Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung thượng sĩ với quan điểm bất nhị và kiến tính

Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 – 1291), thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần. Ông là con đầu của An Sinh Vương Trần Liễu, anh cả Hoàng hậu là Nguyên Thánh Thiên Cảm và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tước vị là Hưng Ninh Vương. Ông là một vị tướng lãnh đạo tài ba khi tham gia đánh bại quân Nguyên Mông. Tuệ Trung còn được biết đến là nhà thơ, là một vị Thiền sư, cư sĩ xuất sắc nổi tiếng thời đại nhà Trần. Ông có nhiều đóng góp cho nền thơ văn Phật giáo nói riêng và dân tộc Việt Nam trong thời kì trung đại, thông qua các tác phẩm thơ ca mang tinh thần thiền học độc đáo góp phần đặt nền móng cho sự thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – một dòng Thiền đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Một trong những tác phẩm trác tuyệt, mang triết lý uyên thâm của ông là Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, với những vầng thơ thanh thoát và toát lên tư tưởng Thiền học của ông: Tuy nhiên, con người của ông rất đa dạng, ngoài phong thái siêu quần, hành vi thoát tục, Tuệ Trung lại có tài văn chương, diễn tả tư tưởng rất độc đáo, sắc sảo, mạnh mẽ và trực tiếp [1]. Vì vậy, ta cùng tìm hiểu về Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung Thượng sĩ với quan điểm bất nhịkiến tính để thấy rõ được giá trị và tư tưởng của ông trong việc đóng góp cho thơ ca Phật giáo và dân tộc Việt Nam trong thời kì văn học trung đại.

Đối với người người thực tập thiền định, vượt qua được hai trạng thái đối lập trong tâm thức giữa “có và không,” là một việc khó thực hiện trong cuộc đời. Trong kinh Ca Chiên Diên Thị Đức Phật từng nói: Tất cả đều có, này Kaccana, là một cực đoan. Tất cả đều không có là một cực đoan. Không chấp nhận hai cực đoan ấy, này Kaccana, Như lai thuyết pháp một cách trung đạo[2]. Đối với Tuệ Trung là vị Thiền sư ngộ đạo, nhìn thấu vạn pháp bằng tâm thái bất nhị: Lí bất nhị, tức thấy các pháp không hai, lìa nhị biên đối đãi, đối với tất cả hiện tượng không còn phân biệt hoặc vượt lên thứ phân biệt gọi là bất nhị [3], nghĩa là vượt qua giữa chấp có và chấp không, được và mất trong kiếp nhân sinh, nhìn mọi sự vật và hiện tượng với tâm bình đẳng, không phân biệt. Bằng tâm “bất nhị”, con người có thể nhìn mọi sự vật, hiện tượng đều nhờ các duyên để tạo thành hay hoại diệt đi. Từ đó khơi gợi lòng yêu thương, không có chấp trước đúng sai, để buông bỏ các quan niệm về bản ngã, chấm dứt nhân sinh tử và hướng đến quả vị niết bàn. Trong bài thơ Sinh tnhàn chi dĩ , ông từng viết:

Tâm sinh thì sống chết sinh,

Tâm diệt thì sống chết diệt.

Sống chết vốn là không có tự tính,

Cái thân do huyễn hoá tạo thành này rồi phải diệt. [4]

Theo Tuệ Trung, nguyên nhân dẫn đến con người luân hồi sinh tử là chấp chặt giữa các quan niệm đối lập với nhau giữa sinh và diệt, hạnh phúc và khổ đau. Nên việc có được hay biến mất đi, hạnh phúc và khổ đau của con người cũng xuất phát từ cái tâm “bất nhị”, và không thể tìm về bản thể để thấu triệt chân tướng mà chấp nhặt những hiện tượng huyễn hoặc bên ngoài rồi làm chúng ta mê lầm, ảo vọng dẫn đến khổ đau. Cho nên, nếu người ta vượt qua được cái nhìn “bất nhị” thì có thể thấu rõ được pháp giới:

Không sinh mà không diệt,

Không trước cũng không sau.

Nếu quên được cả ngã kiến và pháp kiến,

Thì bao hàm được cả pháp giới[5].

Ông nói rõ hơn về “bất nhị” qua “nhị kiến”, nghĩa là cái thấy sai lầm của con người về nhân sinh quan và thế giới quan. Con người thường dựa theo hồi ức, kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá hay nhận xét theo khả năng hạn hẹp về cái biết của con người, về bản thể hay hiện tượng trong thế gian. Vì thế, ông đã khuyên con người cần có sự nhìn nhận mọi vấn đề theo cái nhìn “bất nhị” để thoát khỏi mọi sự ràng buộc, từ đó có thể đạt tới sự uyên nguyên của vạn pháp trong thế gian. Về vấn đề “nhị kiến”, đức Phật từng nói: Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri[6]. Nếu như chúng ta có cái nhìn về vạn vật với phương diện trên thì cội nguồn của tham – sân – si sẽ không sinh khởi, vì đơn giản chỉ là thấy, chỉ nghe và chỉ biết, không có sự phân biệt đúng hay sai, tốt và xấu, mà chỉ là sự nhìn nhận của tâm mình về vật hay cảnh bên ngoài qua các giác quan. Qua bài thơ này, Thượng sĩ còn khuyên chúng ta có cái nhìn Viên thành thật (nghĩa là không thêm không bớt, không thiếu không thừa, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm). Có thể khẳng định, quan niệm “nhị kiến” là một tinh thần thiền học nổi bật trong thơ Tuệ Trung Thượng sĩ. Dù không xuất gia tu đạo nhưng qua các bài thơ của ông, ta có thể hiểu được sự thẩm thấu lời kinh Phật và đưa ra các quan niệm của ông khi không còn phân biệt với các pháp để dung hòa mọi vật trên thế gian này.

Thiền tông được truyền từ thời Đức Phật Thích Ca cho ngài Ca Diếp tại hội Linh Sơn, sau đó đến Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 tại đất nước Ấn Độ và cũng là sơ Tổ Thiền tông của Phật giáo Trung Hoa. Hình thức truyền trao y và bát đến đời qua các tổ sư tại Trung Hoa đến đời ngài Lục Tổ Huệ Năng thì dừng lại, nguyên nhân là do sự tranh giành bởi một số vị tu sĩ chưa ngộ đạo. Dòng Thiền của Huệ Năng được truyền về phương Nam, với chủ trương “đốn ngộ” (tiến vào cảnh giới của giác ngộ trong khoảnh khắc). Theo tôn chỉ của Thiền tông: Chẳng lập văn tự, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật[7].

Kế thừa từ nền tảng tư tưởng trên, các Thiền sư triều đại Lý – Trần đều hướng quả tu giác ngộ: Truyền đạo vừa bằng công án hiểm hóc vừa bằng sự diễn giảng tỏ rõ và chí thiết, phần nào đi ra ngoài truyền thống “vô ngôn” của Thiền. Tinh thần này mở đầu với Trần Thái Tông và kế tiếp với Tuệ Trung Thượng sĩ[8]. Như vậy, kiến tánh được hiểu là được Phật tánh ở tự tâm: Tức tâm là phật. Trên đến chư Phật, dưới đến tất cả hàm linh nhỏ nhít đều có Phật tính, đồng một thể [9], nghĩa là thấy rõ cái chân tánh của vạn vật, có một thể tánh sáng suốt, bình đẳng với nhau. Vì vậy, sau khi giác ngộ dưới cội bồ đề Đức Phật từng nói: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành[10], cho nên lời tuyên bố trên của Đức Phật đã giúp cho con người có được niềm tin vào chính mình trên con đường đi đến thánh quả. Theo Tuệ Trung, chỉ cần chúng ta có thể cởi bỏ mọi ràng buộc ở thế gian thì thể giác ngộ:

Vươn mình một cái vượt ra khỏi lồng,

Muôn việc đều như trò chơi, vào mắt cũng thành hư không.

Tam giới mênh mông cõi lòng sáng rõ,

Bóng trăng chìm xuống phương Tây, mặt trời mọc ở phương Đông.[11]

Đối với Tuệ Trung Thượng sĩ, chỉ cần lòng mình sáng rõ thì “kiến tánh” phát sinh trí tuệ, chúng ta có thể nhìn thấu vạn pháp bằng tâm thái của chư Phật và không còn nhìn bằng tâm của chúng sinh. Nhìn ở phương diện ngôn ngữ, ta có thể xem thái độ khẳng định của Tuệ Trung về “kiến tính” ở con người là một quan niệm độc đáo, khi cởi bỏ mọi trói buộc của ngôn ngữ văn tự, giới luật, không còn phân biệt cao thấp, sang hèn. Có thể thấy tinh thần tự lực để đi đến “kiến tính” thành tựu được quả Phật, chỉ đơn giản là chúng ta cần dứt bỏ các tạp niệm tham, sân và si. Đức Phật từng nói: Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác[12].

Quan niệm được thể hiện trong thơ của về bất nhị, kiến tính, đã nói lên được tư tưởng cốt lõi thiền học của ông đem lại cho mọi người. Tuệ Trung mở ra một khuynh hướng tu tập cởi mở, phá chấp triệt để giúp mọi người có thể tu tập và hài hòa trong đời sống. Hơn nữa, ông đề cao “cái thấy” để chúng ta nhìn nhận đúng về mọi sự biểu hiện của tâm thức và vạn vật. Từ đó, ứng dụng vào cuộc sống, quan niệm này giúp con người tin vào chính mình và năng lực giác ngộ ở mỗi cá nhân luôn sẵn có, mỗi người luôn có tâm lành, tính thiện chỉ cần quay về để nhận biết và hướng tâm theo con đường chân chánh. Như vậy, tinh thần thiền học về “bất nhị và kiến tánh” trong thơ Thiền Tuệ Trung Thượng sĩ không chỉ có giá trị trong lĩnh vực trong Phật giáo mà còn có ý nghĩa đối với mọi tầng lớp trong xã hội, giúp con người có niềm tin vào bản thân và góp phần xây dựng đời sống nhân sinh quan tích cực.

[1] Viện Khoa Học Xã Hội Trung Tâm Nghiên Cứu Hán Nôm (2011), Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền tông Việt Nam, tr.175 Nxb. Đà Nẵng.

[2] Thích Minh Châu (1999), Tương Ưng bộ Kinh, Kinh Ca chiên diên thị, Chương 12, Phẩm Tương ưng nhân duyên, Nxb. TP.HCM.

[3] Thích Minh Cảnh (2011), Từ Điển Phật Học Huệ Quang, Tập I, tr.482 Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

[4] Nguyễn Huệ Chi (1988), Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Tr.282 Nxb. Khoa Học Xã Hội.

[5] Nguyễn Huệ Chi (1988), Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Tr.289 Nxb. Khoa Học Xã Hội.

[6] Thích Minh Châu (1999), Tiểu Bộ Tập 1, Kinh Phật Tự Thuyết, Phẩm Bồ Đề, Nxb. TP.HCM.

[7] Đại Sư Tông Bổn (dịch và chú giải) – Nguyễn Minh Tiến (Hiệu đính Hán văn) – Nguyễn Minh Hiến (2011), Quy Nguyên Trực Chỉ, Tr. 1041, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

[8] Viện Văn học (1982), Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Quyển thượng. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[9] Thích Minh Cảnh (2011), Từ Điển Phật Học Huệ Quang, Tập I, Tr.2136, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

[10] Thích Thiện Siêu (2003), Lược giảng Kinh Pháp Hoa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

[11] Nguyễn Huệ Chi (1988), Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Tr.243, Nxb. Khoa Học Xã Hội

[12] DTKVN, Thích Minh Châu (1999), Kinh Tương ưng V, chương 3, Phẩm Ambapàli, Phần Bệnh, Nxb. TP.HCM.

Nguyên Nam

Bài viết liên quan

Phản hồi