Thư cho bạn
Thế giới tâm trí của con người là một phức hợp khó mà giải mã . Trong suốt chiều dài cuộc sống, hệ thống thần kinh não bộ đã tự xây dựng một phóng ảnh của thế giới ngoại cảnh, thông qua các giác quan với những điều kiện sinh học riêng của từng giác quan, mà hình thành một “thế-giới-tâm-trí”.
Anh đã đặt quá nhiều vấn đề vào chỉ một câu hỏi, “tại sao tôi lại như vầy?” .
Thực tình, tôi chỉ là một kẽ “thất phu”, chẳng biết phải nói thế nào nữa . Nhưng tôi thử đặt lại một số vấn đề từ hệ toạ độ gốc hiện tại , để làm các bước tiếp cận cho tư tưởng, xem sao ?
Thế giới tâm trí của con người là một phức hợp khó mà giải mã . Trong suốt chiều dài cuộc sống, hệ thống thần kinh não bộ đã tự xây dựng một phóng ảnh của thế giới ngoại cảnh, thông qua các giác quan với những điều kiện sinh học riêng của từng giác quan, mà hình thành một “thế-giới-tâm-trí”.
Toàn bộ cuộc sống, khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, thức, ăn, ngủ, làm việc, suy tư, già lú lẫn và chết, tất cả đều hoà vào giai điệu điều hành của “thế giới tâm trí” ấy .
Thế giới tâm trí này là thế giới điều-kiện-hoá, vì điều kiện của hệ thống quan năng của con người, do điều kiện ấy, của những điều kiện ấy, và chỉ phục vụ cho những sinh-vật-điều- kiện-tính ấy mà thôi .
Hãy thử tưởng tượng, nếu loài người có thêm, hay thiếu đi chỉ 1 giác quan thôi, thì có lẽ thế giới đã không như thế này . Đó là thế giới quá khứ của mỗi mỗi con người, và không phải là quá khứ vật lý như mình đã học .
Thế giới hiện tại , cũng vậy, đây chỉ là một cách nói về trạng thái bình thường của con người, đó là toàn bộ hoạt động khi thức, trong đó, hoạt động tâm trí diễn ra không ngừng nghỉ.
Khái lược hời hợt nhất về sự hoạt động của tâm trí, có 3 nhóm chính mà mỗi người tự nghiệm lấy :
Hệ thống Niềm tin và điều mong đợi :
Mỗi một người khi sinh ra đều mang theo một “niềm tin” thầm kín, ẩn mặt, vô tăm tích, nó thúc đẩy mọi luồng tư tưởng và hành vi con người .
Mỗi một người khi sinh ra, cũng đều mang theo một “điều mong đợi” thầm kín, ẩn mặt, vô tăm tích, nó thúc đẩy mọi luồng tư tưởng và hành vi con người .
Có phải khi ta khát, ta “tin” rằng chỉ uống nước và “mong đợi” hết khát ? Bất kỳ hành vi nào của ta, cũng tiềm ẩn một niềm tin và điều mong đợi thầm kín cả .
Tâm trí con người có cả một hệ thống “niềm tin và điều mong đợi” thầm kín như thế, hệ thống này giúp ta khuynh hướng quyết định cho hành vi . Chúng ẩn mặt trong vô thức, thúc đẩy con người phải hành xử như thế là như thế .
Hệ thống Bản đồ tâm trí :
Mỗi một người , từ khi sinh ra đến khi lớn khôn và cho đến khi chết, tâm trí tự xây dựng một hệ thống “bản đồ tâm trí” .
Anh chạy Honda hoặc lái xe hơi về nhà, anh chẳng cần xem địa chỉ, chẳng thèm nhìn những bảng tên đường, thậm chí anh đang đang suy tư đến công việc ngày mai, nhưng anh vẫn về đến chính cổng nhà anh, an toàn, chẳng đi lạc, chẳng tai nạn gì (nếu chẳng ai va quẹt anh) !
Tâm trí con người có cả một hệ thống “bản đồ tâm trí “ thầm kín, ẩn mặt trong vô thức như thế, và giúp con người tìm được không-thời-gian đối tượng để thoả mãn những điều kiện trong hệ thống “niềm tin và điều mong đợi”.
Hệ thống Kịch bản tâm trí :
Anh đã ở tại cổng nhà, vợ anh mở cửa, anh cười với vợ, anh dẫn xe vào, đầu óc vẫn lan man suy
nghĩ sắp xếp công việc ngày mai, anh hôn con, đầu óc vẫn lo việc ngày mai……xe vẫn cất đúng chỗ . Hệ thống “kịch bản tâm trí” tự động hành hoạt như thế, nhưng anh chẳng biết .
Tâm trí con người có cả một hệ thống “kịch bản tâm trí” thầm kín, ẩn mặt trong vô thức như thế, và thúc đẩy con người suy nghĩ, quyết định, nói năng, hành động, v….v, để đạt được “niềm tin và điều mong đợi” .
Hết thảy dữ liệu tâm trí trên, là thế giới hiện tại đang diễn tiến trong anh .Và anh phải thấy rằng, thế giới hiện tại của anh tiềm ẩn thế giới quá khứ của anh .
Thế giới tương lai : Khi anh được mời đi dự một đại lễ có nhiều quan khách quan trọng .
Trong tận đáy vô thức, anh “tin” rằng anh là người quan trọng và anh “mong đợi” rằng, nhiều nhân vật quan trọng sẽ bắt tay anh và biết đến anh . Hệ thống này bắt đầu vận hành background trong tâm trí .
Anh sẽ đến đó theo đường nào không kẹt xe, đường đại lộ hay đường hẽm, v…..v. Bản đồ tâm trí sắp xếp làm sao phù hợp nhất với hệ thống niềm tin và sự mong đợi trong tâm trí ! Nó chạy background trong tâm trí để anh chọn lựa theo tình huống mà anh đối mặt tức thì lúc đó .
Anh sẽ đến đó bằng “xe hơi riêng” hay “taxi” hay “đi nhờ một nhân vật quan trọng” có tên trong buổi lễ ; anh sẽ mặc complet, áo màu gì, cravat màu gì, giày ….; khi đến gặp ông A , anh sẽ chào ra sao ? Ông B, nói chuyện nội dung gì …..Cả một hệ thống “kịch bản tâm trí” đã bắt đầu chạy “background” ! Kịch bản tâm trí sẽ tối ưu hoá niềm tin và điều mong đợi trong anh và chuẩn bị sẵn cho anh đáp ứng và ứng xử với mọi tình huống trong tức thì !
Cả 3 hệ thống này, làm thành một hệ thống của vô số “chuẩn mực hành vi đáp ứng và ứng xử” để hình thành “nhân cách” của con người trong một không-thời-gian văn-hoá-dân-tộc cụ thể và riêng biệt, nhưng không ai giống ai, mỗi người là độc nhất vô nhị, kể cả những kẻ sinh đôi .
Đó là cả thế giới tương lai tiềm ẩn của anh .
Bởi vì hậu quả của hết thảy những đáp ứng và ứng xử ấy sẽ mang đến những đáp ứng và ứng xử ngược lại của từng người trong hết thảy những người anh đã và đang gặp trong suốt chiều dài lịch sử của anh .
Và như những phản ứng hoá học, hết thảy những chuỗi tương tác nhiều không thể tưởng tượng được ấy, đã ngẫu nhiên đi đến những kết tủa , hay làm sôi lên , làm bốc hơi biến mất, làm bùng nổ … hết thảy các sự kiện mà anh gặp hàng trong tương lai gần và xa. Đó là thế giới tương lai của anh, là những quả mà anh sẽ gặt.
Có khi chỉ là một xúc tác nhỏ nhoi như một hành vi vô tình, đã làm bùng nổ hệ thống tích tụ trong nơi không-có-không-thời-gian ấy, đã gây nên những bước ngoặt trong đời anh .
Cũng như những tiếng súng tại Trung Đông, có khi đã làm đổ sập cả núi tuyết tại Nam cực ?
Đó là cả thế giới tương lai của anh. Chuỗi tương tác, bùng nổ đó, là chuỗi vận mệnh sẽ đến với anh . Anh phải thấy rằng tương lai cũng chứa đựng hiện tại .
Như vậy, Quá khứ – Hiện tại – Tương lai là một chuỗi nối tiếp nhau, chúng không khác nhau, nhưng cũng không giống nhau, khi trình hiện trước mắt anh .
Làm sao để “không phải như thế này”, mà lại là “được như thế này” ?
Tôi biết, đây là điều anh mong đợi, tầm cầu , nhưng chẳng nơi nào có thể đoan chắc cho anh được thứ anh muốn .
Anh muốn làm ăn thành công, Anh muốn có hạnh phúc, Anh muốn có nhiều của cải ???
Nếu chỉ thuần tuý những mong cầu này theo kiểu cũ của anh, thì khó có thể đạt . Nhưng nếu theo chuẩn mực đạo đức, sự trầm tĩnh và trí tuệ, thì anh có thể đạt được .
Trước tiên, quá khứ là không thể sửa chữa được, vì cuộc đời là một trang giấy trắng tinh, khi anh đã viết hay vẽ vào đó, thì khó mà làm sạch được Thế nhưng, hiện tại lại tuỳ thuộc nơi anh,
tuỳ thuộc hệ thống “dữ liệu tâm trí” trong anh, trong sự tương tác với những bối cảnh qua từng giây phút . Nếu hệ thống này không được sửa chữa, thì tương lai của anh cũng ….”vũ như cẩn”! Như vậy, điểm trọng yếu là “sửa chữa hệ thống dữ liệu tâm trí” của anh, nhất là hệ thống “niềm tin & sự mong đợi” .
Làm sao sửa chữa ?
Hệ thống ấy là thế giới quá khứ của anh, nhưng quá khứ làm sao sửa ?Anh phải chuyển hoá hệ dữ liệu này , chứ sửa thì không thể được. Nếp nhăn trên áo, có thể ủi sạch, nhưng nếp nhăn trong não, có ủi cách mấy, vẫn lưu lại tỳ vết.
Làm sao chuyển hoá hệ dữ liệu tâm trí ? Có hệ thống12 phương pháp của một vị Đạo Sư vĩ đại từ hơn 2600 qua và có lẽ là mãi mãi cho đến khi nào nhân loại còn tồn tại, hệ thống này có thể giúp ích được anh :
Trước mọi bối cảnh , hãy thấu hiểu tận tường mọi đáp ứng và ứng xử hiện tại một cách chân chánh . Chân chánh là sao? Trước bối cảnh, hãy nhìn kỹ bối cảnh và hãy nhìn chăm chú và thận trọng vào sâu thẵm nội tâm, để xem hệ thống “kịch bản tâm trí” trong anh đang vận động, nó muốn sao ? Anh sẽ thấy “niềm tin & sự mong đợi” dấu mặt sau kịch bản .
1. Anh hãy chọn và chỉ chọn những kịch bản nào vắng mặt sự giận dữ, sự đối kháng, vắng mặt lòng ham muốn, tự ái, tự mãn, đố kỵ, ganh ghét, …..; nhưng có nhiều lòng thương và sự cảm thông, và anh phải hiểu được hệ luỵ của đáp ứng ứng xử mà anh đã chọn lựa.
2. Hãy tư duy chân chánh, tư duy xem hệ thống “kịch bản tâm trí” trong anh, cái nào được người đời tôn trọng, ngợi khen, anh hãy phát huy; cái nào bị người đời chê bai, anh hãy dẹp bỏ, gắng “ủi” cho đến khi chỉ còn tỳ vết.
3. Hãy nói lời êm dịu, đầy hoà giải, lời đầy cảm thông và nhân từ . Nhất là không được dối gian, không được thêm bớt. Hãy nói sự thật, nếu không, thì đừng nói .
4. Hãy tạo dựng nghề nghiệp hợp với luật pháp .
5. Hãy sử dụng thực phẩm vừa đủ để nuôi thân, đồng thời mang ơn sâu sắc các sinh thể đã cho ta sinh khối nuôi sự sống của ta .
6. Hãy Trầm tĩnh trước mọi biến cố, không giận dữ, không nóng nảy, không sợ hãi. Hãy tìm thấy trật tự, sự ổn định tương đối trong đống hỗi độn ấy .
7. Hãy lưôn ghi tâm những điều thuộc về Chân-Thiện-Mỹ.
8. Hãy tham gia tích cực vào đời sống xã hội, hãy chịu trách nhiệm xã hội cộng đồng, do hết thảy những gì đã cho ta cuộc sống này .
9. Hãy giữ gìn đạo đức và lối sống lành mạnh nhất .
10. Hãy Nhẫn Nhịn trong đời sống và trước mọi biến cố, không để lòng ham muốn cuốn trôi, không để sân hận đốt cháy tâm can . Hãy dẹp bỏ mọi tự ái .
11. Luôn luôn học hỏi để nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt, nhưng không nên quá dựa vào nó, chỉ tham khảo nó thôi, vì nó là trạng thái tĩnh, mà bối cảnh thực tế thì luôn động.
12. Tinh Siêng trong mọi công việc, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào .
Anh sẽ thấy 12 yếu tố trên chỉ sửa chữa hệ thống “kịch bản tâm trí” mà thôi. Thế nhưng, khi hệ thống này khi được sửa chữa, thì sẽ có tác dụng ngược vào các hệ thống còn lại . Có câu :
Gieo hành vi sẽ gặt thói quen ; Gieo thói quen sẽ gặt tính cách ; Gieo tính cách sẽ gặt số phận . Nhưng : Muốn thay đổi số phận, phải thay đổi tính cách ; Muốn thay đổi tính cách, phải thay đổi thói quen; Muốn thay đổi thói quen phải thay đổi hành vi; Muốn thay đổi hành vi, phải thay đổi “hệ dữ liệu tâm trí”; Muốn thay đổi “hệ dữ liệu tâm trí”, phải thay đổi hệ thống “kịch bản tâm trí” , khi hệ này bị thay đổi, nó sẽ thay đổi 2 hệ còn lại . Muốn thế, hãy thực hiện 12 nguyên tắc trên .
Tôi bảo đảm anh, anh sẽ “được như thế khác”, cái mà anh muốn . Cuối thư, tôi biết anh còn nhiều thắc mắc, hãy đến ngôi chùa nào mà anh tin, và hỏi vị sư xem….vì tôi đã ….hết bài …tôi cũng… như anh, tôi cũng …đang làm 12 điều này, mà đã xong đâu, vì tánh tình tôi “xấu nết”, làm sao tôi biết hơn ?
Thân mến,
Tâm Nhẫn
Phản hồi