Tình thương đưa tới giải thoát
Trong giới Phật tử có những người nghĩ rằng tứ vô lượng tâm không phải là giáo lý cao nhất trong đạo Bụt mà chỉ là giáo lý phương tiện thôi. Đó là điều hết sức sai lầm. Thậm chí có những vị luận giả nói rằng sự thực tập tứ vô lượng tâm không diệt trừ hoàn toàn được những nỗi khổ đau phiền não trong con người của ta. Trong khi ấy chúng ta lại xưng tán đức Từ phụ là đức đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả:
Đại từ đại bi thương chúng sanh
Đại hỷ đại xả cứu muôn loài
Tướng tốt quang minh tự trang nghiêm
Chúng con hết lòng quy mạng lễ
(Đại từ đại bi mẫn chúng sanh
Đại hỷ đại xả tế hàm thức
Tướng hảo quang minh dĩ tự nghiêm
Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ)
Đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả là bản chất của một vị toàn giác.
Nhan nhản trong các tác phẩm về luận tạng ta thấy có rất nhiều vị cho rằng Từ Bi Hỷ Xả không phải là pháp môn cao siêu nhất của đạo Bụt, chúng ta chỉ có thể thành tựu được một phần nào sự nghiệp giải thoát thôi do sự thực tập Từ Bi Hỷ Xả. Đó là những điều sai lầm mà ta phải vượt thắng.
Một hôm nọ có một số các thầy đi khất thực, thấy trời đang còn sớm nên đã rủ nhau vào một tu viện ngoại đạo để chơi với các thầy ngoại đạo. Chuyện này cũng hay xảy ra lắm. Các thầy ngoại đạo nói: “Này các thầy, đạo sĩ Gotama dạy về tứ vô lượng tâm là Từ Bi Hỷ Xả, chúng tôi ở đây cũng có dạy như vậy. Chúng tôi cũng có dạy về bốn tâm vô lượng, vậy có gì khác giữa Bụt và chúng tôi đâu?” Các thầy khất sĩ sinh tâm hoài nghi, không được hoan hỷ, mới trở về báo cáo với Bụt. Bụt nói rằng bốn tâm vô lượng nếu thực tập cho thật sâu sắc thì sẽ đi đôi với Thất giác chi, tức là bảy yếu tố của giác ngộ và chúng sẽ đưa tới sự giải thoát hoàn toàn; còn tứ vô lượng tâm mà thực tập không sâu sắc, không đi đôi với tứ đế, bát chánh đạo và thất giác chi thì chỉ có thể đưa mình tới cõi Phạm Thiên, sống bao nhiêu ngàn vạn năm đó rồi rốt cuộc cũng rơi trở lại kiếp khổ đau như thường.
Vì vậy có hai thứ tứ vô lượng tâm: tứ vô lượng tâm nửa chừng và tứ vô lượng tâm thực tập trong tinh thần của thất giác chi và bát chánh đạo. Tứ vô lượng tâm này đưa tới sự giải thoát hoàn toàn. Câu chuyện trong kinh này cho ta thấy tính cách tương tức giữa giáo lý tứ vô lượng tâm và những giáo lý khác như giáo lý tứ đế và bát chánh đạo.
Đây là kinh số 744 của bộ Tạp A Hàm trong Hán Tạng.
(HT. Thích Nhất Hạnh)
Phản hồi