực nghiên cứu học thuật và dịch thuật tiêu chuẩn cao.
6. Các hội thảo khoa học tiêu biểu
VNCPHVN đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế quan trọng, trong đó có nhiều hội thảo quốc tế và hội thảo quốc gia, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, nghiên cứu và phát triển Phật học. Các hội thảo này đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, Tăng Ni và Phật tử, tạo cơ hội để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về các lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo.
6.1. Hội thảo quốc tế
-Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc(2014) nhân Đại lễ Vesak 2014, do VNCPHVN tổ chức tại Bái Đính – Ninh Bình, ngày 08-11/05/2014.
-Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và phát triển (2015): Diễn ra vào ngày 13-14/11/2015, hội thảo được tổ chức bởi VNCPHVN và Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM. Nội dung chính tập trung vào việc tìm hiểu lịch sử và sự phát triển của Phật giáo trong khu vực Mekong.
-Mối giao hòa giữa Phật giáo và Văn hóa ở Đông Nam Á (2017):
Hội thảo được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang ngày 11/07/2017, thảo luận về mối quan hệ giữa Phật giáo và các nền văn hóa Đông Nam Á trong quá trình phát triển của Phật giáo.
-Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức vào ngày ngày 16-17/07/2006 làm lễ trồng cây Bồ đề tại Khu đất “Đại học Phật giáo” thuộc khu vực Láng Le, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
6.2. Hội thảo quốc gia
Trong suốt 35 năm hội nhập với các nền văn hóa Phật giáo trong khu vực và thế giới, VNCPHVN đã tự tổ chức và kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo và các Trường Đại học tại TP.HCM hoặc Hà Nội, tổ chức hàng trăm hội thảo. Sau đây là một số hội thảo tiêu biểu:
-Ðạo đức Phật giáo trong thời hiện đại (1993) do VNCPHVN tổ chức, nhằm khẳng định giá trị cốt lõi của Phật giáo đối với nhân sinh và những giải pháp đạo đức mà Phật giáo có thể đóng góp cho xã hội Việt Nam.
-Nhìn lại 50 năm (1963-2013) Phong trào Phật giáo miền Nam (2013): Hội thảo được tổ chức vào ngày 11/6/2013 tại Bình Dương, do VNCPHVN và Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM đồng tổ chức, nhằm ôn lại phong trào Phật giáo trong lịch sử hiện đại.
-Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành phát triển và hội nhập (2013): Hội thảo diễn ra vào ngày 25/2/2013 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, được tổ chức bởi VNCPHVN và Viện Nghiên cứu Tôn giáo, tập trung vào lịch sử và vai trò của hệ phái Khất sĩ trong Phật giáo Việt Nam.
-Nhìn lại 50 năm Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 (2013), dọ VNCPHVN, HVPGVN tại TP.HCM và Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM đồng tổ chức tại Bình Dương, 11-6-2013.
-Phật giáo Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại (2014):
Diễn ra vào ngày 18/1/2014, hội thảo này được đồng tổ chức bởi VNCPHVN và Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, bàn về sự phát triển của Phật giáo Nguyên thủy từ thời kỳ cổ đại đến hiện đại.
-Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc (2014):
Hội thảo được tổ chức ngày 11/06/2014 tại Kiên Giang, do VNCPHVN và Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp tổ chức, tập trung vào vai trò của Phật giáo Nam Tông Khmer trong lịch sử và văn hóa Việt Nam.
-Giáo hội Phật giáo Việt Nam – 35 năm hình thành và phát triển (2016): Hội thảo diễn ra ngày 02/11/2016 tại TP.HCM, với mục tiêu ôn lại chặng đường phát triển của GHPGVN và vai trò của tổ chức này trong xã hội hiện đại.
-Giáo dục Phật giáo: Truyền thống và hiện đại (2016): Hội thảo được tổ chức vào ngày 06/11/2016 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, nhằm thảo luận về những thách thức và cơ hội trong việc phát triển giáo dục Phật giáo.
-Văn học Phật giáo Việt Nam – thành tựu và định hướng nghiên cứu (2016): Hội thảo được tổ chức vào ngày 30/12/2016 tại Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương, với sự tham gia của nhiều học giả nhằm bàn luận về các thành tựu và định hướng nghiên cứu văn học Phật giáo.
-Ni trưởng Huỳnh Liên: Những đóng góp cho Đạo pháp – Dân tộc và các giá trị kế thừa (2022). Viện đã kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Hệ phái Khất sĩ tổ chức thành công hội thảo vào ngày 17/4/2022 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
-Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa và những đóng góp (2023): Viện đã kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Hệ phái Khất sĩ tổ chức thành công hội thảovào ngày 06/11/2023 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
-Bồ-tát Thích Quảng Đức và phong trào Phật giáo năm 1963 (1923). Viện đã phối hợp với Học viện PGVN tại TP.HCM và Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công vào ngày 11/6/2023 tại Cơ sở II Học viện PGVN tại TP.HCM (Xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
-Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển (2024). Viện đã kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đại học Huế và Học viện PGVN tại Huế tổ chức thành công Hội thảo khoa học ngày 31/12/2023-01/01/2024.
-Tổ sư Thiện Hoa và sự cải cách Phật giáo Việt Nam (2024). Viện kết hợp với HVPGVN tại TP.HCM và Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam tổ chức thành công hội thảo ngày 07/01/2024 ở HVPGVN tại TP.HCM cơ sở II (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
-Văn học Phật giáo 2000 năm: Vấn đề tư liệu, danh mục tác phẩm,phiên dịch và nghiên cứu (2024). Viện đã kết hợp với Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức thành công hội thảo vào ngày 12/01/2024 tại trụ sở VNCPHVN (750 Nguyễn Kiệm, P.4. Q. Phú Nhuận).
Bên cạnh các hội thảo khoa học cấp quốc gia, các Trung tâm của Viện cũng tổ chức nhiều hội thảo góp phần nghiên cứu học thuật chuyên sâu về lịch sử, triết học Phật giáo, VNCPHVN còn tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về Hán văn, Pali nhằm đào tạo thế hệ kế thừa có kiến thức nền vững chắc về dịch thuật. Các khóa học này không những đáp ứng nhu cầu học tập của Tăng Ni và Phật tử, mà còn góp phần nâng cao trình độ nghiên cứu Phật học trong cộng đồng học thuật.
Những hoạt động đào tạo và hội thảo khoa học của VNCPHVN trong suốt 35 năm qua đã góp phần nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của nghiên cứu và giáo dục trong sự phát triển bền vững của Phật giáo.
7. Hoạt động xuất bản và phát hành
VNCPHVN đã xuất bản và tái bản hơn 100 đầu sách, bao gồm cả sách in và sách điện tử trong các lĩnh vực Phật học, lịch sử và triết học. Sau đây là một số tác phẩm nổi bật của Viện và Trung tâm.
• Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền đã xuất bản 19 dịch phẩm và trước tác, như Nghiên cứu tư tưởng Như Lai tạng của HT. Thích Ấn Thuận và Thích Hạnh Bình.
• Trung tâm Nghiên cứu và Phiên dịch Phật học do Thích Nhật Từ làm Giám đốc đã xuất bản được 27 tác phẩm và dịch phẩm.
• Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo đã phát hành nhiều tác phẩm như Trần Thái Tông và Khóa Hư lục dưới góc nhìn văn học (2019).
• Trung tâm Pāli học và các trung tâm khác đã tham gia xuất bản nhiều sách về kinh điển Pāli, với tổng số sách đạt 86 quyển từ năm 2017 đến 2022.
8. Định hướng phát triển VNCPHVN
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN) hướng tới trở thành trung tâm nghiên cứu Phật học hàng đầu không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Tầm nhìn này xuất phát từ việc bảo tồn và phát huy di sản Phật giáo Việt Nam, đồng thời thúc đẩy truyền bá Phật pháp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Viện đã xây dựng kế hoạch phát triển toàn diện, chú trọng vào nghiên cứu học thuật, giáo dục đào tạo và hợp tác quốc tế.
(1) Định hướng phát triển nghiên cứu học thuật
VNCPHVN tập trung đầu tư vào nghiên cứu triết học Phật giáo, lịch sử và ứng dụng Phật pháp trong đời sống hiện đại. Viện nghiên cứu về sự phù hợp của giáo lý Phật giáo với các vấn đề toàn cầu như môi trường, hòa bình, và phát triển bền vững, với mục tiêu xây dựng nền tảng tri thức Phật học toàn diện, phục vụ đào tạo các nhà lãnh đạo có tầm nhìn và khả năng áp dụng Phật pháp trong xã hội.
(2) Giáo dục và đào tạo thế hệ kế thừa
Viện chú trọng đào tạo thế hệ kế thừa thông qua các chương trình học kinh điển kết hợp với các môn học hiện đại như quản lý, kỹ năng lãnh đạo. Cách tiếp cận này giúp Tăng Ni và Phật tử không chỉ hiểu rõ giáo lý mà còn có khả năng áp dụng hiệu quả trong thực tế. Đội ngũ giảng viên của Viện bao gồm các học giả và nhà nghiên cứu uy tín, đảm bảo chất lượng đào tạo cao.
(3) Mở rộng hợp tác quốc tế
VNCPHVN tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức Phật giáo trên thế giới như Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản, nhằm thúc đẩy nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm. Viện tổ chức các hội thảo quốc tế, đồng thời phát triển dự án dịch thuật để đưa tư tưởng Phật giáo Việt Nam ra thế giới, từ đó làm phong phú thêm di sản Phật giáo trong nước.
(4) Ứng dụng Phật học trong xã hội hiện đại
VNCPHVN nghiên cứu các giải pháp dựa trên giáo lý Phật giáo để giải quyết các vấn đề xã hội hiện đại như bạo lực, bất bình đẳng và sức khỏe tinh thần. Các nghiên cứu về thiền định, tâm lý học Phật giáo và vai trò của Phật giáo trong xây dựng cộng đồng hòa hợp là những hướng phát triển quan trọng
(5) Đẩy mạnh công nghệ và truyền thông trong giáo dục Phật học
Viện tận dụng công nghệ thông tin để truyền bá Phật pháp, với các nền tảng học trực tuyến, thư viện số và xuất bản điện tử. Các công cụ này giúp mở rộng phạm vi truyền bá giáo lý Phật giáo đến với mọi người trên toàn thế giới, tạo cộng đồng học Phật toàn cầu, kết nối những người yêu thích và nghiên cứu Phật học.
(6) Hướng đến một nền Phật học toàn diện và bền vững
VNCPHVN đặt mục tiêu xây dựng nền tảng nghiên cứu và giáo dục Phật học toàn diện, đáp ứng nhu cầu thời đại và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Viện sẽ tiếp tục khẳng định vị thế quốc tế, lan tỏa giá trị từ bi và trí tuệ của Phật giáo, tạo dựng thế giới hòa bình và an lạc.
(7) Góp phần xây dựng di sản Phật giáo Việt Nam
VNCPHVN đã tạo dựng một di sản văn hóa, học thuật và tâm linh quý giá cho Phật giáo Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng trong 35 năm qua, Viện đã góp phần bảo tồn và phát triển Phật giáo Việt Nam, khẳng định vai trò tiên phong trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.
Kết luận
Với tầm nhìn chiến lược và định hướng phát triển bền vững, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam cam kết tiếp tục sứ mệnh gìn giữ và phát huy di sản Phật giáo. Các thành tựu đã đạt được trong suốt 35 năm qua là nền tảng vững chắc để Viện tiếp tục mở rộng công tác nghiên cứu, giáo dục và hợp tác quốc tế. Viện trưởng và toàn thể nhân sự của VNCPHVN luôn đặt mục tiêu đưa Phật giáo Việt Nam vươn xa hơn, không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển trí thức và tinh thần toàn cầu. Sự phát triển toàn diện của Viện là lời khẳng định mạnh mẽ rằng VNCPHVN sẽ tiếp tục là trung tâm nghiên cứu Phật học hàng đầu, không chỉ phục vụ cho cộng đồng Phật tử Việt Nam mà còn là điểm đến quan trọng của các nhà nghiên cứu Phật giáo quốc tế.
(Theo Báo cáo 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam )
Phản hồi