Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm – 應 無 所 住 而 生 其 心

Đôi dòng sử liệu đơn sơ cho chúng ta thấy rằng giáo pháp của Phật không chỉ là những lời dạy, những tư tưởng triết học suông bằng chữ nghĩa in ấn trong kinh điển chỉ để phụng thờ, mà nó là một giáo pháp, một chân lý sống, một pháp môn thực hành. Nếu được học và đem ra thực tập, ứng dụng vào đời sống hàng ngày nó sẽ cho ra một kết quả rất cụ thể, mà không là niềm tin và tư tưởng trên mây hứa hẹn ở đời kiếp sau.

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” là một câu kinh rất ngắn trong cả quyển kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật rất nổi tiếng được giới học Phật trích dẫn nhiều nhứt. Nó được lập đi lập lại khắp nơi khắp chốn. Từ các Phật đường, Tổ đường cho chí trong các dãy hành lang dài hun hút, hay dưới chân cội tùng già, bên ngôi tháp cổ,… của các đại tùng lâm, các tự viện, các viện Phật học lừng danh thế giới… và nó cũng có mặt ngay ở trong các ngôi chùa lá cũng như ở trong các thiền thất, thảo am đơn sơ mộc mạc.

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm  – 應 無 所 住 而 生 其 心

“… to use the mind yet be free from any attachment”

Người ta đã mổ xẻ – chia chẻ – phân tích nó đủ mọi khía cạnh. Thậm chí có thể nói một cách không quá đáng rằng nó đã được người đời phân tích tìm hiểu ý nghĩa ví như chẻ tư chẻ tám một sợi tóc vậy. Đa số đều dùng trí năng, cũng như xem xét kỹ thuật kết cấu câu từ của nó cho quá trình phân tích. Tuy nhiên cũng có không ít người trực ngộ được nó bằng con đường tư duy thiền quán.

Tiếc thay, người có thực chứng lại không nói nhiều, thậm chí không mở miệng, trong khi kẻ chỉ biết qua khái niệm lại khá nhiều lời.

Thực ra nó không khó hiểu cho lắm cho một người có trình độ Phật học bình thường. Nhưng chữ hiểu của giới học giả không đồng nhứt với chữ chứng của giới hành giả. Nói cách khác từ hiểu đi tới chứng có một khoảng cách khá lớn, thậm chí rất lớn. Chúng ta có thể dùng những phương pháp khoa học trong học thuật, nhứt là quy cách phân tích của ngành triết học để hiểu nó. Nhưng để chứng được nó thì phải qua con đường công phu thiền định để làm sao nó có thể tan chảy, hoá chuyển thành máu thành thịt của chính mình. Để làm được việc đó không còn cách nào khác là dùng nó như một công án – lấy nó làm đề tài công phu thiền quán của đời mình.

Có lẽ chúng ta cần chép ra đây đoạn kinh có chứa câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm“.

“… – Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Bồ-tát trang nghiêm Phật độ phủ?

– Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm.

– Thị cố Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm...”

Sư ông Làng Mai dịch :

– Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Bồ Tát có trang nghiêm cõi Bụt chăng?

– Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Trang nghiêm cõi Bụt tức là không trang nghiêm cõi Bụt, vì vậy nên mới gọi là trang nghiêm cõi Bụt.

– Như thế đó, thầy Tu Bồ Đề, các vị Bồ Tát và đại nhân nên phát tâm thanh tịnh theo tinh thần ấy. Không nên dựa vào sắc mà phát tâm, cũng không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm. Chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô trụ. (Xem Kinh Kim cương gươm báu cắt đứt phiền não)

Đứng về phương diện cú pháp thì “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” tức là “Chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô trụ” là câu kết luận nhằm mục đích chốt lại lời dạy ngắn gọn của Bụt rằng : “các vị Bồ Tát và đại nhân nên phát tâm thanh tịnh theo tinh thần ấy. Không nên dựa vào sắc mà phát tâm, cũng không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm.” Nói cách khác: các vị Bồ Tát và đại nhân không nên dựa vào sáu trần mà phát tâm thanh tịnh – tâm thanh thịnh là tâm của chư Bụt và chư Bồ Tát.

Rõ ràng không có gì là khó hiểu. Nhưng! Một chữ NHƯNG khá lớn này lại là vấn đề nan giải cho học giả lẫn hành giả.

Chúng ta biết rằng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp là sáu trần của sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, da, và ý. Trong khi căn, trần lại là nhân duyên của sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Cả ba hợp lại thành mười tám giới. Theo đó chúng ta có thể hiểu lời Bụt dạy thầy Tu Bồ Đề rằng : Các bậc Bồ Tát và đại nhân phát tâm thanh tịnh nhưng hoàn toàn tự do – không bị mười tám giới ràng buộc. Nghĩa là quý ngài đã vượt thoát được mọi buộc ràng của những sợi dây sinh tử luân hồi, luôn luôn an trú nơi bản thể thanh tịnh – làm việc gì cũng thong dong tự tại.

Vấn đề lớn ở đây là làm sao chúng ta có thể đạt được điều đó? Có lẽ không có cách nào khác hơn là hành giả phải quyết tâm hạ thủ công phu, bám lấy nó, biến nó thành công án – làm chất liệu sống mới mong giải quyết được vấn đề. Tuy khó thật đấy, nhưng không có nghĩa là bế tắc, không có nghĩa là bất khả. Lịch sử truyền thừa của đạo Phật đã chứng minh được điều đó.

– Chuyện kể rằng, sau khi đắc pháp với ngũ tổ Hoằng Nhẫn, lục tổ Huệ Năng đã du hạ Nam phương. Trên đường hóa độ chúng sinh có lần vì cảm hóa đám người thợ săn dữ dằn và hiếu sát. Ngài đã không ngại sống cùng họ, cùng ăn thịt uống rượu như họ mà không thấy bị rượu thịt làm ngăn trở.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng có không ít vị thiền sư đạt được tinh thần vô ngại như Lục Tổ.

– Đời nhà Trần chẳng hạn. Chúng ta có Tuệ Trung Thượng Sĩ, là một trong những vị thiền sư đắc đạo, ngài đã chứng đắc được trạng thái tự do tuyệt đối. Bằng tinh thần vô ngại, Tuệ Trung đã có thể tiến/lui, đi/về rất ư là tự tại. Sử viết rằng : Có lần Tuệ Trung được em gái tức Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm mời vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ngài gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?” Ngài cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh ; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?” (Theo VN Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang).

Sử sách cũng ghi chép rằng, khi cần ngài cũng đã không ngần ngại mang cung cỡi ngựa xông pha trận mạc. Ít nhất là 2 lần Tuệ Trung lãnh lịnh trấn giữ đất Hồng Lộ tức Hải Dương bây giờ nhằm ngăn chận giặc Bắc xâm lăng. Nhìn bề ngoài người đời sẽ cho đó là việc thường tình của những bậc anh hùng cứu nước hà cớ tới bậc thiền sư! Nhưng xét về phương diện tâm ý thì ngài làm việc đó với một tinh thần tự do tuyệt đối không bị ràng buộc bởi sân hận, oán thù theo cách của giới tướng lĩnh thường tình. Xong việc ngài lại giũ sạch bụi trần trả chiến bào cho vua, khoác áo chân không vui cùng sông núi.

– Gần với thế hệ của chúng ta có thiền sư Nhất Định, tổ khai sơn chùa Từ Hiếu ở Huế.

Sử kể rằng: Sau khi trao trả giới đao, độ điệp ; từ bỏ hết mọi chức vụ Trụ trì các ngôi quốc tự cũng như chức vụ Tăng Cang toàn quốc cho triều đình. Ngài lui về ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc với hai đệ tử và một mẹ già 80 tuổi. Một hôm mẹ bệnh, thầy thuốc bảo: phải cho ăn cháo cá mới hết bệnh. Ngài đã xuống núi tới chợ Quy Giả tức chợ Đông Ba ngày nay xin một con cá rồi thong dong tự tại xách con cá trần trụi còn vẫy đuôi buộc vào sợi dây đi trở lên núi (hiện nay Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu tại Đức có treo bức hình này nơi thờ Tổ), nhờ người làm thịt nấu cháo cho mẹ ăn hết bịnh.

Hình ảnh một vị cao tăng nổi tiếng tay xách con cá trần trụi thong dong đi giữa thanh thiên bạch nhựt vào thời đó chẳng khác nào một tiếng sấm lớn làm kinh động tới tận kinh thành khiến triều đình phải mở cuộc điều tra. Sau khi biết được tấm lòng hiếu thảo của ngài, đích thân nhà vua đã tới thảo am vấn an và tỏ lòng tôn kính một bậc thiền sư chứng đắc.

Nhà vua cũng như nhiều quan đại thần muốn cúng dường đồ ăn thức uống. Ngài đã khẳng khái trả lời rằng: “…hữu thị giả nhị nhơn, thực ma đậu, triêu tịch cung cấp túc hỷ, bất nguyện đa giả !”. (Có hai thị giả, ăn mè đậu, sáng tối cung cấp đủ, không mong nhiều).”

Người ta cũng đã xin ngài cho phép biến thảo am thành ngôi phạm vũ nhưng ngài đã một mực từ chối. Mãi đến sau khi ngài viên tịch người ta mới dựng trên nền thảo am xưa một ngôi cổ tự với tên gọi là Tổ đình Từ Hiếu. Hai chữ Từ Hiếu ý nói lên lòng hiếu thảo của ngài vậy.

Gần hơn nữa, ngay trong những thế hệ hậu bán thế kỷ XX này cũng đã có không ít chư vị thiền sư và cư sĩ người Việt đắc đạo phát tâm trong tinh thần vô trụ.

– Đó là hành trạng của Bồ tát Thích Quảng Đức. Ngài đã dũng mãnh tự đốt cháy tấm thân ngũ uẩn, cúng dường chư Phật mười phương – thức tỉnh nhân loại trước thảm cảnh độc tôn tín lý, độc quyền tín ngưỡng, kỳ thị tôn giáo bằng những hành vi khủng bố, giết chóc tù đày người khác tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm.

Thay vì trả đũa bằng những phương thức bạo động, vũ trang chống lại chính quyền, ngài đã tự biến thân mình làm ngọn đuốc mong soi sáng tâm ý của Tổng thống và chính phủ Ngô Đình Diệm với một tấm lòng bi mẫn, và tự tại không bị hận thù làm vướng bận. Lời tâm nguyện ngài viết trước khi tự thiêu đã nói lên điều đó :

« Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì Chùa Quán Âm Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau :

– Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.

– Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.

– Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.

– Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở…»

– Đó cũng là hành trạng của chị Nhất Chi Mai tự thiêu để kêu gọi Hòa bình cho Việt Nam. Mười bức thư mà chị để lại đã nói lên được sự « phát tâm trong tinh thần vô trụ » của chị. (Xem tiểu sử và hành trạng của chị ở đây).

– Đó cũng là hành trạng của những tác viên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Họ là những người thanh niên sinh viên ở độ tuổi tràn đầy mơ mộng cùng chí nguyện, và tâm huyết lợi tha. Không ngại gian lao khổ nhọc tự tại thong dong từ giả thành đô hoa lệ dấn thân về vùng nông thôn nghèo đói bệnh tật,cùng với bà con dựng trường học, xây trạm xá, khám bệnh phát thuốc … đem ánh sáng văn minh vào vùng tăm tối. Họ cũng đã không ngại đi giữa hai làn đạn chiến tranh – kéo cờ Phật giáo khẩn cầu các cấp chỉ huy của đôi bên tạm ngưng tiếng súng cho phép họ băng bó vết thương cứu chữa và khử trùng chôn xác nạn nhân chiến cuộc. Họ cũng đã bị người đồng bào khác đạo hiểu lầm tới nơi họ ở, nơi họ làm việc thiện nguyện để bắt cóc, sát hại, khủng bố gieo rắc sợ hãi bắt họ phải dừng lại con đường lý tưởng mà họ đang đi. Có cả thảy sáu người bị bắn chết, 19 người bị thương, và tám người bị bắt đi mất tích. Tất cả xảy ra trong bốn cuộc khủng bố bằng vũ lực. Thế nhưng họ đã không bị hận thù cướp đi tình thương, không bị tham sân si cướp đi tinh thần vô trụ của bậc Bồ Tát, Đại Nhân trong lời kinh “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. (Xem bài Xứng đáng chỉ có tình xót thương).

*********

Đôi dòng sử liệu đơn sơ cho chúng ta thấy rằng giáo pháp của Phật không chỉ là những lời dạy, những tư tưởng triết học suông bằng chữ nghĩa in ấn trong kinh điển chỉ để phụng thờ, mà nó là một giáo pháp, một chân lý sống, một pháp môn thực hành. Nếu được học và đem ra thực tập, ứng dụng vào đời sống hàng ngày nó sẽ cho ra một kết quả rất cụ thể, mà không là niềm tin và tư tưởng trên mây hứa hẹn ở đời kiếp sau.

Đó là một trong những thực chất sống động của câu kinh thời danh “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” tức “Chỉ phát tâm trong tinh thần vô trụ” đã và đang hóa thành hiện thực vậy.

Chân Minh

Bài viết liên quan

Phản hồi