TP.HCM: Khoá tu một ngày An Lạc chủ đề “Ý nghĩa hiện thân của Bồ tát Quan Thế Âm”
PGĐS – Ngày 27/10/2024 (nhằm ngày 25/9/Giáp Thìn), Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP.HCM tổ chức khóa tu ngày An lạc tại Việt Nam Quốc Tự, với sự tham gia hơn 300 Phật tử vân tập nghe Pháp thoại với chủ đề “Ý nghĩa hiện thân của Bồ Tát Quan Thế Âm”.
Quang cảnh Phật tử vân tập về giảng đường chùa VNQT nghe Pháp
Thời giảng Pháp buổi sáng với sự quang lâm và chia sẻ của nhị vị Giảng sư, Hoà thượng Thích Nhật Hỷ, UV.HĐTS, Phó Ban kiêm Trưởng Ban hoằng pháp GHPGVN TP.HCM và Thượng tọa Thích Giác Tín, Phó Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM.
Hoà thượng Thích Nhật Hỷ, chia sẻ thời khoá thứ nhất
Nhằm mục đích giúp hạnh giả hiểu rõ hơn hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm, áp dụng lời Phật dạy và khuyến tấn hàng Phật tử, hành trì theo hạnh ấy và áp dụng vào trong cuộc sống thực tại, Hai vị giảng sư đã thuyết giảng chi tiết về sự hiện thân của Bồ Tát Quan Thế Âm.
Phật tử tập trung nghe thuyết giảng
Bồ Tát Quan Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cứu khổ cứu nạn tất cả chúng sinh trong 6 nẻo luân hồi. Cho nên, Phật Tử chúng ta dù tu theo pháp môn nào cũng phải thường xuyên niệm hồng danh của Ngài. Ngài gia hộ, độ trì cho mới thoát khỏi tai nạn, khổ ách mỗi khi đến với mọi người chúng ta đều phải niệm “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” thì được giải thoát, tai qua nạn khỏi và sự nghiệp tu hành mới mau chóng thành tựu theo sở cầu như nguyện. Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, Đức Phật đã từng nói: “Sở dĩ Bồ-tát có tên là Quán Thế Âm là vì Ngài thường quán sát, lắng nghe tiếng kêu cầu của chúng sinh mà ứng hiện để ban vui cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh đang thọ khổ, nghe danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm mà thành kính xưng niệm, tức thì những chúng sinh đó thoát khỏi sự khổ”.
Thượng tọa Thích Giác Tín chia sẻ thời Pháp thứ hai
Chính vì thế, Đức Phật dạy: “Quán Thế Âm Bồ-tát có đại oai thần lực như thế nên tạo nhiều lợi ích cho chúng sinh. Do đó chúng sinh cần phải thường nhớ nghĩ trong tâm… Nếu có người thọ trì sáu mươi hai ức hằng hà sa danh hiệu Bồ-tát, lại trọn đời cúng dường thức ăn thức uống, y phục, giường nằm, thuốc men…, công đức của người thiện nam, thiện nữ đó rất nhiều. Lại nếu có người thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm dù chỉ một thời lễ bái, cúng dường, phước đức của người này không khác người thọ trì sáu mươi hai ức hằng hà sa danh hiệu Bồ-tát, trong trăm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận. Thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm được vô lượng vô biên phước đức như thế”.
Hình ảnh tượng Quan Thế Âm Bồ Tát trong khuôn viên chùa Việt Nam Quốc Tự
Với ý nghĩa đó, Phật bà Quan Âm bồ tát dùng cành dương liễu tưới nước cam lồ, biểu trưng cho lòng nhẫn nhục nhu tuyến. Nếu thiếu cành dương liễu sẽ không tưới nước cam lồ được. Và nếu có lòng từ bi mà thiếu sự nhẫn nhục thì lòng từ bi không lâu dài, không đem lại lợi ích cho chúng sinh. Chính vì vậy mà đức nhẫn nhuc và lòng từ bi luôn đi với nhau, thiếu một đức thì đức kia không thực hiện được. Phật quan thế âm bồ tát thường xuất hiện với hình tượng cầm trên tay bình cam lồ và cành liễu.
Chư tôn đức dẫn chúng Tụng kinh đầu giờ chiều
Chiều cùng ngày sau thời khóa tụng kinh, tất cả đại chúng bước vào buổi Pháp đàm với sự hướng dẫn và diễn giải các câu trả lời, Ban giảng sư đoàn và do Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh, UV.HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM làm chủ Pháp đàm.
Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh, điều phối chương trình Pháp đàm
Qua gần 20 câu hỏi từ Phật tử gửi tới khóa tu, xoay quanh chủ đề Bồ Tát Quan Thế Âm, các câu hỏi đã được đoàn giảng sư trả lời mạch lạc để hàng phật tử hiểu rõ kiến thức cũng như ứng dụng lời Phật dạy vào thực tiễn. Sự hiện thân của Đức Quán Thế Âm mang đến cho chúng ta một thông điệp đó là tình thương yêu, nhẫn nại và sự tỉnh thức vì lòng từ bi dùng mọi phương tiện hóa thân…Với những hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, Bồ tát luôn luôn có mặt khắp nơi dìu dắt mọi người thoát khỏi khổ đau.
ảnh Đoàn Giảng sư Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM tham dự Pháp đàm
Qua những ý nghĩa trên, chúng ta thấy lòng từ bi cao cả của Bồ tát thật khôn lường. Lễ bái tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta phải luôn ghi nhớ hai đức tánh căn bản của Ngài: nhẫn nhục và từ bi, để đem áp dụng đời sống hàng ngày. Có thể, sự lễ bái mới thật sự hữu ích và vô cùng cần thiết.
Dưới đây một số hình ảnh ghi nhận tại khóa tu:
Thực hiện: Tổ TTTT BHP GHPGVN TP.HCM
Phản hồi