Trọn đời cống hiến

Những ngày này miền Trung lại gánh chịu thiên tai; Huế vừa trải qua cơn bão, Hội An bị ngâp lụt, một số tỉnh thành chìm trong mưa!

Đâu đó, một góc xứ Huế thân thương, đồi thông che chắn các ngôi cổ tự. Giữa mùa mưa bão, tiếng chuông chiều vẫn ngân vang theo thời khóa.

Tam quan chùa Từ Hiếu
Từ cổ tự sinh ra…Con đường Nam Giao dẫn về tổ đình danh tiếng – nơi ấy, sau cánh cổng, ngôi chánh điện uy nghi trầm lắng. “Sắc tứ Từ Hiếu tự” – là một sắc phong của vua Tự Đức vì ái mộ đức Hiếu của cố HT.Nhất Định, Tổ khai sơn. Nơi đây, nguyên là một thảo am ẩn tu cùng mẹ của ngài Nhất Định.
Năm 1848, Hòa thượng viên tịch, vua cho trùng tu, mở mang thành ngôi già-lam. Từ đó, Từ Hiếu trải qua bao đời kế thế “trụ Pháp vương gia”, với các bậc chân tu khả kính.
Cũng tại ngôi cổ tự này, có những chú điệu được giáo dục nghiêm minh, từng lót dạ sắn khoai độn cơm hằng bữa, trái vả chấm chao làm món ăn thường ngày, dưới cội thông ngấu nghiến các bộ luật, Tỳ-ni nhật dụng đợi ngày phủi chóp.
Mưa vẫn mưa, nắng vẫn nắng, bao mùa lá rụng, các điệu lớn dần với thời gian, người làm trụ trì, người đi hoằng pháp. Trong dòng nhân duyên đó, chú điệu Nguyễn Xuân Bảo năm xưa, rời khỏi quê nghèo, biến thành cánh chim bạt gió với đạo danh Thích Nhất Hạnh.
16 tuổi, khi thọ Sa-di, những năm 1950, người đã có nhiều dự kiến đưa đạo Phật thoát khỏi sinh hoạt lối mòn. Miền Nam Việt Nam là đất dụng võ cho những tầm nhìn vượt thời gian, từ đây, thầy đóng góp cho Phật giáo VN không ít những công sức về giáo dục, văn hóa, xã hội, sáng tác hàng trăm tác phẩm nổi tiếng, trong đó, có Hoa sen trong biển lửa lúc vận động hòa bình cho Việt Nam. Chẳng những thế, Người còn khuyến cáo bảo vệ môi trường, Người nói:
“Ta và Đất Mẹ không phải là hai thực tại riêng biệt. Đất Mẹ chính là ta, ta là Đất Mẹ. Đất Mẹ không phải chỉ là môi trường.
Con đã được biểu hiện từ Đất Mẹ, con sẽ trở về Đất Mẹ để tiếp tục được biểu hiện hàng triệu lần nữa, để cùng với Tăng thân con làm công việc chuyển rác thành hoa, bảo hộ sự sống và xây dựng một Tịnh độ ngay trên mặt đất này”.
Đầu những năm 1960, trường Thanh niên Phụng sự Xã hội là một tổ chức mang tâm nguyện giúp đỡ người dân trong các vùng đạn bom xây dựng lại cuộc sống trước bao đổ nát. Nhưng, chiến tranh khó bao dung lòng nhân đạo, xương máu nam nữ, tu sĩ đổ xuống, không làm cho đất mẹ xanh tươi hơn, chôn vùi lý tưởng đi trước thời cuộc của một tu sĩ nung bầu nhiệt huyết với quê hương và đạo pháp.
Thầy đành rũ áo xa quê biền biệt hơn 40 năm xuôi ngược trên đất khách quê người. Thiền sư Nhất Hạnh đã được thế giới biết đến từ đó, từ độ kết hợp với Mục sư Martin Luther King Jr vận động hòa bình. Năm 1967, ngài được Mục sư đề cử giải Nobel hòa bình. Vô thường rẽ chia đôi bạn cùng lý tưởng, để rồi, một thân một bóng, Thiền sư đưa Phật giáo vào đời với danh xưng “nhập thế”. Nhờ đó, nhiều thành phần trong xã hội, các tôn giáo đều có người tham gia nếp sống “chánh niệm”, “hiện pháp lạc trú” – giúp giải quyết áp lực căng thẳng trong đời sống xã hội công nghiệp.
Ngoài trung tâm tu học chính Làng Mai tại Pháp, nhiều tu viện đã được thành lập như: Lộc Uyển, Bích Nham, Rừng Phong, trung tâm tu tập Thanh Sơn, tu viện Từ Hiếu – Diệu Trạm, Viện Phật học ứng dụng Châu Âu, chùa Đại Bi, trung tâm tại Úc, trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan, tu viện Mộc Lan, thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Viện Phật học ứng dụng Châu Á… và một số cơ sở cá nhân tu tập theo pháp “chánh niệm” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ngoài những trung tâm chính thức, Thiền sư còn hướng dẫn thiền tập chánh niệm cho Google, Ngân hàng Thế giới và Trường Y Đại học Harvard, các sinh viên đại học, sĩ quan cảnh sát, các nghị sĩ dân biểu…
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Chất liệu hạnh phúcĐơn giản hóa pháp hành Phật giáo đi vào xã hội công nghiệp là một cải tiến thành công, đem lại sinh khí mới cho các thế hệ hiện đại. Theo Người: “An trú trong giây phút hiện tại là trở về quê hương đích thực của mình, quê hương đích thực không hề bị giới hạn bởi thời gian, không gian, quốc tịch hay chủng tộc. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc. Chúng ta thực tập yêu thương, thực tập từ bi và biết rằng yêu thương đem đến hạnh phúc. Không có yêu thương thì không có hạnh phúc. Tất cả những bậc đạo sư xưa nay đều dạy ta yêu thương và cách yêu thương cụ thể nhất là tránh gây đau khổ và hiến tặng niềm vui”.
Người nói: “Tâm trí có thể đi theo hàng ngàn hướng, nhưng trên con đường tuyệt đẹp này, tôi bước đi trong hòa bình. Với mỗi bước, hoa nở”.
Những năm gần đây, tuy bị đột quỵ, nhưng thần thái Thiền sư vẫn an lạc, làm điểm tựa cho hàng vạn đệ tử khắp nơi. Đi khắp thế giới, lá vẫn muốn rụng về cội, cuối đời người, ngài mong được trở lại chốn ban đầu mà chú tiểu Nguyễn Xuân Bảo năm xưa phát chí tu hành, để trở thành một tu sĩ Phật giáo Việt Nam lừng danh thế giới. Chiếc bóng hào quang nhập lại quê hương, ai ra đi cũng không khỏi chạnh lòng nhớ về chốn ấy.
Có lẽ, nơi cõi tục, không ai tránh khỏi chướng duyên: “Nếu đường đời bằng phẳng cả thì anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Nhìn chung, sự thành công của Người đóng góp không nhỏ cho Phật giáo và xã hội, vẫn là nét son cho Phật giáo VN và dân tộc VN khi Người được dựng tượng đài, vinh danh một trong 25 nhân vật quốc tế tại Fox Square Park ở thành phố Oakland, California.
Như lời của Melvin McLeod đã viết: “Tôi đã gặp một vị Thầy đúng nghĩa trên nhiều phương diện, thâm sâu và chứng đạt, chú trọng cả tu tập lẫn xây dựng Tăng thân, thấm nhuần vừa giáo pháp truyền thống vừa biết rõ hướng đi của thế giới ngày nay”.
Hay, nhận xét của Malte Conradi và Sarah Raich: “Nếu nhân vật Yoda – nhà hiền triết trong phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars) – được xây dựng dựa trên một người có thật trong cuộc đời thì ắt hẳn phải là vị thầy này”.
*
Ngày mai, 11-10, ngày Tiếp nối của Thiền sư với tuổi 94. Hàng vạn tín đồ đang hướng về tổ đình Từ Hiếu, nơi từng rạng danh Tổ Nhất Định về đức Hiếu. Gần hai thế kỷ sau, ngôi cổ tự trầm lắng một lần nữa có một danh Tăng đem Phật giáo vào đời bằng con đường nhập thế…
Minh Mẫn/ Giacngo.vn

Bài viết liên quan

Phản hồi