Tiêu thụ sân hận theo lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tất cả chúng ta cần phải biết cách xử lý và chăm sóc cơn giận. Muốn vậy ta phải chú ý đến khía cạnh sinh – hóa (bio-chemical) của sân hận, bởi vì cơn giận có gốc rễ từ thể chất cũng như từ tinh thần.
Phân tích cho sâu sắc ta có thể khám phá ra những yếu tố sinh lý của cơn giận. Vì vậy cần xét kỹ lại cách chúng ta ăn, uống, tiêu thụ cũng như săn sóc thể xác trong đời sống hằng ngày.
Cơn giận không phải chỉ là một hiện tượng tâm lý
Muốn tiêu thụ tâm sân hận chúng ta nên chú ý chăm sóc cơ thể, cách ăn uống… Ảnh minh họa.
Theo lời Bụt (Phật) dạy, thân và tâm không thể tách rời. Thân chính là tâm và đồng thời tâm cũng chính là thân. Vì thân và tâm liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời cho nên cơn giận không phải chỉ là một hiện tượng thuần túy tâm lý. Trong Đạo Bụt có danh từ namarupa. Namarupa tương đương với danh từ psycho-soma của khoa học Tây phương. Danh từ Namarupa hay psycho-soma có thể dịch là tâm – sinh – lý, là thân và tâm như một hợp thể. Cùng là một hiện tượng mà có khi phát hiện ra như thuộc về tâm, có khi phát hiện ra như thuộc về thân.
Quan sát tánh chất của các hạt cơ bản (elementary particle) các nhà khoa học vật lý khám phá ra rằng các hạt cơ bản có khi biểu hiện ra dưới một dạng sóng (wave), có khi biểu hiện ra như một hạt vật chất. Sóng rất khác với vật chất. Sóng chỉ có thể là sóng, nó không thể là vật chất. Nhưng đối với một hạt cơ bản thì sóng và vật chất cùng là một. Vì vậy thay vì gọi các hạt cơ bản là sóng hay vật chất, các nhà khoa học đã phối hợp hai danh từ wave và particle lại với nhau và gọi hạt cơ bản là ‘wavicle’.
Bảy phương cách chuyển hóa tâm sân hận
Thân và tâm cũng vậy. Do nhận thức nhị nguyên (dualistic view) mà ta nghĩ rằng tâm không thể là thân và thân không thể là tâm. Nhưng nếu quán chiếu cho sâu ta sẽ thấy rằng thân tức là tâm và tâm tức là thân. Nếu vượt thoát được lối nhìn nhị nguyên cho rằng thân và tâm là hai thực thể riêng biệt thì có thể đạt đến rất gần chân lý thực tại.
Nhiều người đã bắt đầu ý thức rằng tất cả những gì xảy đến cho thân thì cũng xảy đến cho tâm và ngược lại. Y khoa hiện đại đã nhận ra rằng thể xác bị bệnh có thể do tâm thần gây nên và tâm thần bị bệnh có thể do thể xác gây nên. Thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt mà chỉ là một.
Muốn chăm sóc cơn giận chúng ta trước phải chăm sóc thân thể. Cách chúng ta ăn uống, tiêu thụ vì vậy rất quan trọng.
Những gì chúng ta ăn quyết định con người chúng ta
Ăn uống là một thực tập sâu sắc đối với người Phật tử. Ảnh minh họa.
Sân hận, bực bội, tuyệt vọng tất cả đều có gốc rễ từ thể chất của ta và các thức ăn ta tiêu thụ. Ta phải có một kế hoạch ăn uống, tiêu thụ như thế nào để cho khỏi phải bị sân hận, bạo động xâm chiếm. Ăn uống là một khía cạnh của văn minh xã hội. Cách ta chế tác thức ăn, các loại thực phẩm ta tiêu thụ, cách ta ăn uống tất cả đều có quan hệ tới nền văn minh bởi vì sự lựa chọn của ta trong việc ăn uống có thể đem lại hòa bình và làm vơi bớt khổ đau.
Thức ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát khởi sân hận. Thức ăn có thể chứa đầy sân hận. Khi ăn miếng thịt của một con bò bị bệnh ‘bò điên’ (mad cow disease) thì cái ‘chất điên’ của con bò có sẵn trong miếng thịt. Không những thế, khi ăn một cái trứng hay một miếng thịt gà ta cũng phải biết rằng cái trứng hay miếng thị gà đó cũng có thể chứa đầy ‘chất sân hận’. Chúng ta ăn chất sân hận và sẽ phát khởi sân hận.
Hiện nay người ta nuôi gà theo kiểu sản xuất hàng loạt trong những nông trại tối tân. Trong các nông trại này, gà không được thả rông tìm ăn ngoài vườn mà bị nhốt trong chuồng chật hẹp. Trong các chuồng ấy ngày đêm gà chỉ có thể đứng một chỗ, không thể đi rông tìm ăn như gà thường. Chúng chỉ được người nuôi bằng thức ăn chế sẵn. Hãy tưởng tượng ngày đêm chúng ta bị nhốt đứng yên một chỗ, không được phép đi lại, chắc chắn chúng ta sẽ nổi điên. Gà cũng vậy. Gà bị nhốt như vậy cũng sẽ nổi điên.
Để cho gà đẻ trứng nhiều hơn, người ta dùng ánh sáng nhân tạo trong trại nuôi để tạo ra ngày và đêm ngắn hơn hai mươi bốn giờ khiến cho con gà theo nhịp độ ánh sáng mà đẻ trứng nhiều lần hơn, cung cấp nhiều trứng hơn. Gà được nuôi bằng phương pháp trên đây chắc chắn là bực bội, đau khổ vô cùng cho nên thường hay cắn mổ gà các chuồng bên cạnh có khi đến chết. Vì vậy mà trong các nông trại này người ta phải cắt cụt mỏ nhọn các con gà.
Thế cho nên khi ăn trứng hay thịt các con gà nuôi theo phương pháp trên là ăn căm giận, bực bội của các con gà đó. Vậy ta phải cẩn thận lắm mới được. Nếu ăn sân hận vào thì sẽ phát khởi sân hận. Nếu ăn bực bội, tuyệt vọng vào thì sẽ phát khởi bực bội, tuyệt vọng.
Ta nên ăn trứng do các con gà được nuôi một cách thảnh thơi, hạnh phúc. Không nên uống sữa từ những con bò có mang chất căm giận trong mình, nên uống sữa của các con bò được nuôi bằng thực phẩm và phương pháp tự nhiên. Phải hỗ trợ các nông gia chăn nuôi súc vật bằng những phương pháp nhân đạo, tự nhiên. Nên ăn các loại rau được trồng theo phương pháp hữu cơ. Rau cải hữu cơ có thể mắc tiền hơn, để bù lại ta có thể tập ăn ít đi. Ăn ít là một điều có thể tập được.
Lắng nghe với tâm từ bi làm vơi bớt khổ đau
Tiêu thụ sân hận qua các giác quan khác
Tâm sân hận được nuôi dưỡng không phải chỉ bằng các thức ăn mà còn bằng những gì ta tiêu thụ qua mắt, tai, và ý thức. Như vậy tiêu thụ những sản phẩm văn hóa cũng có liên hệ tới tâm sân hận. Cho nên hoạch định một đường lối tiêu thụ là rất quan trọng.
Tất cả những gì ta đọc trong báo chí, xem trên truyền hình đều có thể độc hại vì có thể chứa đầy những yếu tố sân hận, bức xúc. Một cuốn phim trên màn ảnh, cũng như một miếng thịt bò, có thể chứa đầy sân hận. Báo chí cũng như chuyện trò cũng có thể chứa đầy sân hận.
Đôi khi vì cảm thấy trống trải mà ta chuyện trò. Nhưng chỉ nội trong một giờ những lời nói của người kia có thể đưa vào tâm thức ta rất nhiều độc tố. Nếu ta tiêu thụ quá nhiều độc tố sân hận thì một ngày nào đó sân hận sẽ phát hiện. Vì vậy cho nên tiêu thụ cho có chánh niệm là một điều rất quan trọng. Khi nghe tin tức hay đọc một bài báo, khi bàn luận một vấn đề gì với người khác cũng có thể là ta đang tiếp nhận những độc tố như khi ta ăn uống thiếu chánh niệm.
Ăn cho đúng và ăn ít lại
Có nhiều người ăn thật nhiều để quên đi buồn phiền, trầm cảm. Nhưng ăn nhiều quá sẽ gây hại cho bộ phận tiêu hóa và sân hận dễ phát khởi. Ăn nhiều quá sẽ tạo ra quá nhiều năng lượng. Nếu không biết xử lý thì năng lượng ấy có thể biến thành năng lượng của sân hận, tình dục và bạo động.
Khi ăn đúng thì có thể ăn ít lại. Chúng ta chỉ cần phân nửa số lượng thực phẩm tiêu thụ hằng ngày. Muốn ăn cho đúng thì nên nhai ít nhất là năm mươi lần trước khi nuốt. Khi ăn thật chậm, nhai thật kỹ thì thức ăn trong miệng sẽ nhừ nát và dễ tiêu, các chất bổ dưỡng sẽ dễ thấm vào cơ thể. Như thế tuy ăn ít mà lợi cho cơ thể còn hơn là ăn nhiều mà không tiêu hóa.
Ăn là một thực tập sâu sắc. Khi tôi ăn, tôi tận hưởng từng miếng ăn. Tôi ý thức rõ rệt từng miếng ăn trong miệng tôi, tôi ý thức là tôi đang ăn. Chúng ta thực tập chánh niệm về ăn uống bằng cách ý thức rõ là ta đang nhai thức ăn. Nhai thật cẩn thận, nhai với niềm vui trong lòng, thỉnh thoảng dừng lại để nhìn những người thân, bạn bè, tăng thân đang cùng ngồi ăn. Được ngồi thảnh thơi ăn chung với nhau là một niềm vui lớn. Khi ăn trong chánh niệm chúng ta sẽ không ăn trong buồn, giận, lo lắng, không ăn những dự án tương lai. Ăn những thức ăn do những người khác nấu trong thương yêu là một niềm vui lớn.
Khi miếng ăn được nhai càng nhuyễn thì hương vị của miếng ăn càng đậm đà và sẽ ngon gấp bội. Bạn thử tập ăn như vậy một lần đi. Hãy ý thức mỗi cái nhai. Ngay cả khi chỉ nhai một miếng bánh mì cũng vậy. Không cần phải có bơ hay mức ngọt (jelly) kèm theo mà cũng đã rất ngon. Bạn có thể dùng thêm một ít sữa. Tôi không bao giờ uống sữa. Tôi nhai sữa. Sau khi bỏ miếng bánh vào miệng và nhai trong chánh niệm vài lần tôi múc một muỗng sữa cho vào miệng và tiếp tục nhai cẩn thận. Nên biết rằng chỉ nhai bánh mì với một chút sữa như vậy mà ngon không biết chừng nào!
Bánh mì và sữa khi đã được nghiền nát trong miệng đến loãng ra thì đã được tiêu hóa được phần nửa rồi. Khi vào đến bao tử hay ruột thì sẽ tiêu hóa một cách dễ dàng. Bạn sẽ có được rất nhiều niềm vui và tự do khi nhai thức ăn như thế. Ăn như thế thì tự nhiên không cần ăn nhiều.
Khi lấy thức ăn, nên coi chừng con mắt. Đừng quá tin vào con mắt. Chính con mắt xúi giục ta lấy thật nhiều thức ăn. Chúng ta đâu có cần quá nhiều thức ăn. Nếu biết ăn trong chánh niệm và niềm vui thì chỉ cần phân nửa thức ăn mà mắt chúng ta xúi ta lấy. Xin mời bạn thử đi một lần. Nhai một miếng khoai tây, cà-rốt, hay nhai một miếng bánh mì với sữa đơn sơ như vậy có thể là một bữa ăn ngon nhất, trong đời. Mầu nhiệm vô cùng.
Tại Làng Mai, trung tâm thiền tập của chúng tôi tại Pháp, rất nhiều người trong chúng tôi luôn luôn ăn như vậy, nhai rất chậm rãi trong chánh niệm. Ăn như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho thể xác và từ đó cho phần tâm linh.
“Con mắt lớn hơn bao tử”. Phải biết tập trung năng lượng chánh niệm vào đôi mắt để ý thức rõ rệt số lượng thức ăn cần dùng. Tiếng Trung Hoa dùng danh từ ‘Ứng lượng khí (đồ dùng đựng vừa đủ)’ để chỉ cái bình bát của các Thầy, Cô trong chùa. Cái bình bát đó giúp giới hạn thức ăn. Lấy thức ăn đầy ngang miệng bình là và đủ ăn. Nếu biết ăn uống trong chánh niệm thì sẽ thấy rằng chỉ cần một phân nửa thức ăn mà mắt đang xúi giục ta gắp vào đĩa. Tập ăn ít lại có thể tiết kiệm tiền để mua các thực phẩm hữu cơ và hỗ trợ các nhà trồng trọt hữu cơ. Điều này mỗi chúng ta, mỗi gia đình đều có thể làm được.
Thực tập chánh niệm giới thứ năm
Thực tập chánh niệm giới thứ năm để tiêu thụ tâm sân hận… Ảnh minh họa.
Tất cả chúng ta cần có một kế hoạch tiết thực (diet) thông minh, trên căn bản của lý tưởng thương yêu và phụng sự. Năm phép thực tập chánh niệm (Năm Giới Quý Báu) là con đường thoát khổ cho nhân loại và cho riêng mỗi cá nhân. (xem phụ bản A).
Quán chiếu sâu sắc vào cách tiêu thụ là mục đích của phép thực tập chánh niệm giới thứ năm. Vì ý thức đau khổ do tiêu thụ thiếu chánh niệm gây nên cho nên chúng ta nguyện:
“. . . . xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. . .”
Nếu muốn chăm sóc tâm sân hận, bực bội, tuyệt vọng thì phải áp dụng thực tập chánh niệm giới thứ năm này vào đời sống. Nếu uống rượu mà có chánh niệm thì sẽ thấy rằng rượu tạo ra đau khổ. Rượu gây tật bệnh cho cơ thể và gây nên tai nạn chết người. Chế tạo rượu cũng gây nên đau khổ. Dùng các loại ngũ cốc để chế ra rượu có thể tạo ra nạn thiếu thực phẩm trên thế giới. Ăn uống có chánh niệm đem lại những tuệ giác có khả năng giải phóng như thế.
Tác hại của cơn nóng giận
Hãy bàn thảo với những người thân trong gia đình, kể cả với các cháu còn nhỏ tuổi, về một đường lối tiêu thụ. Các cháu tuy còn nhỏ nhưng có thể hiểu vấn đề này và chúng ta nên cho các cháu tham dự bàn thảo. Cả nhà sẽ cùng nhau quyết định nên ăn gì, uống gì xem những chương trình truyền hình nào, chuyện trò về những đề mục nào. Làm như thế là để tự bảo vệ.
Chúng ta không thể nói tới tâm sân hận, không thể luận về cách thức đối trị tâm sân hận mà không chú ý đến những gì mà chúng ta đang tiêu thụ, bởi vì tâm sân hận có liên hệ chặt chẽ với những gì mà chúng ta đang tiêu thụ. Hãy thảo luận với cộng đồng về một đường lối tiêu thụ có chánh niệm. Tại Làng Mai chúng tôi nỗ lực để tự bảo vệ. Chúng tôi không tiêu thụ những gì có thể nuôi lớn tâm sân hận, bực bội và sợ hãi. Trong mục đích tiêu thụ cho có chánh niệm, hãy thường xuyên thảo luận về những gì chúng ta ăn, cách thức chúng ta ăn uống, làm sao để bớt mua sắm, làm sao để chỉ tiêu thụ những thức ăn tốt cho cả thân lẫn tâm.
Trích từ chương 01 – Tác Phẩm Giận
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Phản hồi