Tục “tắm tất niên” với hương mùi già: Gợi nhớ hương vị Tết xưa
Theo quan niệm dân gian, khi tắm nước lá mùi này, mọi vận đen đủi, buồn phiền lo lắng trong năm cũ được gột bỏ, sẵn sàng bắt đầu một năm mới với những điều tươi mới, may mắn hơn.
Có một phong tục đẹp của người dân ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc là vào ngày 30 Tết, rất nhiều người đi chợ sắm Tết đều mua một loại cây hoa không phải mang về để cắm bình trang trí nhà cửa đón Xuân mà là dùng để nấu nước tắm.
Phong tục ấy được gọi là “tắm tất niên” bằng cây mùi già đã ra hoa kết trái nhằm tẩy trần những vướng bụi trong năm cũ để chào đón một năm mới mạnh khỏe, may mắn, an lành…
Không khí kẻ mua, người bán nhộn nhịp, tấp nập tại chợ lá dong phố Trần Quý Cáp (Hà Nội) báo hiệu một mùa Tết Nguyên đán đang đến rất gần.
Chẳng ai biết tục tắm bằng cây mùi già có từ bao giờ, chỉ biết cứ mỗi độ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán là những gánh, những chiếc xe đạp, xe máy đầy ắp mùi già lại xuất hiện trong các phiên chợ Tết ở làng quê và nhiều ngõ ngách nơi phố thị. Mùi già chỉ bán trong những buổi chợ cuối năm cho nên cứ thấy mùi già là thấy Tết.
Chợ ngày Tết, giữa bạt ngàn những loại hoa, đào, quất, rau củ quả, thịt, dưa hành… là những chiếc xe đạp của các bà, các cô chở những bó mùi già đi bán. Người đi chợ ai cũng nhanh tay mua một vài nắm, cả người bán lẫn người mua đều vui vẻ, không mặc cả, không thêm bớt.
Để nấu nước tắm, cây Mùi già mua về phải rửa sạch bụi đất nhưng chú ý không để giập nát lá, rồi cho vào nồi nước đun sôi. Chỉ cần hai bó mùi già nho nhỏ thì khi nồi nước sôi đã bốc hương thơm lừng, ấm áp, tinh khiết, nhẹ nhàng lan tỏa khắp nhà.
Theo quan niệm dân gian, khi tắm thứ nước lá mùi này, mọi vận đen đủi, buồn phiền lo lắng trong năm cũ được gột bỏ, sẵn sàng bắt đầu một năm mới với những điều tươi mới, may mắn hơn.
Bên cạnh đó, hương thơm của lá mùi khi được đun lên bám vào những vật dụng trong nhà, vương vấn trên cơ thể sau khi tắm còn giúp tinh thần mọi thành viên trong gia đình luôn phấn chấn vào những ngày đầu năm mới…
Bao nhiêu năm nay, bà Nguyễn Thị Lê ở Khu Tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội dù xa quê nhiều năm nhưng vẫn giữ thói quen mua lá mùi già vào những ngày cận Tết Nguyên đán để đun nước cho các thành viên trong gia đình cùng tắm, gội.
“Mỗi khi tắm loại lá này vào dịp tết niên, tôi thấy trong người rất dễ chịu, mọi thứ đều trở lên nhẹ nhàng, không còn những tất bật, không còn những lo âu mà cảm thấy rất thư thái. Vì cây mùi già chỉ có vào dịp gần Tết nên cứ nhìn thấy bán ngoài chợ là tôi mua về dùng cho đến tận sáng mồng Một, lấy nước này rửa mặt để được may mắn, sạch sẽ cả năm,” bà Lê cười vui chia sẻ.
Hàng chục năm nay, bà Nguyễn Thị Nam, thôn Thư Lâu, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vẫn trồng cây mùi già để phục vụ người dân vào dịp Tết Nguyên đán. Dù giá trị kinh tế của cây mùi già không cao so với các loại cây hoa, cây cảnh, nhưng gia đình bà vẫn duy trì để giữ gìn truyền thống và nét văn hóa đặc trưng của người dân trong những ngày Tết.
Những bó mùi già theo các bà, các cô đi khắp các phiên chợ ngày Tết. Góc chợ nào có người bán mùi già là thơm lừng cả khu chợ. Mỗi bó mùi nhỏ được bán từ 5.000-10.000 đồng. Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía thì khi đun lên mới cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt chứ không nồng. Chỉ cần 2 bó nho nhỏ nồi nước mùi đã thơm lừng cả nhà. Mọi bận rộn, hối hả dường như được lắng lại, không gian ấm áp, tinh khiết, nhẹ nhàng.
Vào những ngày cuối năm tất bật háo hức chờ Tết đến, chẳng có gì xao xuyến hơn hương thơm của lá mùi già thanh tao mà ấm áp báo hiệu Tết đã đến rất gần. Đời cây mùi tuy ngắn ngủi nhưng đã kết thành hương thơm để bao thế hệ, bao đời người không quên.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại và giúp mọi người đỡ phải đun nồi nước tắm lỉnh kỉnh, mấy năm gần đây, một số cơ sở sản xuất đã thu mua cây mùi già của bà con nông dân đem chưng cất thành nước mùi già, tinh dầu mùi già hoặc làm ra những bánh xà phòng tắm vừa có thể bảo quản được lâu, vừa thuận tiện cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ thói quen mua cây mùi già về nấu hơn là mua nước chưng cất vì niềm tin luôn có một chỗ đứng nhất định trong đời sống của người Việt, đặc biệt vào ngày Tết cổ truyền. Những điều thuộc về phong tục, truyền thống của ngày Tết Nguyên đán không tự nhiên được kế thừa, lưu giữ, nối truyền từ đời này sang đời khác. Đó là sự tiếp nối có ý thức khi ông bà cha mẹ cùng cho con cháu được trải nghiệm đời sống thực tế của văn hóa và là người kể chuyện, để những đời sống ấy ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, trở thành hành trang mang đậm nét riêng của quê hương trên mọi nẻo đường bôn ba của cuộc đời./.
Phản hồi