“Thấy chưa thật, chớ nói bừa, biết chưa đúng, chớ tuyên truyền”
Nếu nhìn thấy việc không đáng tin lắm thì đừng tùy tiện nói lung tung. Bạn biết những chuyện không chính xác, không xác thực lắm, những chuyện như vậy thì không được đi loan truyền, không được khinh suất rao truyền.
Ở đây nói chúng ta nói chuyện phải rất cẩn thận. Nếu trong này có những chuyện thị phi, nói người nào đó, anh A nói chuyện thị phi của anh B, nói tốt như thế nào đó hoặc không tốt như thế nào đó, nếu chúng ta không biết chính xác thì không được đi loan truyền.
Cho dù bạn biết chính xác nhưng phải biết không được rao truyền chuyện thị phi, nghe là được rồi hà tất phải đi nói cho người khác biết? Nói những chuyện đó không giúp đức hạnh, học vấn của mình tiến bộ mà ngược lại có khả năng sẽ kết oán thù với người ta.
Đặc biệt là lúc nói những tin đồn nhảm, phải biết những tin đồn ấy đến chỗ ta thì phải chặn lại, không được tiếp tục truyền đi nữa, “lời đồn dừng ở chỗ người trí”. Tâm để ở trong đạo, đừng để những chuyện nhỏ nhặt làm động tâm, những chuyện thị phi làm dao động. Đặc biệt là trong đạo tràng, phải biết nói chuyện thị phi trong đạo tràng thì tội tăng thêm một bậc. Bởi vì đây là phá hoại sự hòa hợp trong đạo tràng. Chúng ta nói Tăng đoàn, tức là đoàn thể chân thật cùng tu với nhau, đoàn thể học Phật chí đồng đạo hợp tu lục hòa kính, đó gọi là Tăng đoàn. Nếu nói thị phi ở trong đó, kiếm chuyện sinh sự phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn thì tội đó quả thực là vô cùng nặng, đó là quả báo ở địa ngục A Tỳ.
Trong “Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh” có nói một ví dụ như vậy. Có hai vị Pháp sư xuất gia, họ giảng pháp rất hay. Có một nhóm Tỳ Kheo trì giới tinh nghiêm nhưng bởi vì sanh tâm đố kị. Do vì đố kị nên đã kiếm chuyện sanh sự, nói những lời thị phi, nói hai vị Pháp sư giảng pháp này làm chuyện dâm dục. Thính chúng nghe thấy như vậy thì nói: “Ồ! Vì sao nhân phẩm của Pháp sư lại kém như vậy, không nghe ông ta giảng nữa”. Kết quả nhân duyên nghe pháp của chúng sanh bị đoạn mất. Sau khi đoạn mất, không ngờ nhóm Tỳ Kheo này ngay đời đó bị đọa địa ngục.
Người kiếm chuyện sanh sự sẽ bị đọa địa ngục. Trước tiên là địa ngục A Tỳ, sau đó trải qua từng địa ngục một. Trên Kinh ghi chép đọa ở trong đó mười tám triệu năm. Sau khi thoát khỏi địa ngục, dù được thân người nhưng là người nghèo cùng hạ tiện, các căn không đầy đủ, là người tàn phế. Cho nên từ đây thấy được, nói chuyện thường tạo ác nghiệp rất nặng, chúng ta không thể không cẩn thận.
Có lúc bản thân người học Phật chúng ta thường chứng một số cảnh giới. Ví dụ đạt được sự khinh an, có một chút pháp hỷ, niệm Phật cũng rất tốt, lúc này họ thường hiểu lầm bản thân có thể đã chứng được một số quả vị gì đó, có những việc như vậy. Họ cảm thấy có phải mình đã chứng quả A La Hán rồi không, niệm Phật có phải đã niệm được công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn rồi không. Những chuyện này có thể là do họ không hiểu rõ kinh giáo, cho nên họ không chắc chắn, họ hiểu lầm, xem những cảnh giới này của bản thân rất cao, sau đó họ nói với người khác.
Lúc nói như vậy thường sẽ có nhân quả. Bởi vì trên Kinh nói rằng “Chưa chứng mà nói chứng, tội này thuộc vào đại vọng ngữ”. Bản thân chưa đạt được công phu đó, cảnh giới đó mà bạn nói mình đã đạt được thì đó là đại vọng ngữ, nhân quả đó cũng rất nghiêm trọng. Cho nên bản thân không chắc chắn lắm thì tốt nhất đừng nên nói, tu hành là chính mình dụng công, hà tất phải để người khác biết?
Pháp sư Định Hoằng
Phản hồi