Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng người lãnh đạo của lòng dân, nhà lý luận cách mạng
Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 7 giờ đến 19 giờ 30 phút ngày 25/7, có 1.565 Đoàn (với khoảng 55.600 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào, đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà Tang lễ Quốc gia – số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TPHCM) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban tổ chức Lễ tang sẽ tạo điều kiện sắp xếp cho nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ 18 giờ 00 ngày 25/7/2024 , Ban Tổ chức lễ tang tạo điều kiện sắp xếp cho người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội). Khi đến viếng, người dân cần mặc trang phục tối màu, mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID mức độ 2 để quét mã QR. Các đoàn nên đi xe chung đến khu vực tổ chức lễ tang.
Bà Nguyễn Thị Sinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã có một đêm thức trắng để chờ đến giờ tới Lễ viếng. Từng phục vụ tiền tuyến trong kháng chiến chống Mỹ, bà luôn cảm phục cuộc đời cách mạng của Tổng Bí thư. “Hôm nay, chồng tôi quyết định nghỉ ở nhà trông cháu để tôi có thể tới viếng bác Trọng. Được gửi lời tri ân thành kính tới bác Trọng là tâm nguyện của vợ chồng tôi”, bà Sinh chia sẻ
Dòng người xếp hàng chờ mong được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà tang lễ Quốc gia, nhiều người dân đã không kìm được nước mắt, bày tỏ sự thương tiếc, tưởng nhớ đến cố Tổng Bí thư.
Người dân đổ ra đường, có mặt từ 6 giờ sáng trước Nhà tang lễ Quốc gia, bà Trần Thị Gái (Đông Anh, Hà Nội) đứng chờ tại khu vực gần Nhà tang lễ Quốc gia với tâm trạng xúc động. “Tôi rất thương tiếc bác Trọng, mấy ngày nay tôi buồn lắm. Tôi đã theo dõi bác Trọng từ những ngày đầu sự nghiệp của bác, luôn khắc ghi những đóng góp của cố Tổng Bí thư cho đất nước. Tôi dậy từ 3h sáng để chuẩn bị, đạp xe từ Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) đến nhà tang lễ chờ đợi với mong muốn được là một trong những người dân đầu tiên được viếng bác Trọng”, bác Gái tâm sự.
Cựu chiến binh Đoàn Thị Ngọc Loan (65 tuổi, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) không thể kìm nén được nước mắt khi theo dõi lễ tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua kênh phát sóng trực tiếp.
“Biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi cảm giác như mất đi một người thân. Để có thể có cơ hội được vào viếng ông, tôi đã đi từ hôm qua, thuê nhà ở gần đây và xếp hàng từ sáng sớm”, bà Loan bùi ngùi chia sẻ.
Trong dòng người chờ viếng trước Nhà tang lễ Quốc gia, bà Nguyễn Thị Nhung (80 tuổi, quận Đống Đa) cũng đã không kìm nén được cảm xúc, đôi mắt ngấn lệ và vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của vị lãnh đạo đã cống hiến trọn đời cho nhân dân, đất nước.
Cầm trên tay tờ báo có di ảnh của cố Tổng Bí thư, bà Nhung nghẹn ngào chia sẻ: “Từ ngày nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, tôi cảm thấy rất mất mát và tiếc thương cho ông. Tổng Bí thư là một vị lãnh đạo có nhiều cống hiến cho đất nước, cho nhân dân và rất bình dị”.
Trong ngày đầu tiên Quốc tang, tại Nhà tang lễ Quốc gia, Ban Tổ chức Lễ tang phân bổ thời gian viếng tang của các đoàn. Trong dòng người đến viếng, ai nấy cũng đều bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với sự ra đi của người lãnh đạo tận trung với Đảng, tận hiếu với dân.
Riêng với xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đông đảo nhân dân và các đoàn đến viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Trong sáng nay (25/7), đã có 500 đoàn đăng ký với khoảng 14.000 lượt người viếng, tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đoàn người vào viếng Tổng Bí thư cũng có rất nhiều người dân ở xa về viếng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hội tụ đầy đủ những phẩm chất, bản lĩnh của một nhà lãnh đạo xuất sắc, một chính khách, một nhà lý luận cách mạng. Là người lãnh đạo với cương vị Tổng Bí thư của Đảng lãnh đạo và cầm quyền, có những năm còn giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, đồng chí cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát triển Cương lĩnh, đường lối đổi mới, cụ thể hóa, thể chế hóa thành chính sách, pháp luật, lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế. Là nhà lý luận, hoạt động khoa học, đồng chí cùng Trung ương, Chính phủ thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phát triển và nhận thức rõ hơn cơ sở lý luận, khoa học của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới của đất nước và thời đại.
PV : Trang Vân – Mạnh Cường
Phản hồi