PGĐS – Mấy năm nay, tên tuổi, hình ảnh anh xám xịt trên các trang báo với những hành vi không nghiêm túc; khiến giới Phật giáo bất bình, dư luận xã hội đàm tiếu, cộng đồng mạng bức xúc (cố nhiên cũng có cả sự hả hê). Sẽ không có gì để bàn nếu anh không khoác chiếc áo người tu.
Anh biết không, “Thầy” là một mỹ hiệu thiêng liêng, cao quý. Khi thấy anh khoác chiếc áo tu, người ta tôn kính và gọi ngay anh là thầy. Cái chiếc áo ấy, người xuất gia khi mặc lên phải quán nguyện: “Lớn thay áo giải thoát, áo ruộng phước vô tướng; mặc chiếc áo này, con nguyện giữ trọn vẹn giới đức, phẩm hạnh để hóa độ mọi người” (Đại tai giải thoát phục, vô tướng phước điền y, phi phụng như giới hạnh, quảng độ chư chúng sinh).
Chiếc áo lý tưởng mà người tu đeo đuổi cả đời thì anh chỉ tốn vài đồng để mua, hoặc may rồi mặc nó. Vậy nên, biết bao người bức xúc về anh đã đến tôi tâm sự và hầu hết các nỗi niềm đều có mẫu số chung là “Phải giải quyết thầy ấy”.
– Tại sao phải giải quyết?
– Vì “Thầy ấy” không có tư cách, ăn thô nói tục, vào chốn dâm tửu…
– Có cơ sở để giải quyết?
– “Thầy” mượn đạo tạo đời…
Thú thật, lâu lâu có một vài vụ scandal về chuyện “trong chùa ngoài chùa” tôi cũng có xớ rớ vào, nhưng trường hợp của anh thì tôi tuyệt nhiên chỉ mỉm cười. Giới truyền thông đến đặt vấn đề, quần chúng Phật tử đến thắc mắc tôi chỉ nói “Anh ấy có là tu sĩ đâu”.
Ở đời, có người có tu mà không có sĩ, có người có sĩ nhưng không có tu. Sĩ là mĩ từ để tôn xưng nhân phẩm, nhân tài. Một người sống thanh cao, có văn hóa, có đạo đức được tôn vinh là bậc sĩ. Cũng có thể một ai đó “đúng Có nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương” thì cũng được liệt vào hàng sĩ. Còn người tu nghĩa tu thì chất sĩ sẽ trở nên thiêng liêng, cao quý hơn. Nấc thang đầu tiên của người vào đạo là Tu sĩ và cái đích cuối cùng là Vô thượng sĩ.
Xã hội phê phán người tu mà thiếu chất tu, kẻ sĩ mà thiếu chất sĩ, anh thì không có tu và cũng không có sĩ thì phê phán gì đây. Nếu nói vậy, đứng trước cái xấu mà không phê bình, nhìn thấy cái ác mà không lên án liệu có phải là vô cảm (?). Không, tôi không vô cảm. Tôi đồng cảm nhiều hơn. Tôi thử đặt vấn đề nếu như tôi sinh ra trong gia đình cha mẹ nghèo khổ, thất học lại còn khiếm khuyết về đạo đức thì đời tôi cũng sẽ bị rơi vào tình cảnh “cha nào con đó”. Do không được thân cận thầy lành, bạn tốt, bị xã hội ruồng bỏ, chỉ còn biết lân la, kết bạn với những kẻ đầu đường xó chợ, đâm thuê chém mướn thì cuộc đời tôi có khi còn tệ hơn anh hiện nay.
Cuộc sống ai cũng muốn vươn ra ánh sáng và hướng đến phương trời cao rộng. Cái lý tưởng rất đẹp nhưng không biết hướng đi nên anh đã vay mượn và sống với cái không phải mình: chiếc áo người tu. Khi khoác lên cái không phải mình, rồi nhiều tháng, nhiều năm ảo tưởng rằng nó là của mình, nó là mình rồi hành xử theo cái gọi là “Thầy tu”. Thực tế cái tướng “thầy” thì có trong khi cái nội hàm “tu” thì không. Tác tệ này không phải chỉ có mình anh vướng vào, vấn đề là nó biểu hiện thô hay tế mà thôi.
Tôi không trách anh nhưng tôi trách những người lợi dụng công nghệ, truyền thông để tôn vinh anh, cổ xúy anh và nâng anh “lên tầm cao mới”. Không chừng họ cũng đang lảng vảng trong nhóm “sĩ” nào đó. Anh vốn không có tu lại cũng không có sĩ nhưng được tôn vinh quá đà nên cái ảo tưởng về danh dự, về “cái đúng” nó trồi lên và tiếp tục xây dựng cái bản ngã bất thiện cho mình.
Sống ở đời hai chữ Tâm Phúc vô cùng ý nghĩa, nhưng nếu không được nuôi dưỡng thì cái tâm phúc kia sẽ trở mặt thành phản phúc. Hai chất liệu tâm phúc và phản phúc nó tiềm tàng nơi mỗi con người. Người sống trọn vẹn với trái tim (tâm) và sống hết lòng (phúc) với mọi người sẽ xứng đáng là bậc sĩ.
Như vậy luật pháp gọi tên anh, hình ảnh, “đạo nghiệp” của anh một lần nữa xám xịt trên truyền thông, báo chí. Không ít người hả hê… “Cho đáng đời”. Tôi thì chỉ ghi nhận: “Quả đã đến với anh”.
Tôi biết anh được tạo nên bởi những cái không phải anh. Cái tò mò tọc mạch, cái thị hiếu của số đông muốn “thưởng thức” cái… “độc lạ” đã góp phần đẩy anh vào ngõ tối.
Vậy ai chịu trách nhiệm về cái tâm phúc đầy phản phúc này? Đó là môi trường gia đình, môi trường giáo dục nhưng hơn hết là môi trường xã hội – trong đó có tôi – đã tạo nên anh; nhất là thời đại YouTube ngày nay.
Thích Trí Chơn
Ủy viên Hội đồng Trị sự,
Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM
Phản hồi