TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA ĐẠO PHẬT VỚI THỜI ĐẠI
PGĐS – Trong suốt chiều dài lịch sử hoằng dương Chánh Pháp, Đạo Phật đã không ngừng lan toả đi thông điệp Từ Bi, yêu thương và hướng đến an vui vĩnh hằng. Để tinh thần ấy hoà nhập vào văn hoá của từng miền đất mới, từng quốc gia lãnh thổ với nhiều màu sắc truyền thống riêng, Phật giáo phải liên tục tiếp thu, chuyển mình và thích ứng. Một đặc điểm đáng tự hào là thông điệp về Từ Bi và Trí Tuệ của Đạo Phật, lành thay lại là thông điệp nhân văn mà toàn nhân loại hướng đến. Phật giáo đã ăn sâu, bám rễ vào từng nếp văn hoá của mỗi dẫn tộc khác nhau, bằng tinh thần nhập thế tích cực, với tôn chỉ “ban vui cứu khổ” làm lợi ích cho chúng sinh.
Ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, tinh thần nhập thế đã được phổ biến trong phương thức truyền đạo của đấng Chánh Giác. Nhập thế của Đạo Phật thực chất là hành động đem đạo vào đời, nhằm mong con người có cuộc sống ấm no về thân và an vui tại tâm. Chính vì lẽ đó, ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã thể hiện sự đồng điệu sâu sắc, gần gũi trong nền văn hoá nông nghiệp lúa nước, yêu chuộng hoà bình của người Việt. Trong thời kỳ đất nước hội nhập như hiện nay, triết lý về tinh thần nhập thế của Đạo Phật thêm một lần nữa phát huy tính diệu dụng của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, và thâm nhập vào hầu hết mọi lĩnh vực văn hoá, giáo dục, tín ngưỡng của toàn xã hội.
“Nhập thế” thực chất là mối tương quan giữa các hoạt động của tôn giáo gắn liền với các lĩnh vực đời sống xã hội. Trên tinh thần “Vào gánh vác việc đời, không xa lánh cõi đời”, Phật giáo đã chủ động tham gia vào các vấn đề thiết yếu của xã hội như giáo dục, văn hoá, an sinh, thiện nguyện… Một mặt nhằm thực hành hạnh Từ Bi là tôn chỉ của giáo lý, mặt khác nhằm chuyển tải tinh thần triết lý đạo đức và phương thức tu tập của đạo Phật đến với xã hội. Trên tinh thần ấy, người thực hành pháp nhập thế của đạo Phật vừa là một nhà hoạt động xã hội, vừa là một nhà giáo dục bằng thân giáo, truyền tải lời dạy của Đức Phật thông qua các hoạt động của mình.
Bằng con đường hoà bình, Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước, và chưa từng bó buộc phạm vi giáo hoá của mình trong khuôn viên tự viện. Việc truyền đạo và chăm sóc đời sống tinh thần cho nhân dân được định hình bằng hoạt động xã hội, công ích, kiến thiết đất nước, giáo dục con người trên tinh thần rèn luyện đạo đức, tịnh hoá hành vi mà Đức Phật từng chỉ dạy. Với tinh thần “ra ngoài xã hội có thể cứu dân giúp nước, còn ở nhà thì có thể thờ phụng mẹ cha và lúc một mình có thể dùng để hoàn thiện bản thân”, Phật giáo xác định cho cả tu sĩ xuất gia và Phật tử tại gia cách thực hành hạnh “nhập thế”.
Thuở còn tại thế, có lần vua Ajatashatru xứ Magadha đến hỏi Đức Phật về việc có nên đánh chiếm nước Vajji ở phía Bắc sông Ganga hay không, vì cho rằng Ngài là một bậc hiền triết có thể tiên tri mọi sự. Cả ba lần thỉnh ý, Đức Phật đều khuyên Ajatashatru không nên đánh, Ngài giải thích rằng quân và dân xứ Vajji trước nay đều đồng lòng thực hành “Bảy pháp giữ gìn cho quốc gia không bị suy thoái”, nên đây là một đất nước cường thịnh, không thể bị đánh chiếm. Việc phân tích tình hình chính trị của Vajja thực chất chỉ là một cách giải thích và khuyên can khéo léo đối với quân thần Ajatashatru, nhằm tránh một cuộc chiến xâm lược đẫm máu, mà sau cùng người đau khổ mất mát nhất vẫn là nhân dân. Vậy mới nói, Đức Thế Tôn tuy rời xa trần tục, không màng danh vọng nhưng đối với việc cứu dân giúp nước, Ngài không hề bàng quan lạnh nhạt. Câu chuyện này được kể lại cùng với bài kệ trong Kinh Tương Ưng Bộ (Saµyuktāgama) rằng:
“Thắng trận sanh thù oán
Bại trận nếm khổ đau
Ai bỏ thắng, bỏ bại
Tịch tịnh, hưởng an lạc”.
Ở Việt Nam, thời nhà Đinh có thiền sư Ngô Chân Lưu từng được phong chức Tăng Thống, ban hiệu Khuông Việt Thái Sư. Ngài từng được mời làm cố vấn về văn hoá, chính trị và đời sống tâm linh cho đất nước ở hai đời vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Hay còn có thiền sư Đỗ Pháp Thuận và thiền sư Vạn Hạnh, từng là cố vấn chính trị giúp vua Lê đối đầu quân Tống, bảo vệ vẹn toàn đất nước. Chẳng những thế, thiền sư Vạn Hạnh còn có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua khi nhà Tiền Lê suy vong cực độ. Hay cố vấn cua Lý Thái Tổ dời đô về Đại La, biến nơi đây thành trung tâm chính trị, văn hoá – xã hội của nước Đại Cồ Việt lúc bấy giờ.
Đến thời vua Trần Nhân Tông, tinh thần nhập thế lại càng thêm nhuận sắc khi ông mạnh dạn đưa giáo lý “Thập Thiện” vào truyền bá trong nhân dân, trong quá trình thân giáo của mình. Trần Nhân Tông tự mình đi khắp nơi, giảng dạy và khuyến khích nhân dân tu theo pháp Thập Thiện, “Giáo lý nhập thế căn bản của Đạo Phật đặt trên nền tảng ba nghiệp: Thân – Khẩu – Ý của con người. Từ ba nghiệp trên tạo nên một mẫu người đạo đức lý tưởng và hài hoà, những con người ấy sẽ tạo thành một xã hội tốt đẹp, xoá bỏ những tệ nạn tràn lan”. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Nhân Tông đã cùng quân dân Đại Việt làm nên chiến thắng vang dội lịch sử. Mặc dù khi ấy đã xuất gia tu tập, nhưng khi nước nhà lâm nguy ông vẫn không ngần ngại mà đứng ra lãnh đạo dân tộc, thể hiện mình là một nhà quân sự tài ba, một thiền sư lỗi lạc và là người lãnh đạo uy tín của Phật giáo. Từ đây ông khẳng định vai trò tích cực nhập thế của Phật giáo sẽ góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể khẳng định “nhập thế” là một thuộc tính căn bản của Phật giáo, là con đường mà người học Phật đều sẽ trải qua trong hành trình tu đạo. Việc tương tác với xã hội là chất liệu cần thiết cho sự tu tập và chuyển hoá nội tâm, nên Phật giáo nhập thế là yếu tố cần thiết cho sự chuyển hoá giữa thân, tâm và thế giới bên ngoài thông qua những mục đích tốt đẹp. Đối với xã hội ngày nay, “tinh thần nhập thế” được thể hiện qua các hình thức như: Sinh hoạt lễ hội tôn giáo, xây dựng chùa tháp, hoạt động từ thiện xã hội, giáo dục và các thể tài văn hoá (kinh, sách, nghệ thuật,…).
Phật giáo Việt Nam đã và đang bền bỉ dấn thân vào cuộc đời, xây dựng nhiều giá trị đạo đức tích cực, “nhập thế vị nhân sinh” để tự mình làm gương cho hạnh từ bi mà Đức Phật đã trọn đời răn dạy.
Thích Ngộ Hạnh
Phản hồi