Alo! Cương đấy à? Con…
– Con đang bận chút việc… Con sẽ gọi lại sau nghe ba!
Ông Quảng sau một hồi khó nhọc lần tìm tên con trai trong danh bạ điện thoại, mừng rỡ khi nghe tiếng chuông từ đầu dây bên kia vang lên từng hồi đến khi con trai ông nhấc máy. Hình như ông muốn thông báo với con trai một tin vui gì đó. Nhưng rồi câu nói của con trai khiến khuôn mặt ông trở nên buồn xo. Lớp da nhăn nheo hằn ngang trên trán càng đậm. Ông khẽ lắc đầu, tay đặt nhẹ chiếc điện thoại xuống mặt bàn, lặng lẽ bước ra ngoài mái hiên.
– Con nó bảo sao hả ông?
Bà Phúc ngồi thái mớ rau muống cho đàn gà đang lục tục đòi ăn ở một góc sân, ngẩng lên nhìn chồng, hỏi. Ông Quảng bần thần:
– Chắc con nó bận việc công ty nên… Bà Phúc hiểu ý, gượng vui, giọng xuề xòa:
– Thôi ông ạ. Con cái chúng nó lớn cả rồi. Bao nhiêu việc phải lo. Mình già, mình cần con, muốn được trò chuyện, được quan tâm chúng nó và được chúng nó quan tâm, nhưng chúng nó lại nghĩ khác. Mình cũng nên thông cảm cho con.
– Thì đành rằng thế… Chỉ là… lâu ngày chúng nó không về. Điện thoại cũng không gọi lấy một cuộc. Muốn gọi hỏi thăm, tiện thể nói chúng nó biết, trong vườn, cây na dai vừa chín, mấy đứa cháu có dặn tôi chăm sóc từ độ quả hãy còn bé tí. Tôi để dành và đợi hai chúng nó về. Luống rau cải, giàn đậu ve đã đến lúc thu hoạch, vợ chồng thằng Cương nó cũng thích ăn. Rồi thì…
Giọng ông Quảng lại nặng trĩu:
– Có con có cháu dù sao nhà cửa cũng đỡ lạnh lẽo, trống trải. Chứ có mỗi hai thân già ra vào… buồn lắm.
Nói rồi, ông Quảng thủng thẳng bước đến bên góc sân, cầm lấy cái cuốc vác trên vai, quay về phía vợ:
– Để tôi ra vườn cuốc lấy đám đất cũ lên hong nắng. Chờ mấy ngày nữa trồng lấy luống cúc vàng.
– Vâng. Thì ông làm đi cho xởi lởi chân tay.
Bà Phúc lẳng lặng nhìn chồng từ phía sau, khẽ đáp một tiếng rồi tiếp tục thái cho xong mớ rau còn lại. Lòng bà hiểu rõ chồng mười mươi.
Ông bà Quảng sinh được hai người con. Hằng, con gái đầu thì lấy chồng trong tận Sài Gòn. Một, hai năm cũng mới về thăm nhà được một lần. Còn mỗi Cương, học hành xong đâu vào đấy, ra trường, lập nghiệp rồi lấy vợ và ở trên phố. Từ phố về quê cũng đi mất 2, 3 giờ đồng hồ. Ông bà Quảng cũng mừng lòng vì có mỗi thằng con trai, tuy ở trên phố nhưng khoảng cách cũng chẳng xa xôi là mấy.
Hồi vợ chồng Cương còn son, còn năng về thăm nhà. Giờ có con có cái, hai vợ chồng lại càng bận bịu hơn kể từ khi thành lập công ty riêng. Thế nên thời gian dành cho ông bà Quảng càng trở nên khiêm tốn. Tuy không nói ra, thế nhưng bà Phúc cũng như ông Quảng, chồng mình, mỗi lần nhớ con cháu là lại kiếm việc gì đó để làm. Có khi quét đi quét lại cái nhà, cái sân đến hai, ba bận, sạch đến mòn sân gạch nhưng vẫn quét; cũng có khi ra vườn nhổ cỏ, vạch lá bắt sâu cho mấy luống rau; rồi thì sang nhà hàng xóm trò chuyện hay ra đồng thăm lấy thửa ruộng… Cả hai ông bà coi những công việc ấy là “liều thuốc” giúp vơi đi nỗi nhớ con cháu.
Như cái cách vẫn thường làm, mỗi khi liên lạc với con không được, ông Quảng lại cầm cuốc ra vườn xáo cỏ, cuốc đất; có khi phụ bà hái rau, tưới rau,… Nhiều khi, ông lại leo lên chiếc xe đạp cà tàng, đạp vòng quanh làng, ra bờ đê, triền sông, ra đồng, những nơi mà ông rồi thì bà và tụi con Hằng, thằng Cương hồi còn bé tí vẫn thường quấn quýt bên ông không rời. Ông từng nói với mấy người bạn già trong xóm: “Muốn đỡ nhớ con nhớ cháu, tốt nhất là biến mình trở thành người bận rộn. Bởi khi người ta bận rộn thì sẽ không còn chỗ cho sự cô đơn trỗi dậy”…
– Ba ơi, cuối tuần này, cả nhà mình về quê chơi với ông bà đi ba! Cô giáo con cho bài tập về nhà, tả về một loại cây ăn quả trong vườn. Con muốn được ông nội giúp đỡ.
Bữa cơm tối của gia đình anh Cương đang vui vẻ thì Phong, con trai đầu, năm nay lên lớp 5, dừng lại rủ rỉ.
– Dạo này ba mẹ bận việc công ty quá. À… nghe con nhắc đến ông bà nội, ba mới chợt nhớ. Sáng nay, khi đang giao dịch với khách hàng, ông nội có gọi điện, giọng ngập ngừng như muốn nói gì đó. Ba bảo sẽ gọi lại cho mà lại quên mất.
Anh Cương nhìn vợ con trong bàn ăn, kể lại.
– Em cũng quên khuấy mất, ba cũng có gọi điện cho em, nhưng lúc ấy đang bận chở con đi học nên em không để ý. Về đến công ty, em thấy cuộc gọi nhỡ của ba… Nào công việc, nào con cái… thành ra, em cũng quên mất gọi điện lại cho ba.
Con bé Lan, con gái út của anh chị, năm nay mới lên 8 tuổi nhưng giọng thì đã rành rọt như bà cụ non:
– Ba mẹ gọi điện cho ông bà đi ạ. Cô giáo con bảo, đối với ông bà, tài sản lớn nhất chính là con cháu. Con từng nghe bà nội bảo, ông bà vui nhất là khi được nói chuyện với con cháu, được cả nhà mình thi thoảng về thăm, ăn bữa cơm chung với ông bà.
Không khí của bữa cơm gia đình dường như chùng lại. Câu nói của con gái lại một lần nữa vụt qua đầu anh Cương. Nó khiến anh nhớ tới mảnh giấy màu vàng anh đã từng ghi chú với dòng chữ “Dù bận thế nào cũng phải gọi điện về cho ba mẹ mỗi ngày” được dán ở trước bàn làm việc trong phòng của anh ngày trước… Điều ấy bấy nay… hình như đã bị anh lãng quên, bởi lịch làm việc dày khít, vì những bữa tiệc với khách hàng từ chiều muộn tới đêm khuya mới về.
Anh nhớ lại những lần trước về quê, thấy mẹ cứ tất tả ra vào, nào dọn dẹp, nào cơm nước, nào trò chuyện, hỏi han hết chuyện cuộc sống lại sang chuyện học hành của hai cháu mà anh thương. Nhiều khi thấy mẹ tội nghiệp. Mẹ ngồi dưới mái hiên, anh vòng tay ôm lấy bờ vai hao gầy của bà, dặn lòng “Con mong ba mẹ sống mãi với chúng con, với các cháu!”.
Những lần về quê ít ỏi (chủ yếu là cuối tuần), anh vẫn thường cùng ba mình trò chuyện. Hai ba con ngồi kể cho nhau nghe chuyện ngày xưa, cái thời anh còn chân đất đầu trần, lấm lem một buổi đi học, một buổi chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng. Anh được ba chỉ cho cách bắt cá, bắt cua đồng; chỉ cho anh tập bơi, cách trèo cây hái quả,… Tuổi thơ của anh đậm sâu với những kỷ niệm dung dị nơi quê nhà bên cạnh chị gái và ba mẹ mà có lẽ đi hết cả cuộc đời, những ký ức ấy vẫn cứ vẹn nguyên trong trẻo. Mẹ anh bảo, ba hay cưỡi xe đạp đi lòng vòng, hỏi thì ba bảo, ba thích đến những nơi kỷ niệm của ba con anh ngày xưa: bờ sông, triền đê, bờ trục xanh mát cỏ. Ngồi đấy mà nhớ, mà ngẫm nghĩ, mà hồi tưởng, tự thấy mình trẻ lại, thấy con cái như đang ở quanh mình, thấy lòng vui và nhẹ nhõm. Nghe thế, anh lại bùi ngùi.
Đối với Liên, vợ của Cương, ba mẹ chị mất sớm, thế nên kể từ khi về làm dâu ông Quảng bà Phúc, chị luôn xem hai người như ba mẹ mình. Chỉ có điều,… cũng chỉ vì cuộc sống, vì công việc, nhiều khi cũng như chồng, chị quên mất niềm vui nhỏ bé của ba mẹ.
– Ba, mẹ! Vợ chồng con…
– Liên đấy à? Khi chiều ba gọi hỏi thăm vợ chồng con và hai cháu thôi. Không có chuyện gì quan trọng đâu nghe con – Ông Quảng ngắt lời con dâu, gượng vui nói.
– Dạ. Ba ơi, cuối tuần này, vợ chồng con sẽ đưa các cháu sẽ về chơi ạ!
– Có thật thế không con? Bà ơi, nghe con dâu nó nói kìa. Cuối tuần này chúng nó sẽ về đấy!
Từ đầu dây bên kia, chị Liên nghe rõ lời của ba chồng nói với mẹ. Tự dưng, chị thấy động lòng, có chút ân hận. Chỉ là việc con cháu về chơi, vậy mà ba mẹ chồng lại phấn khởi, lại vui đến thế. Chị lại nhớ đến những món quà đắt tiền chị gửi từ trên phố về, ông bà cứ để đấy, chờ con cháu về mới chịu lấy ra cùng ăn. Rồi thì, nhiều lần về, chị gửi ba mẹ ít tiền tiêu vặt. Thế mà, ông bà lại lấy số tiền ấy đưa lại cho vợ chồng chị lo việc công ty những khi khó khăn. Chị thương ba mẹ chồng, càng nể trọng tấm lòng của ông bà đối với con cháu.
– Ông ơi! Bà ơi!… – Giọng cu Phong và cái Lan đã ríu rít ngoài cổng ngõ. Đi sau là vợ chồng Cương, ai nấy vui cười hớn hở, tay xách lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ này thức nọ.
– Ba, mẹ! Gia đình con về xin ba mẹ bữa cơm cà canh rau, ba mẹ có đồng ý không ạ? – Cương tủm tỉm cười nhìn ba mẹ với ánh mắt yêu thương.
– Gì chứ cơm cà, cơm canh thì nhà mình thiếu gì! Bà Phúc tóm tém.
Bữa cơm gia đình ấm cúng, vui vầy bên con cháu, ông bà Quảng cảm thấy hạnh phúc không gì bằng. Xong rồi, con bé Lan quấn lấy bà nội để được nghe bà kể chuyện cổ tích.
Thằng cu Phong thì theo ông nội ra vườn ngắm nghía gốc na để hoàn thành bài văn cô giáo giao về nhà. Nó chắc chắn rằng, bài văn tả về cây na dai ông nội trồng nó sắp làm sẽ được điểm cao. Còn vợ chồng Cương tranh thủ giúp ba mẹ sửa lại cái chuồng gà, gia cố thêm cho giàn đậu ve, túi hạt giống cúc vàng cũng được đem gieo xuống luống đất nơi góc vườn chờ ngày nảy mầm, đơm hoa.
Truyện ngắn Thu Đình
Phản hồi