Ứng dụng ngoại giao cây tre Việt Nam trong đời sống và trong Đạo Phật

PGĐS – Cây tre là hiện thân của dân tộc Việt Nam, với đặc điểm nổi trội là dẻo dai, giàu sức sống, dễ thích nghi với môi trường. Mỗi bụi tre đều toát lên hình ảnh phát triển, tre già măng mọc. Gốc tre vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường trước bão tố, trước thời tiết khắc nghiệt.

Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.

Thân gầy guộc, lá mong manh,
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi,
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.

Có gì đâu, có gì đâu,
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều.
Rễ siêng không ngại đất nghèo,
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu,
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành.
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh,
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.

Bão bùng thân bọc lấy thân,
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.
Thương nhau tre không ở riêng,
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.
Chẳng may thân gãy cành rơi,
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.
Nòi tre đâu chịu mọc cong,
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương,
Có manh áo cộc tre nhường cho con.

Măng non là búp măng non,
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Năm qua đi, tháng qua đi,
Tre già măng mọc có gì lạ đâu.

Mai sau,
Mai sau,
Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.

(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)

Theo PGS-TS Dương Văn Quảng nhận định: “Chúng ta dùng hình ảnh cây tre Việt Nam để làm biểu tượng, bản sắc ngoại giao Việt Nam là bởi cây tre có gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển. Theo tôi hiểu, gốc vững chính là thực lực của ta. Hồ Chủ tịch đã nói ngoại giao như cái chuông, chuông có to thì tiếng mới lớn. Nghĩa là lực của ta có lớn thì ngoại giao của chúng ta mới phát huy được sức mạnh. Cho nên là gốc vững cũng chính là lực mình phải vững. Thứ hai là thân vững. Thân vững chính là lợi ích quốc gia dân tộc. Thứ ba là cành lá uyển chuyển. Đây là cách thức mà chúng ta ứng xử trong ngoại giao. Mà đã là ngoại giao người ta thường nói đó là nghệ thuật, là sự mềm dẻo. Nhưng mềm dẻo dựa trên nền tảng, dựa trên mục đích nhất định. Cho nên Bác Hồ đã tổng kết rằng, đấy là “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Việc ứng dụng ngoại giao cây tre không chỉ được các cấp lãnh đạo Nhà nước thực hiện trong việc đối ngoại mà còn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam áp dụng linh hoạt trong hành xử giữa các cấp Giáo hội, trường Hạ, trú xứ với các cấp chính quyền nhân dân.

Thứ nhất: Gốc vững đó là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời tôn trọng và duy trì truyền thống các tổ chức, Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng nghìn năm của Phật giáo Việt Nam”. Đồng thời, mỗi thành viên trong tổ chức Giáo hội luôn ý thức về việc tu tập theo đúng chính pháp của Đức Phật, lấy trí tuệ làm sự nghiệp; lấy phụng sự làm đời sống; lấy giới luật, thanh quy, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm nền tảng cho mọi hành động. Hiểu về Hiến Pháp, Pháp Luật Nhà nước nói chung và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo nói riêng; Nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức Tôn giáo để có những hành xử đúng mực giúp ích cho nhân quần, xã hội.

 Thứ hai: Thân chắc (sức mạnh đại đoàn kết toàn dân). Điều này thể hiện rõ ở sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp Giáo hội, trường Hạ, trú xứ với các cấp chính quyền nhân dân. Vấn đề phối hợp của Giáo hội được thực hiện trên tinh thần: Đoàn kết – kỷ cương – Trách nhiệm. Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Giáo hội. Đoàn kết, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thực hiện tốt phương châm sống tốt đời đẹp đạo, thương người như thể thương thân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuân thủ Pháp luật Nhà nước, quản lý Tự viện và Tăng Ni trụ trì. Tận dụng sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước đối với Tôn giáo để ngăn ngừa các thế lực chống phá, lợi dụng hình ảnh Phật giáo, giả trang để phá hoại Phật giáo, lừa đảo Tôn giáo, gây bạo động, phá hoại an ninh xã hội, độc lập dân tộc. Từ đó cùng nhau xây dựng môi trường an toàn cho Tôn giáo và dân tộc tồn tại và phát triển; lan tỏa, phát huy những giá trị tốt đẹp và đạo đức Phật giáo trong đời sống, củng cố thêm vào kho tàng văn hóa truyền thống, đạo đức xã hội, hướng tới đạt được chân hạnh phúc.

Thứ ba: Cành uyển chuyển (dĩ bất biến ứng vạn biến). Hiện nay, các thế lực bên ngoài đang tìm nhiều phương cách phá hoại, gây chia rẽ nội bộ, mất niềm tin với Phật giáo của Phật tử, nhân dân. Cùng với đó là ảnh hưởng mạng xã hội với rất nhiều các biến động cần các cấp Giáo hội, trường Hạ, trú xứ với các cấp chính quyền nhân dân phải luôn bám sát để định hướng dư luận, định hướng Tăng Ni Phật tử; ổn định tư tưởng, đời sống cho Tín đồ, Tăng Ni Phật tử, nhân dân và toàn xã hội.

Đạo Phật luôn luôn cởi mở tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của dân tộc, phù hợp với xứ, cơ, thời, giáo. Trải qua hơn hai nghìn năm, cùng với sự tiếp biến văn hóa, từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã dung hợp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và đạo đức lối sống của người Việt, hình thành lên Phật giáo Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc (tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên; hòa nhi bất đồng, đồng nhi bất hòa).

Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác; là bông hoa tô điểm, làm đẹp cho cuộc đời, lấy tùy thuận chúng sinh nhi vi lợi ích. Đạo đời không hai, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, tùy thuận phương tiện nhiệm mầu, quyền xảo cơ nghi để độ chúng sinh. Xả thân vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, lấy việc hoằng đạo là nhiệm vụ cấp thiết. Việc tiến thoái, hành tàng đều tùy cơ tùy duyên, đều vì mục đích làm cho đạo pháp được hưng long. Chính pháp của Đức Phật đến đâu thì hết thảy chúng sinh đều được lợi lạc và thuận theo (Chuông chiều ngân cả mười phương bóng, Khe nứt nghe kinh cá ngậm mồm).

“Trong hơn hai nghìn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, Đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, tổ chức Phật giáo Việt Nam luôn luôn là thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm, và vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc, nhân loại và tất cả chúng sinh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm: “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. (Trích: Lời nói đầu Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VII tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX).

Thọ Tường

Bài viết liên quan

Phản hồi