Tiền Giang: Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm thuyết giảng Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa tại Hạ trường chùa Thiên Phước
PGĐS – Được sự phân công của Ban Tổ chức khóa An cư Kiết hạ Phật lịch 2567, năm nay Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm – Phó trưởng BTS, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang đảm trách thuyết giảng Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa đến với chư Ni hành giả An cư tại chùa Thiên Phước, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho. Sáng nay, ngày 14/6/2023, Ni trưởng đã bắt đầu chia sẻ ý kinh đến với đại chúng.
Kinh Pháp Hoa là bộ Kinh tối thượng thừa, được xuất hiện rất sớm trong hệ thống kinh điển Bắc truyền và được lưu truyền sâu rộng trong nhân gian, được nhiều người thọ trì đọc tụng; rất nhiều dịch giả phiên dịch ra nhiều thứ tiếng, và cũng được rất nhiều học giả nghiên cứu, chú thích, giảng giải, yếu giải v.v…
Mục đích của kinh Pháp Hoa là nói lên ý nguyện sự ra đời của đức Phật nhằm khai thị cho chúng sanh ngộ nhập được tri kiến Phật. Nội dung bộ kinh gồm có 28 phẩm chia làm bốn phần: phần thứ nhất là phần mở bày (khai) tri kiến Phật kể từ phẩm 1 cho đến phẩm 10, phần thứ hai là phần chỉ bày (thị) tri kiến Phật đều nằm trọn vẹn trong phẩm 11, phần thứ ba là phần tỏ ngộ (ngộ) tri kiến Phật, kể từ phẩm 12 cho đến phẩm 22 và phần thứ tư là phần chứng nhập (nhập) tri kiến Phật, kể từ phẩm 23 phẩm đến cuối cùng của bộ kinh là phẩm 28.
Yếu chỉ của bộ kinh là hình ảnh mà đức Phật muốn trình bày được gói gọn trong tinh thần của mỗi phẩm và tinh thần của mỗi phẩm được thể hiện trong đại ý của mỗi phẩm. Nên biết rằng kinh Pháp Hoa là bộ kinh dùng để tu tập hành trì chứ không phải dùng để lý luận triết học, càng phân tích máy móc thì làm cho người tu học càng khó nắm vững yếu chỉ của bộ kinh.
Tri kiến Phật được ẩn số trong kinh Pháp Hoa rất thâm diệu, mỗi nhà nghiên cứu đều lãnh hội ở một lăng kính khác nhau và nhìn thấy ở một góc độ của Tối Thượng Thừa cho nên trình bày giáo nghĩa mầu nhiệm không được nhất quán mà yếu chỉ toàn diện của bộ kinh muốn diễn đạt. Cũng từ sự trình bày không được nhất quán đó, những người thọ trì và đọc tụng khó khăn trong sự lãnh hội và tạo ra rất nhiều nghi vấn trong lãnh vực đặt trọn niềm tin vào giá trị của bộ kinh.
Theo tinh thần Kinh Pháp Hoa, hành giả nhờ đức tin vào Kinh nên mới phát nguyện đọc tụng, nhờ hành trì nên mới chứng đắc tri kiến Phật, vì lý do trên, kẻ tu tập trước hết phải có đức tin kiên cố vào Kinh Pháp Hoa và muốn có đức tin kiên cố vào Kinh Pháp Hoa, người tu tập bằng mọi cách phải nắm cho được yếu chỉ của Phật được gói gọn trong Kinh Pháp Hoa thì sự tu tập mới chóng viên thành đạo quả.
Yếu chỉ của Kinh Pháp Hoa mà đức Phật chỉ dạy là người tu tập phải chuyên cần thọ trì đến khi nào phát huy được Vô Tác Diệu Lực nơi tâm trí của mình và nhờ Vô Tác Diệu Lực đó móc nối những tri kiến Phật từ trong chân như trình diện cho mình thấy biết. Vô Tác Diệu Lực nơi Tâm Trí của mình không phải là Trí Lực nơi Ý Thức của mình. Trí lực nơi Ý Thức của mình thì thuộc về vọng tâm tác dụng và Vô Tác Diệu Lực nơi Tâm Trí của mình thì thuộc về chân tâm tác dụng. Trí lực của Ý Thức đối với các pháp hiện tướng bên ngoài chỉ hiểu biết gián tiếp năm trần qua ảo giác (Illusion) và cũng không thể hiểu biết trực tiếp đến hạt giống của các pháp nằm trong tâm thức Alaiya thì làm sao hiểu biết được tri kiến Phật trong chân như. Chỉ có Vô Tác Diệu Lực nơi tâm trí của mình mới có khả năng hiểu biết và móc nối trực tiếp đến những tri kiến Phật nơi trong chân như. Ngưòi tu tập nương theo Kinh Pháp Hoa hành trì đến khi nào phát huy được Vô tác Diệu Lực nơi tâm trí của mình là có thể ngộ nhập được tri kiến Phật.
Những lời văn trong Kinh Pháp Hoa của đức Phật thiết lập không khác nào ngón tay chỉ mặt trăng, chiếc thuyền qua bể khổ, công thức để tu tập mà nó không phải là mặt trăng, không phải là bến giác và cũng không phải là tri kiến Phật, còn người tu tập giả sử không cần đến những lời văn trong Kinh Pháp Hoa thì làm sao ngộ nhập được tri kiến Phật, trường hợp này chẳng khác chi hành giả trong khi tu tập mà không cần đến ngón tay thì làm sao thấy được mặt trăng, không cần đến chiếc thuyền thì làm sao đến được bờ giác. Đúng như trong các kinh, đức Phật thường nói: “Y kinh điển nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết”, nghĩa là căn cứ theo lời kinh để giảng nghĩa thì nói oan ba đời Phật, còn như bỏ hẳn lời kinh một chữ mà giảng giải thì giống tà thuyết của ngoại đạo không khác. Người tu tập nếu như nắm được những ý chính trong mỗi phẩm thì có thể khái niệm được một phần nào yếu chỉ của Phật trong Kinh Pháp Hoa.
Tóm lại vì một đại sự nhân duyên, đức Phật mới ra đời để khai mở, để chỉ bày cho chúng sanh để giác ngộ và để chứng nhập tri kiến Phật. Nhằm mục đích sớm hoàn thành đại sự nhân duyên ở trên, đức Phật liền mở hội giảng Kinh Pháp Hoa. Toàn bộ Kinh Pháp Hoa gồm có 28 Phẩm và nội dung 28 Phẩm, đức Phật trình bày Khai Phật Tri Kiến, Thị Phật Tri Kiến, Ngộ Phật Tri Kiến và Nhập Phật Tri Kiến. Trong 28 Phẩm, 10 Phẩm đầu, đức Phật Khai Phật Tri Kiến và trong 10 Phẩm đầu, Phẩm 1 (Phẩm Tựa) thì thuộc về phẩm Khai Pháp, tức là hiện bày tổng quát sự tướng của pháp giới. Từ Phẩm 2 đến Phẩm 7 thì thuộc về phẩm Khai Dụ và từ Phẩm 8 đến Phẩm 10 thì thuộc về phẩm Khai Nhân Duyên. Riêng Phẩm 11, đức Phật trình bày Thị Phật Tri Kiến. Từ Phẩm 12 đến Phẩm 22, đức Phật trình bày Ngộ Phật Tri Kiến. Từ Phẩm 23 đến Phẩm 28, đức Phật trình bày Nhập Phật Tri Kiến. Riêng phần Nhập Phật Tri Kiến, ba Phẩm đầu, từ Phẩm 23 đến Phẩm 25 thì nói lên ý nghĩa do hành trì tu tập làm nhân mà khắc phục được tất cả chướng duyên để đi đến kết quả là phát sanh được Bản Thân Như Ý. Ba Phẩm sau từ Phẩm 26 đến Phẩm 28 thì nói lên ý nghĩa nhờ công phu gia trì, quả Phật nhất định sẽ chứng đắc. Có thể nói Phần Nhập Tri Kiến nếu đã được thành tựu thì “Đại Sự Nhân Duyên” của Phật ra đời kể như viên mãn và cũng từ đó mới có danh nghĩa “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”.
Bằng những kinh nghiệm tu tập và hành đạo, qua thời thuyết giảng, Ni trưởng đã đem lại nhiều niềm tin và sự an lạc cho 116 chư Ni hành giả đang An cư tu học tại Hạ trường Thiên Phước năm 2023.
Nguồn: Ngọc Bối – PSO
Phản hồi