Thư giãn là hạnh phúc có mặt

Trong đời sống, rất nhiều người không có sự thư giãn. Chúng ta cần phải học cho được cách thư giãn. Ví dụ, tập đi thiền hành là cơ hội để tập thư giãn. Sự căng thẳng và thư giãn đi đôi với nhau, chúng có mặt cùng một lúc.

Vấn đề là cái nào nhiều, cái nào ít mà thôi. Trong chúng ta có sự căng thẳng, nhưng cũng có sự thư giãn. Tùy cách sống của mình mà ta có nhiều sự căng thẳng hay nhiều sự thư giãn.

Phát triển sự thư giãn, buông bỏ những lo lắng, sợ hãi và bạo động là hạnh phúc đang có mặt. Mỗi người đều có khả năng chế tác ra sự thư giãn với tư cách cá nhân và năng lượng đó sẽ ảnh hưởng tới tập thể. Thí dụ một người giáo viên nếu có ý thức nuôi dưỡng sự thư giãn trong mình và chế tác sự thư giãn đó cho học sinh thì việc dạy và học sẽ thành công hơn. Giữa giáo viên và học sinh có sự nhẹ nhàng mà không phải căng thẳng mệt mỏi.

Phát triển sự thư giãn, buông bỏ những lo lắng, sợ hãi và bạo động là hạnh phúc đang có mặt.

Phát triển sự thư giãn, buông bỏ những lo lắng, sợ hãi và bạo động là hạnh phúc đang có mặt.

Đạo đế là con đường mà trong đó có những phương pháp đưa tới sự thư giãn. Yếu tố đầu tiên của hạnh phúc là biết thư giãn để chấm dứt lo lắng, sợ hãi. Đứng về phương diện sinh học thì chính sự căng thẳng tạo ra lo lắng, sợ hãi, bạo động và bệnh tật. Trong não của ta có tuyến yên. Khi cảm thấy có tình trạng nguy hiểm thì tự nhiên tuyến yên sẽ tiết ra một chất hoá học trong máu. Nội trong mấy giây sau chất hoá học đó đụng tới tuyến thượng thận và nhả ra chất adrenalin, chất này vào trong máu thì sẽ khiến trái tim đập mạnh hơn để dồn máu tới hai chân, hai tay và đôi mắt để sẵn sàng đối phó với tình trạng nguy hiểm. Đó là phản ứng hoặc chống cự, hoặc là bỏ chạy. Muốn chống cự hay bỏ chạy đều cần dùng tới rất nhiều năng lượng và vì vậy các cơ năng khác phải dừng lại hết. Chất đó cũng khóa bộ máy tiêu hoá lại và không cho làm việc nữa. Lúc này cơ thể tạo ra sự căng thẳng. Nếu sự căng thẳng kéo dài thì nó sẽ làm hỏng bao tử và bộ phận tiêu hóa. Cho nên những người nào hay lo sợ rất có hại cho bao tử. Một thí dụ khác là trong lúc chạy đua thi đấu, trước khi người phát lệnh thổi còi cho bắt đầu cuộc thi chính là giây phút trong cơ thể các vận động viên tiết ra chất adrenalin. Nếu giây phút đó kéo dài quá lâu thì đương sự có thể sẽ chết.

Đôi khi trong đời sống hằng ngày khi nghe tiếng điện thoại reo ta cũng lo. Có khi nhìn những tờ báo ta cũng thấy lo vì không biết cổ phần đang lên hay đang xuống. Tuy không có những lo lắng lớn hay nguy hiểm lớn xảy ra nhưng những lo lắng nhỏ trong đời sống hằng ngày cũng làm cho chất adrenalin tiếp tục được tiết ra và  nó cũng khoá bộ máy tiêu hoá lại khiến ta bị căng thẳng. Những căng thẳng ấy dồn chứa mỗi ngày sẽ sinh ra đủ thứ bệnh. Mỗi khi căng thẳng thì hành động trở nên thô tháo và lời nói cộc cằn sẽ làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình, làm hư hoại tổ chức, bè bạn của ta. Do đó phải nắm cho được phương pháp thư giãn để giải tỏa những căng thẳng.

Nếu trong tâm đang có điều bất an thì sự thư giãn rất khó thực hiện được.

Nếu trong tâm đang có điều bất an thì sự thư giãn rất khó thực hiện được.

Những lúc ngồi thiền, thiền hành hay buông thư thì chất adrenalin không tiết ra. Buông thư toàn thân và nương vào hơi thở có ý thức thì trong ta bắt đầu có sự thư giãn. Thở vào tôi ý thức đây là hơi thở vào, thở vào tôi sung sướng được thở vào. Thở ra tôi ý thức về thân thể tôi, thở ra tôi làm cho thân thể tôi thư giãn. Là một người thực tập, chúng ta phải biết nuôi dưỡng sự thư giãn trong mỗi giây phút.

Khi làm việc với máy vi tính cũng có thư giãn mà đọc sách cũng thư giãn, lúc nào cũng thư giãn hết. Khi đi, phải đi sao cho có bình an mà không vội vàng như bị ma đuổi; khi ngồi thì phải ngồi như đang ngồi trên một đóa sen. Trong lúc thư giãn thì nhịp đập của trái tim sẽ chậm lại và hệ miễn dịch được tăng cường. Thư giãn không phải chỉ là vấn đề thể chất và hình hài. Nếu trong tâm đang có điều bất an thì sự thư giãn rất khó thực hiện được. Do đó phải tổ chức lại đời sống hàng ngày để đừng bị áp lực quá nhiều đừng để lo lắng, buồn khổ. Muốn vậy thì phải quán chiếu cho sâu sắc.

“Con đã có đường đi” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Bài viết liên quan

Phản hồi