Vì đâu bỗng dưng lại ghét một người?
Nhân quả là thế, chi li từng chút một, chỉ là một ý nghĩ khởi lên trong tâm, dù chỉ là một câu rủa thầm, khi đó chẳng ảnh hưởng đến ai, thế nhưng vẫn có quả báo của nó. Nó khiến cho con người xa cách nhau hơn, thậm chí nó có thể khởi động cho một mối hận thù dai dẳng nhiều kiếp.
Trên đời này không có gì quý hơn sinh mạng, loài côn trùng còn ham sống sợ chết, huống chi là người. Một người dù có tội ác tày trời, nhưng khi sắp chết cũng tỏ lòng hối hận. Ta phải thương xót cho người chịu hình phải rời khỏi cha mẹ, vợ con và biết bao nhiêu thân nhân khác phải đau lòng trước cảnh sinh ly tử biệt này. Nhìn thấy cảnh này chẳng lẽ không động lòng thương xót hay sao?
Vua Lương Võ Đế một hôm đi dạo ngoài thành, thấy một người bán dưa đứng giữa chợ chào bán với khách hàng. Một người ăn mặc sang trọng đi tới trả giá rất cao. Thông thường thì có khách trả giá tốt như vậy, người ta sẽ niềm nở mà bán vội.
Ấy vậy mà người bán dưa này chẳng những không chịu bán, mà còn giận dữ đuổi mắng, cho rằng ông khách giàu này khinh khi mình.
Ông khách thấy người bán dưa giận dữ vô cớ như thế bèn bỏ đi.
Tiếp tục quan sát, một lúc sau, Lương Võ Đế thấy một người ăn mặc lam lũ đi tới muốn mua dưa, người bán dưa thấy khách này đến bèn tươi cười nói chuyện với khách như đã quen biết từ lâu.
Được một lát cao hứng, người bán dưa lại còn tặng luôn trái dưa cho vị khách không quen biết mà không nhận lấy một đồng tiền nào.
Lương Võ Đế cảm thấy kì lạ bèn đem chuyện thấy được hỏi Hòa thượng Chí Công (là tác giả của bộ Lương Hoàng Sám nổi tiếng).
Hòa thượng Chí Công đáp:
– Người bán dưa kiếp trước là một tên tử tù, khi bị đưa ra pháp trường hành hình, có một người thấy tên tử tù là tên đại ác trong làng, chẳng những không tỏ lòng thương xót, trong lòng còn oán ghét và chửi thầm: ”Tội ác như mày phải chết cho sớm để khỏi hại người, và phải chết nhiều lần mới đúng.”
Có một người khác, khi thấy tên tử tù sắp chết, tỏ lòng thương hại và nghĩ thầm: “Tuổi trẻ vậy mà sắp phải chịu cực hình, tội nghiệp thật, nếu được quan lớn giảm hình biết đâu sau này sẽ biết ăn năn mà cải tà quy chính.”
Luân hồi qua nhiều kiếp, đến giờ, tên từ tù khi xưa đầu thai thành người bán dưa, người khách ăn mặc sang trọng chính là người đã chửi thầm tên tử tù, còn người ăn mặc lam lũ là người đã tỏ lòng thương xót.
Lạm bàn:
Nhân quả là như thế, chi li từng chút một, chỉ là một ý nghĩ khởi lên trong tâm, dù chỉ là một câu rủa thầm, khi đó chẳng ảnh hưởng đến ai, thế nhưng vẫn có quả báo của nó. Nó khiến cho con người xa cách nhau hơn, thậm chí nó có thể khởi động cho một mối hận thù dai dẳng nhiều kiếp.
Vì thế, thay vì những ý niệm thù hằn, trách móc, chỉ làm tăng thêm hố sâu oán thù trên thế gian này, chúng ta nên cố gắng nghĩ tốt thêm một ý nghĩ.
Hãy cầu nguyện cho những người đang sai lầm được hết sai lầm, thay vì nguyền rủa họ. Thêm một giọt nước từ bi, luôn luôn tốt hơn là trồng thêm một rừng thù hận.
Quang Tử
Phản hồi