Tinh thần cầu nguyện của người Phật tử khi đi chùa
Người Phật tử đi đến chùa cầu nguyện và thực hành theo đúng đạo lý nhân quả như thế chính là cầu nguyện đúng với tinh thần của Phật pháp. Như thế thì sẽ không còn lo là cầu mong mà không được nữa, gọi là “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, ở trong cửa Phật cầu gì sẽ được như vậy.
Thông thường, mọi người đến chùa với nhiều mục đích khác nhau, nhưng phần nhiều là để cầu nguyện như: cầu làm ăn phát đạt, cầu tai qua nạn khỏi, cầu cho con cái thi học đỗ đạt, cầu cho gia đạo bốn mùa bình yên, cầu cho mọi việc đầu xuôi đuôi lọt hoặc cầu cho sức khỏe dồi dào…Cầu nguyện như thế không phải là sai, nhưng nếu xét về phương diện của một người tu học theo Phật thì những việc làm ấy chỉ là dành cho những người mới biết đến đạo Phật và là lần đầu tiên đi đến chùa, còn những người đã đi đến chùa hay đã quy y với Tam bảo ít nhất cũng là một năm và nhiều hơn là mấy chục năm thì cần phải hiểu rõ được mục đích chính yếu của việc cầu nguyện.
Đạo Phật là đạo Giác ngộ, thấy rõ được sự thật của thế gian, không còn mê lầm chấp trước nữa. Sự quy y với Phật là sự trở về nương tựa với ánh sáng trí tuệ giác ngộ thấy rõ sự thật của đức Phật. Sự thật đó là gì? Chính là ba pháp ấn của đạo Phật gồm:
Muôn vật đều vô thường
Vạn pháp nương nhau thành
Tỉnh lặng vui bậc nhất
Thật ra, dù chúng ta có cầu đức Phật ban cho sớm có được trí tuệ giải thoát khổ đau đi nữa, thì cuối cùng cũng phải tự bản thân của mình học hiểu và ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày để có thể thấy rõ được chân lý và không còn mê lầm khổ đau mà thôi.
Đức Phật là một người chỉ đường và chúng ta là người bước đi trên con đường đó để đến đích. Cầu nguyện chính là mong ngài chỉ dạy cho cách thức tu tập để thoát khổ, mà không phải là muốn ngài ban cho sự an lạc giải thoát. Không ai có thể làm được điều ấy, ngay cả đức Phật, mà phải tự mỗi người thực hành để thấy được lợi ích.
Như vậy, ngay cả việc giải thoát giác ngộ mà đức Phật cũng không thể ban phát thì huống nữa là những việc cầu nguyện mong được tại ý khác. Nếu ngài làm được điều ấy thì khi xưa, cha mẹ và gia đình thân thích của ngài đâu có bị bệnh, già và chết. Thậm chí là ngay cả bản thân của ngài cũng không thể thoát khỏi quy luật vô thường sinh diệt đó. Khi xưa, lúc đã tám mươi tuổi, một hôm trong lúc đi giáo hóa, đức Phật cảm thấy mỏi mệt và đau lưng, cho nên ngài đã bảo với Tôn giả A-nan hãy trải tấm y ra để nằm nghỉ lưng.
Do đó, một người Phật tử cầu nguyện như thế nào mới đúng với chánh pháp mà đức Phật đã dạy?
Nếu người muốn làm ăn giàu có phát đạt thì phải nỗ lực làm việc và gieo trồng, vun bồi nhiều phước đức bằng những việc làm lành thiện như bố thí và giúp đỡ cho mọi người nghèo khó túng thiếu. Mình giúp người lúc này thì người sẽ giúp lại cho mình lúc khác. Từ một cái hạt giống tốt ban đầu, nhưng khi mọc thành cây và ra hoa sẽ cho rất nhiều trái ngon.
Nếu chỉ mong được giàu có bằng cách cầu Phật ban cho trúng vé số hay trúng số đề là một việc làm huyễn hoặc mê tín, không bao giờ có. Đồng thời cũng cần phải giữ giới không có trộm cắp, lầy đồ của người khác thì sẽ có quả báo giàu có đầy đủ.
Người muốn sống lâu, khỏe mạnh thì cần phải giữ giới không sát hại sinh mạng và đồng thời phải tập ăn chay và phóng sinh sứu mạng loài vật. Nếu cứ gieo cái nhân sát hại và cứ ăn xác thịt của loài vật mãi thì làm sao có thể được cái quả khỏe mạnh và sống lâu? Ngoài ra, còn phải siêng năng phóng sinh để đền chuộc lại những lỗi lầm mà mình đã gây tạo trong nhiều kiếp trước. Đó chính là sự cầu nguyện chân chính của một người tu Phật.
Người muốn cầu cho gia đình được êm ấm hạnh phúc thì cần phải giữ giới không tà dâm, lang chạ đối với những người không phải là vợ hay chồng của mình. Luôn có tâm thủy chung, trước sau như một và biết khuyên bảo và giữ gìn hạnh phúc cho người khác.
Người muốn cầu cho mọi người người luôn quan tâm, yêu mến và tin tưởng thì cần phải giữ giới không nói dối hoặc không nói những lời thô ác gây tổn hại. Đồng thời phải tập nói những lời ôn hòa, nhẹ nhàng đúng với Phật pháp có tác dụng làm cho người khác vui vẻ, an ổn.
Người muốn có được trí sáng suốt, thông minh thì cần phải tránh xa những việc uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích làm tâm trí mê mờ, tinh thần sa đọa. Đồng thời còn phải siêng năng nghe học chánh pháp để giúp trí tuệ tăng trưởng và tâm từ bi rộng lớn.
Nếu làm trái ngược với đạo lý nhân quả này, thì dù có hết lòng cầu nguyện mãi mãi cũng không bao giờ có được, theo như trong Kinh gọi là: “Lấy cát mà nấu thành cơm thì dù trải qua muôn ngàn kiếp cũng không bao giờ có được”.
Như vậy, không chỉ có những người tu hành theo pháp môn Tịnh độ mới cần có đủ ba điều kiện mà ngay cả người Phật tử tu theo những pháp môn khác cũng cần có đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh.
Trước phải có lòng tin sâu chắc vào Tam bảo và xem đó là vị thầy dẫn đường, là ngọn đèn soi sáng dẫn dắt chúng sinh đi đến chỗ giác ngộ sáng suốt an lạc.
Kế đến là cầu nguyện hay phát nguyện làm theo những lời đức Phật đã chỉ dạy thông qua năm điều giới mà mỗi người đã thọ nhận khi làm lễ quy y.
Sau cùng là nỗ lực thực hành những điều mà mình đã mong cầu hay thệ nguyện để có được kết quả như ý thông qua việc giữ gìn giới luật và tích cực hăng say làm tất cả mọi việc lành thiện không bao giờ thấy đầy đủ và cũng không bỏ sót dù là một việc nhỏ.
Người Phật tử đi đến chùa cầu nguyện và thực hành theo đúng đạo lý nhân quả như thế chính là cầu nguyện đúng với tinh thần của Phật pháp. Như thế thì sẽ không còn lo là cầu mong mà không được nữa, gọi là “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, ở trong cửa Phật cầu gì sẽ được như vậy.
Phản hồi