Tinh thần “Nhập thế” trong “Cư trần lạc đạo phú” của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Vua Trần Nhân Tông tên húy là Trần Khâm, sinh năm 1258. Ông là con trưởng của Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu. Lên ngôi năm 1278 và lấy niên hiệu là Hiếu Hoàng, ông trở thành một bậc minh quân của đất nước khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử giữ gìn độc lập dân tộc và mở mang bờ cõi, trong hai lần quân Mông Nguyên sang xâm lấn nước ta (1285 và 1288):  “Dưới thời vua trị vì đã diễn ra hai hội nghị có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Hội nghị tướng lĩnh Bình Than và hội nghị bô lão Diên Hồng[1]. Tuy nhiên, sau khi đánh đuổi quân xâm lược, Trần Nhân Tông một mặt củng cố quân sự, mặt khác ra sức thiết lập bộ máy nhà nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và chăm lo đời sống của nhân dân, bởi ông biết phương Bắc vẫn không ngừng nuôi mộng thôn tính nước ta.

Thừa hưởng tư tưởng Phật học từ ông nội là Trần Thái Tông và vị thầy của mình là Tuệ Trung Thượng Sĩ, với tư tưởng “Phật tại tâm”, đề cao bản thể Phật tánh trong mỗi người, tu theo Phật nhưng không xuất gia và một tinh thần phá chấp triệt để. Tuy nhiên Trần Nhân Tông lại chọn con đường xuất gia và thực hành hạnh đầu đà. Năm 1299, Trần Nhân Tông quyết định lên đường xuất gia “Từ bỏ ngai vàng như trút chiếc giày rách”[2], sau khi giác ngộ Phật pháp ông lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Trần Nhân Tông là vị Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền mang dấu ấn tư tưởng của văn hoá Đại Việt. Với tư tưởng “nhập thế” trong phương thức “văn dĩ tải đạo”, biểu hiện qua tác phẩm  “Cư Trần Lạc Đạo Phú”, ông đã đưa tinh thần thiền học vào đời sống của nhân dân đầy sinh động.

Ngay khi mới lên non sơn Yên Tử, vua Trần Nhân Tông đã tích cực chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm, cốt yếu là sự độc lập về văn hoá tư tưởng của dân tộc: “Điều Ngự lập ra Chi đề Tinh xá, giảng pháp độ tăng. Người học về đây quy tụ khá đông. Sau đó, Điều Ngự mời các danh tăng về chùa Phổ Minh, phủ Thiên Trường lập ra trường giảng…[3]. Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của thiền phái, ông cho phát hành: Phật Giáo Pháp Sự Ðạo Tràng Công Văn Cách Thức, một cuốn sách nói về thể thức và các bài văn sớ, tấu, điệp, dùng trong các nghi lễ thọ giới, chẩn tế, cầu an, cầu siêu, khánh thành…”[4]. Thông qua các việc làm trên, ông đã định hướng cho sự thống nhất về mặt tổ chức và hoạt động của Thiền phái. Trúc Lâm Đại Sĩ chống tay gậy trúc dạo đi vào tận các ngõ ngách xóm làng để giảng dạy về Năm Giới và Thập Thiện “Giáo lý nhập thế căn bản của Đạo Phật đặt trên nền tảng của ba nghiệp: Thân – Khẩu – Ý của con người. Từ ba nghiệp tạo nên một mẫu người đạo đức lý tưởng và hài hoà, những con người ấy sẽ tạo thành một xã hội tốt đẹp, xoá bỏ được những tệ nạn tràn lan[5]. Nhằm nâng cao đạo đức của nhân dân để mọi người sống làm tốt đời đẹp đạo. Vào thời gian này, người người đều noi gương vua quan cùng nhau học đạo và tu tập, loại bỏ những điều mê tín dị đoan, xây dựng niềm tin chân chính.

 Hoạt động hoằng pháp của Trần Nhân Tông được nhân dân đón nhận nhiệt thành và nhiều người đã trở thành đệ tử của ông. Vua Trần Anh Tông dâng biểu mời Trúc Lâm Đại Sĩ vào cung để cầu xin thọ Bồ Tát giới tại gia cho vua và quan lại trong triều “Ngày vào thành, vương công, bá quan sắm lễ nghi đầy đủ đón rước xa giá của Điều Ngự, rồi cùng thọ giới pháp[6]. Ở nước ta, vào thời kì này người tu Phật rất đông, tất cả nhờ vào sự chuyển hoá các phương pháp tu tập: “Trúc Lâm đã tạo ra được một khả năng giáo hóa cho hết thảy mọi người, từ bậc thức giả đến người dân nghèo khổ nơi thôn cùng ngõ hẻm. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi Trần Nhân Tông kế thừa một cách thành công từ những gì mà các vị tiền bối đã làm được và phát triển một cách sáng tạo[7]. Trần Nhân Tông thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử giúp cho Phật giáo thời này hình thành xu thế mới. Đối với chư Tăng Ni, họ có thể “thăng chứng” trên con đường tâm linh nhưng cũng có thể “nhập thế” giáo hoá chúng sinh, hoà quyện với đời sống nhân dân. Tinh thần đó được thể hiện trong bài “Kệ Vân” của Ngài:

Sống giữa phàm trần, hãy tuỳ duyên mà vui với đạo
Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác
Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn vô tâm, thì cần chi hỏi thiền nữa
.”[8]

Với tinh thần nhập thế tích cực, triết lý “tuỳ duyên” được thể hiện qua ý tứ của bài thơ, thông qua sự thể nghiệm sâu sắc của Hương Vân Đại Đầu Đà. Khi ta sống giữa phàm trần, bao điều thuận duyên và nghịch duyên nếu không có tâm thái an định và tỉnh thức, ta khó có thể giữ được bản thân của mình. Vì vậy, dù thân ở giữa thành thị nghĩa là ở chốn lao xao mà tâm vẫn an định: Mình ngồi thành thị/ Nết dụng sơn lâm[9]. Khi chúng ta giữ được tâm sáng suốt, tĩnh lặng, không ham mê danh lợi thì ở đâu cũng vậy, giữa chốn ồn ào náo nhiệt cũng có thể thâm nhập được đạo: “Áng tư tài, tính sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử/ Rằn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông[10]. Ở chốn trần tục mà ta giác ngộ được đạo thì điều đó mới vô cùng đáng quý, còn giữa núi rừng mà không giác ngộ thì uổng công dụng tâm tu tập: Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc/ Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công[11]. Cho nên, Cư Trần Lạc Đạo là đích đến cần hướng tới trong đời sống của người Phật tử. Để thực hiện điều đó, ta cần phải hiểu rõ được ba vấn đề: Nhậm vận tùy duyên, Gia trung hữu bảo và Đối cảnh vô tâm, khi hiểu rõ về tư tưởng của ông, cũng như sự ảnh hưởng chi phối của các yếu tố trên đối với trong quá trình sáng tác của Trúc Lâm Đại Sĩ.

Dân tộc ta rất tự hào vì có vị vua đi tu là Trần Nhân Tông. Tại đất nước Ấn Độ, có hai nhân vật làm vua cũng đi tu: Đức Phật Thích Ca và Vardhamana Mahavira (khai tổ của đạo Kỳ Na giáo). Đức Phật xuất thân gia cấp quý tộc, nhưng bằng lòng thương cảm và tầm nhìn sâu sắc về triết lý nhân sinh, đã quyết tâm từ bỏ vinh hoa và dục vọng, để đi tìm con đường giải thoát vĩnh hằng cho nhân loại thoát khỏi con đường sinh diệt. Trần Nhân Tông cũng với lòng từ bi ấy, thừa hưởng tinh hoa Phật học đã dựng nên thiền phái Trúc Lâm, một mặt truyền bá chánh pháp của Đức Phật đến đông đảo quần chúng nhân dân, mặt khác bảo tồn và phát huy những truyền thống, văn hoá quý báu của dân tộc, đưa Phật giáo vào đời sống như triết lý nhập thế, tạo nên mạch Phật pháp ở Việt Nam phát triển đến tận ngày nay.

Trúc Lâm Đại Sĩ và các vị Thiền sư thời kì này đã tiếp thu những tinh hoa từ Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, kết hợp với truyền thống văn hoá dân tộc để kết tinh thành văn hoá Phật giáo Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã thể hiện được tính độc lập và tinh thần tiếp thu sáng tạo về mặt văn hoá, tư tưởng. Cùng với sự độc lập về chính trị là sự độc lập về văn hóa của dân tộc ta: “Tư tưởng biện tâm của Phật giáo Việt Nam đã khiến cho các tín đồ có lòng tự tín mãnh liệt vào khả năng đắc chứng của bản thân mình, đó là một chân lý[12].

Tinh thần nhập thế trong “Cư Trần Lạc Đạo Phú” của Trần Nhân Tông là điển hình “Nhập Thế” của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo đời Trần nói riêng. Trần Nhân Tông vừa là vua lãnh đạo đất nước, vừa là một vị Tổ của thiền phái Phật giáo Việt Nam với triết lý “nhập thế” đặc sắc. Quan điểm của Trần Nhân Tông nói riêng và các vị sư thời Lý – Trần nói chung đều chung một tư tưởng là: Phật pháp trên thế gian/Không thể rời thế gian mà giác ngộ. Cho nên, các tư tưởng được chủ đạo trong thơ văn thời kì này là “Biện tâm, Phật tại tâm, nhập thế, nhập trần hoà quang đồng trần, tuỳ duyên…”. Đạo Phật đã đi vào cuộc đời, lấy chúng sinh làm đối tượng phụng sự và làm các pháp cho sự hành trì tu tập. Bởi vậy, khi đất nước lâm nguy, các Phật tử đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận”, họ đã lên ngựa cầm quân ra trận, giết giặc để cứu nguy cho nước, cho dân. Trần Nhân Tông đã ứng dụng linh hoạt tinh thần từ bi cứu khổ của Phật giáo vào hành xử trong cuộc sống và đem lại những giá trị văn hoá Phật giáo đặc sắc cho dân tộc ta.

[1] Lê Cung (cb), Trần Thuận, Hoàng Chí Hiếu (2010), Trần Nhân Tông Cuộc Đời Và Sự Nghiệp. Nxb Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, tr.44.

[2] Ngô Thì Sĩ: Việt sử tiêu án, Nxb Văn hóa Á Châu, 1960.

[3] Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam Tổ Thực Lục Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.19.

[4] Nguyễn Lang (2008): Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học, Tr. 234.

[5] Nhiều tác giả (2004), Trần Nhân Tông Vị Vua Phật Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

[6] Thích Phước Sơn (dịch và chú giải) (1995), Sđd, tr.20.

[7] Nhiều tác giả (2004), Trần Nhân Tông vị vua Phật Việt Nam, Sđd, tr. 49 – 50.

[8]  Thơ văn Lý Trần (1998), (tập II), Nxb Khoa học xã hội, tr 510.

[9]  Thơ Văn Lý Trần (1998), Tập II, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 505.

[10] Thơ Văn Lý Trần (1998), Tập II, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 505.

[11] Thơ Văn Lý Trần (1998), Tập II, Nxb Khoa học Xã hội tr. 506.

[12] Lê Cung (cb), Trần Thuận, Hoàng Chí Hiếu (2010), Trần Nhân Tông Cuộc Đời Và Sự Nghiệp. Nxb Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, tr.223.

Ngộ Dũng

Bài viết liên quan

Phản hồi