Tổng hợp chuỗi Thiện pháp tặng đồ ấm mùa lạnh cuối tháng 12 của Cộng đồng Thabarwa VN

Đức Phật tuyên bố: “Này các Tỳ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”. Ngài khuyến khích hàng Tỳ-kheo: “Hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”. Bồ-tát hạnh là con đường mà tất cả các hành giả Phật giáo đều thực hiện, bằng nhiều phương tiện. Các thiện pháp Ba-la-mật trợ duyên lành đến chúng sanh bằng cả tài thí – pháp thí – vô úy thí mà không bị tham ái, dính mắc, ngã mạn, tà kiến cuốn trôi; tam nghiệp lấy bi-trí-dũng hướng đến cứu cánh Niết-bàn, dứt luân hồi.

Thể theo tinh thần lời Phật, tôn trọng giáo Pháp Thích-ca, hướng đến chánh trí và viên mãn đời sống tâm, mục tiêu giác ngộ giải thoát sanh tử, cộng đồng Thabarwa tiếp nhận truyền thống tu tập của Hệ thống truyền thừa Thiền Vipassana dưới sự ảnh hưởng lời dạy Chánh niệm Xả ly – Thiện pháp không giới hạn của Thiền sư Ottamathara, các nhóm thiền sinh trong và ngoài nước của gần 130 Trung tâm Thiền Thabarwa luôn nỗ lực hành thiền trong mọi hoàn cảnh và thực hiện các thiện pháp vô chấp vô trụ dựa trên chánh kiến về Khổ – Vô thường – Vô ngã với các Tâm Tịnh Hảo.

Mười Ba-la-mật theo Phật giáo Nguyên Thủy gồm: Dāna (sa. dāna): bố thí, Sīla (sa. śīla): trì giới, Nekkhamma (sa. niṣkramaṇa): xuất gia (từ bỏ cuộc sống tại gia cư sĩ), Paññā (sa.prajñā): trí tuệ, Viriya (sa. vīrya): tinh tấn, Khanti (sa. kṣānti): nhẫn nại, Sacca (sa. satya): chân thật, Adhiṭṭhāna (sa. adhiṣṭhāna): quyết định, Mettā (sa. maitrī): tâm từ, Upekkhā (sa. upekṣā): tâm xả (xem Tứ Phạm trú). Bồ-tát luôn sẵn sàng bố thí, giúp đỡ một cách rộng lớn, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, quốc gia, vùng miền, tôn giáo… nhưng không bao giờ cầu mong báo đáp, chỉ kết duyên lành vì chánh trí giải thoát. Thẩm thấu sâu sắc Pháp học, Thabarwa VN đại diện Phật tử Tâm Từ Bi kính thỉnh Phó giáo Sư Nguyễn Hữu Sơn – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, trình lên HT.TS Thích Bửu Chánh – trụ trì Thiền viện Phước Sơn, Thabarwa Phước Sơn – Đồng Nai, cúng dường 600 áo ấm (chất liệu len, nỉ cách nhiệt, thun dày) trong thời gian Hòa thượng đang giảng dạy Tăng Ni sinh tại đây.

Văn phòng Học viện Phật giáo Sóc Sơn (Hà Nội) đã rất hoan hỷ tiếp nhận và đồng hành cùng đoàn. Hiện vật tuy nhỏ nhưng chứa đựng sâu sắc tấm lòng người con Phật, tình Pháp lữ, tâm đạo chân thành; kính tri ân Học viện Phật giáo tại Hà Nội, đến Tăng Ni sinh Học viện; là niềm động viên, khuyến học khuyến tu, kế thừa giáo pháp với các thế hệ Tăng Ni trẻ.

Song song với các hoạt động Thiện pháp, thực hành Ba-la-mật (Parami) trong cả nước, Thabarwa VN trong tháng tiếp tục gửi 20 chăn ấm và 20 gối cúng dường Tăng Ni Tổ đình Sắc Tứ Giác Nguyên, Đơn Dương, Lâm Đồng; 350 đôi tất ấm đến Tăng Ni trường Trung Cấp Phật học Đà Lạt và Tổ Đình. Cũng trong thời gian này, gửi gần 30 chăn ấm và 350 đôi tất đến Học viện Huế tùy hỷ quý giáo thọ sắp xếp chia chúng; 130 chăn ấm và 100 gối, 20 áo ấm đến khóa Thiền Quốc tế Vipassana tại chùa Tiêu Dao, Gia Lâm, Hà Nội; cúng dường 70 áo ấm đến các Sadi Ấn Độ, 20 bộ pháp phục cho cư sĩ; cúng dường 70 áo ấm đến chư Tăng giáo thọ Sư Srilanka. Đồng thời tặng 10 chăn ấm 10 áo ấm đến bà con nghèo, cựu chiến binh tại Thái Bình; tặng hơn 10 chăn ấm và hơn 10 áo ấm đến bà con tỉnh Nam Định nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12. Hiện tại đang chuyển tiếp 320 áo ấm đến Tăng Ni sinh giáo thọ tại Học viện Phật giáo Huế và gần 30 áo khoác lạnh đến Tăng Ni Trường Trung cấp Phật học Đà Lạt.

Những việc làm thiết thực của Thabarwa VN những mong hộ trì Tam bảo rộng lớn, hạt nhân góp phần gắn kết Tăng thân, gắn kết cộng đồng nhân loại trong vô ngã vị tha, gieo duyên lành đến chúng sanh, đến những người hữu duyên; truyền cảm hứng thiện lành để nhân sinh cùng chung tay chung sống hòa bình, vì những điều tốt đẹp, tin ở Nhân và Quả, Nghiệp và Quả của Nghiệp giữa thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, thế giới đang xích lại gần nhau; góp phần giải quyết các vấn nạn của xã hội nhờ thực hành giáo pháp.

Đệ tử Phật dù theo truyền thống nào cũng cần nắm vững Tứ diệu đếDuyên khởiNhân quả, Luân hồi, Vô ngã, 37 phẩm trợ đạo, Bát chánh đạo… lấy khổ làm vui. 10 Ba-la-mật theo Nguyên thủy, 6 Ba-la-mật theo Đại thừa luôn gắn liền với Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), Tứ nhiếp pháp (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự). Bố thí là parami hữu hiệu đi vào đời hóa độ nhân sinh, tự độ độ tha. Bồ-tát dù chưa đạt giác ngộ nhưng luôn là một chúng sanh phi thường; luôn làm lợi ích chúng sanh, tu hành tùy thuận với tất cả.

Tin/ảnh: TN Viên Giác

Bài viết liên quan

Phản hồi